Nhân dân Bình Thuận nổi dậy giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Cách đây 76 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân và các lực lượng vũ trang cả nước đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa và giành thắng lợi hoàn toàn; lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước đã thuộc về nhân dân lao động. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hòa chung cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở nhiều địa phương trong cả nước, trong những ngày tháng tám lịch sử đầy sôi động, Ban vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận đã chủ trương phát động quần chúng nổi dậy biểu tình thị uy, dùng bạo lực chính trị buộc chính phủ bù nhìn phải giao lại chính quyền không điều kiện. Sau thời kỳ Mặt trận dân chủ, địch khủng bố gắt gao, nhiều đảng viên là lãnh đạo phong trào bị bắt tù đày, đường dây liên lạc với Xứ ủy Trung kỳ bị đứt; thiếu sự lãnh đạo của Đảng, nên từ năm 1941 đến đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Bình Thuận tạm lắng. Đến tháng 4/1945, các đảng viên bị tù từ trại tập trung Ly Hy (Thừa Thiên) và nhà tù Buôn Ma Thuột trở về, phong trào cách mạng ở Bình Thuận mới tiếp tục sôi động.

Tháng 6/1945, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận được thành lập, do đồng chí Nguyễn Sắc Kim phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Tương phụ trách tổ chức - tài chính; các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Chúc, Thái Hựu phụ trách các huyện, ngành… phong trào cách mạng từng bước phát triển.

Thực hiện “Lệnh tổng khởi nghĩa” của Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc (thông qua ngày 16/8/1945 tại Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào) và thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh phát động khởi nghĩa giành chính quyền. Trước khí thế cách mạng của nhân dân, ngày 24/8/1945, tỉnh trưởng Huỳnh Dư giao chính quyền cho cách mạng. Ngày 25/8/1945, hàng vạn đồng bào từ các vùng xung quanh Phan Thiết kéo về cùng với đồng bào thị xã Phan Thiết diễu hành biểu dương lực lượng và tập trung tại sân vận động Phan Thiết tham gia mít tinh mừng chiến thắng. Sau mít tinh, quần chúng lần lượt diễu hành qua các phố và các ngã đường làm cho thế cách mạng càng lên cao. Sau đó, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh được thành lập, gồm 11 ủy viên, đồng chí Nguyễn Nhơn được cử làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Tương làm Phó Chủ tịch.

Sau khi giành chính quyền ở tỉnh và Phan Thiết thành công, Ban Vận động Việt Minh lâm thời tỉnh triển khai cán bộ xuống các huyện tổ chức nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Ở Hàm Thuận, những ngày sau đó bọn tay sai từ phủ, tổng đến xã, phường lần lượt ra trình diện, giao nộp hồ sơ, đồng triện cho cách mạng. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và ông Nguyễn Hữu Hạnh làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở các huyện Hòa Đa, Phan Lý, Tuy Phong, đồng chí Cổ Văn An được Việt Minh tỉnh phân công phụ trách đã cùng với Ban vận động Việt Minh các huyện lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Đêm 24/8/1945, lực lượng ta tiến vào phủ bộ Hòa Đa, đề lại Phan Thanh Cần và đội quản đồn Hòa Đa đầu hàng, giao ấn tín, vũ khí cho cách mạng. Ngày 28/8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hòa Đa được thành lập, đồng chí Cổ Văn An được bầu làm Chủ tịch, ông Lê Hòa làm Chủ nhiệm Việt Minh huyện. Ở Tuy Phong, trưa 27/8/1945, hàng ngàn người dân đổ về xã Long Hương mít tinh, sau đó kéo đến huyện đường, tri huyện Phan Thanh Đạm đầu hàng, giao ấn tín. Tối 27/8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập, do đồng chí Võ Đằng làm Chủ tịch. Ngày 28/8/1945, một số thanh niên trí thức người Việt, người Chăm ở Phan Lý Chàm tiến vào huyện đường, tri huyện Phạm Ngọc Cẩn nhanh chóng giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa. Ngày 29/8, chính quyền cách mạng huyện Phan Lý Chàm được thành lập, ông Thanh Giác được bầu làm Chủ tịch. Ở đảo Phú Quý (lúc này thuộc huyện Tuy Phong), sau khi lính Nhật rút khỏi đảo và nhận chủ trương khởi nghĩa từ đất liền, tối 29/8/1945, một số thanh niên yêu nước cùng cốt cán Việt Minh tổ chức tước vũ khí lính ngụy, lập chính quyền cách mạng, đồng chí Huỳnh Văn Hoạch được bầu làm Chủ tịch. Ở Hàm Tân, các xã Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân, nơi có đảng viên cũ đã lãnh đạo nhân dân đứng lên giành chính quyền vào 7 giờ sáng ngày 26/8/1945. Sáng 29/8, các làng Bình Châu, Thắng Hải nhân dân kéo về huyện đường Hàm Tân để biểu dương lực lượng. Chiều ngày 2/9/1945, tại sân banh La Gi, nhân dân các làng xung quanh kéo về làm lễ mừng độc lập, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện được thành lập, ông Phan Thanh Bá được bầu làm Chủ tịch. Ở huyện Tánh Linh, sau khi tham gia giành chính quyền ở tỉnh, đồng chí Nguyễn Gia Tú được cử lên cùng đồng chí Lê Văn Triều tổ chức khởi nghĩa giành chính thắng lợi. Chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí Lê Văn Triều được bầu làm Chủ tịch. Vùng Võ Đắc do tổ chức Đảng huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) lãnh đạo, nhân dân từ cây số 14, 23, 27 tập trung về Võ Đắc tổ chức giành chính quyền. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập, đồng chí Ba Cường được bầu làm Chủ tịch.

Gần một tháng sau ngày khởi nghĩa, hệ thống chính quyền cách mạng từ tỉnh đến cơ sở ở Bình Thuận đã được thành lập và hoạt động. Ngày 2/9/1945, trên sân vận động Phan Thiết và các huyện, nhân dân trong tỉnh tổ chức mít tinh, diễu hành mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Trải qua 76 năm, kể từ Cách mạng mùa thu Tháng Tám năm 1945, Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận cùng với nhân dân cả nước tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ, ác liệt ấy hàng vạn người con yêu quý của quê hương đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng - đó là những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tạc dạ ghi nhớ công lao to lớn của những người chiến sĩ kiên cường, bất khuất đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Tự hào và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà càng phải nêu cao trách nhiệm, đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, nhất là cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19; cùng cả nước giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. 


Các tin khác