Kỷ niện 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022)

Trường Dục Thanh (Phan Thiết) - nơi góp phần đến quyết định ra tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành

Khoảng tháng 9/1910, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết, vào dạy ở Trường Dục Thanh. Thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh không lâu, nhưng tại đây, Nguyễn Tất Thành càng củng cố thêm quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Không còn là muốn đi xem, mà là phải đi để học cách làm của người ta về giúp đồng bào mình. 

Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ dừng chân dạy học vào khoảng tháng 9/2010 (nay trường nằm ở số 39, đường Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, tp Phan Thiết)

Bình Thuận là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành tư tưởng và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành và Trường Dục Thanh (Phan Thiết) là nơi khẳng định thêm cho quyết tâm ấy. Thời gian lưu lại nơi đây, Nguyễn Tất Thành nhận thấy ở các ông Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh[[1]] dáng dấp của một Phan Châu Trinh, Lương Văn Can trong cách thức vận hành con đường giải phóng dân tộc mà người không đồng ý trước đó. Những vần thơ uất hận tràn đầy trước cảnh nước mất nhà tan của Phan Bội Châu vẫn thôi thúc Người: “Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột. Vạch trời cao mà tuốt gươm ra”.

Trong thời gian ở Phan Thiết, ý chí của Nguyễn Tất Thành còn gặp một điều kiện nữa để chuyển biến, phát triển đó là toàn bộ di sản văn học của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông (1827 - 1884). Nguyễn Tất Thành đồng lòng với tư tưởng yêu nước, thái độ tích cực, trách nhiệm trước xã hội và nhân dân của cụ Nguyễn Thông,… Sự đồng điệu, đồng cảm giữa hai tâm hồn của hai thế hệ cách xa nhau Nguyễn Thông - Nguyễn Tất Thành về sự dằn vặt trước vận mệnh của đất, tìm con đường cứu nước. Thực tế đó đã giúp Nguyễn Tất Thành hình thành thêm trong tư tưởng những chất liệu của lòng khát khao độc lập, hạnh phúc của những thế hệ đi trước bản thân Người. Cũng chính ở nơi đây, tại  Ngọa du sào[[1]], Nguyễn Tất Thành giành nhiều thời gian để đọc “Tân thư”[[2]] nhằm tích lũy thêm kiến thức văn hóa và cũng để hiểu sâu hơn một số vấn đề về chính trị - xã hội trong nước và trên thế giới lúc bấy giờ[[3]].

Sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết và dạy học tại Trường Dục Thanh được xem là người đầu tiên đem đến một “nguồn tin lực” mới về chủ nghĩa yêu nước cho cuộc sống ở Phan Thiết, mà sau này vào tháng 7/1976, khi đến thăm Trường Dục Thanh, nhà thơ Giang Nam đã viết trong bài thơ: Thăm trường xưa Bác dạy, như sau: “Phan Thiết ơi, bao người còn nhớ. Bài học đầu tiên Bác dạy: hiểu mình”. Hiểu mình là Người tự hiểu mình, dạy học trò tự hiểu mình, ý thức sứ mệnh của mình gieo hạt, khơi dậy trong quần chúng nhân dân tư tưởng tự ý thức sức mạnh lớn lao của mình, tất cả để thực hiện quyền độc lập cho chính dân tộc mình. Thực tế 20 năm sau, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), cao trào cách mạng phát triển như vũ bão ở khắp nơi, trong đó có sự đóng góp to lớn của nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Như vậy, từ truyền thống của gia đình, quê hương, dân tộc; từ những tri thức, tư tưởng tiến bộ mà Nguyễn Tất Thành tiếp thu được ở người cha, sự khủng hoảng đường lối cứu nước và từ những điều mà Người trực tiếp chứng kiến, trải nghiệm đã làm nảy nở, hun đúc, nhân lên lòng yêu nước, thương dân và khát vọng giải phóng dân tộc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[[4]]. Ham muốn đó thật cao cả và vĩ đại. Đây chính là những nhân tố cơ bản tác động và thúc giục Nguyễn Tất Thành quyết định ra đi tìm đường cứu nước, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc.

Ngày 5/6/1911, con tàu Amiral Latouche Treville, từ cảng Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Cuộc hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một con người mà lịch sử đã chứng tỏ là sáng suốt phi thường ấy.

Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không đi sang nước nhật, không tìm về châu Á mà người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị dân tộc mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, về văn hóa, về chính trị để xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, quyết tâm tìm con đường cứu dân. Để rồi 20 năm sau đó, ngày 3/2/1930 Người đã chủ trì việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng cách mạng tiên phong, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đánh duổi ách thống trị của bọn thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước.

 


[[1]] Ngôi nhà nhỏ, một lán nhỏ để nghỉ ngơi, suy nghĩ bàn luận về thế cuộc.

[[2]] Sách báo tiến bộ từ Pháp, Trung Quốc đưa về nước ta lúc bấy giờ được gọi là “Tân thư”.

[[3]] Tô Quyên (1985 “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước”, Nxb Tp Hồ Chí Minh, tr.61.

[[4]] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 627.


[[1]] Những sĩ phu đương thời có ảnh hưởng và trực tiếp thành lập các tổ chức có xu hướng yêu nước, như: Liên Thành Thư Xã (1905), Liên Thành Thương Quán (1906), Dục Thanh học hiệu (Trường Dục Thanh) 1907.


Các tin khác