Chào mừng kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 - 21/06/2022): Báo Bình Thuận-Những chặng đường lịch sử

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng và trí tuệ của toàn dân tộc. Sau khi Đảng ra đời, tổ chức Đảng ở các địa phương trong cả nước cũng được hình thành, vận động quần chúng tham gia cách mạng.

1. Công tác báo chí của Bình Thuận những ngày đầu tiên đi theo Đảng

Ở Bình Thuận, cuối năm 1930, mặc dù hoạt động bí mật, tổ chức đảng cấp tỉnh chưa hình thành, nhưng một chi bộ Đảng được thành lập ở làng Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi) gồm 7 đảng viên do đồng chí Ngô Đức Tốn làm Bí thư. Tất cả các đảng viên đều làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối xây dựng Đảng, giáo dục quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng. Họ đi vào các gia đình có tinh thần chống Pháp trước đây để tuyên truyền lòng yêu nước chống thực dân và phong kiến.

Từ những cuộc vận động xây dựng cơ sở ban đầu, tại phủ Hàm Thuận[[1]] đã hình thành các tổ Nông hội ở là Tùy Hòa[[2]] do đồng chí Nguyễn Gia Tú làm tổ trưởng và tại làng Bình An[[3]] do đồng chí Nguyễn Tương làm tổ trưởng; sau đó, tổ Nông hội tiếp tục phát triển ở các làng Thiện Mỹ, An Long, Phú Trường, Phú Long, Long Thạnh, Kim Ngọc thuộc phủ Hàm Thuận. Tổ chức “Phản đế đồng minh Hội” ở làng Tam Tân do đồng chí Ngô Đức Tốn thành lập năm 1930 cũng tập hợp thêm nhiều giáo viên, nông dân, công chức trong làng, phát triển hội viên, chia thành nhiều tổ để bí mật hoạt động. Ở Rạng[[4]], đồng chí Hồ Quang Cảnh tổ chức nhóm yêu nước là giáo viên, thợ may, nông dân trong làng tham gia. Để cổ vũ, hướng dẫn phong trào đấu tranh cách mạng trong tỉnh lên một bước, cuối tháng 2/1931, tại “Trung tâm chỉ đạo số 6 Hàn Thuyên”[[5]], các đồng chí đảng viên chủ trương phát hành tờ báo nội bộ với tên gọi “Nhân Đạo” viết bằng chữ Việt và chữ Hán, có khổ cỡ giấy học trò gấp đôi để bỏ túi và cất giấu tuyên truyền, tôn chỉ của báo là: “Nhân đạo chủ nghĩa-Cộng sản chủ nghĩa” được in nổi bật ở đầu trang bằng xu xoa mực tím.

Trong khoảng thời gian cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, thực dân Pháp đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân trong tỉnh hết sức khốc liệt. Để đảm bảo an toàn, tổ in xu xoa của đồng chí Nguyễn Gia Tú dời dụng cụ, đồ nghề ra phía sau động cát gần núi Tà Dôn, địa điểm này tương đối xa dân, cây cối rậm rạp, dễ ẩn mình, khi lộ có nhiều lối thoát. Tại đây, từ tháng 2/1931 đến tháng 7/1931, cùng với truyền đơn, tài liệu huấn luyện, tổ in xu xoa in được 3 số báo Nhân Đạo, số đầu 30 bản, hai số sau tăng gấp đôi. Nội dung tin bài nói về Cách mạng tháng Mười Nga, Công xã Pari, Công xã Quảng Châu… có sức kích thích lớn trong việc xây dựng, phát triển phong trào. Ngoài việc in báo còn in truyền đơn cho cuộc đấu tranh sắp tới; tuy nhiên lúc này, việc in truyền đơn vẫn là nhiệm vụ chủ yếu.

Bàn dùng in báo Nhân Đạo đặt tại cơ sở bí mật của Đảng ở làng Tùy Hòa (Hàm Thuận) năm 1931

Đêm ngày 14 sáng ngày 15/8/1931, mặc dù trời mưa to gió lớn và địch canh giữ nghiêm ngặt, nhưng đảng viên, quần chúng được phân công đã nhất loạt hành động; hàng loạt truyền đơn cách mạng rãi khắp các đường phố thị xã Phan Thiết và các khu dân cư Lại An, Xóm Lụa ven đường số 1 (Quốc lộ 1), các xã Phú Bình, Bình An dọc theo tuyến tỉnh lộ 8 (Quốc lộ 28) và dọc đường ven biển Phú Hài đi Rạng (Mũi Né). Truyền đơn còn xuất hiện trước toà nhà Công sứ Pháp[[1]], phủ đường Hàm Thuận[[2]]. Cùng với truyền đơn, biểu ngữ viết trên băng đệm xuất hiện tại lò gạch ông Hai Hiến ở Hầm Đá, làng Bình An, cờ đỏ búa liềm tung bay trên cây me gần ga Ma Lâm, cây Lim làng Long Thạnh[[3]], nóc tôn đình Thiện Khánh và ngay trước đồn “Lính khố xanh”[[4]] ở trung tâm thị xã Phan Thiết; Truyền đơn mang nội dung có đoạn: “Hỡi anh chị em thợ thuyền, dân cày, học sinh, binh lính! Hỡi người lao khổ! Nay mai bọn đế quốc Pháp sẽ lấy tiền của chúng ta đặng mà sài phí làm lễ kỷ niệm ngày 14/7. Chúng nó mang mặt nạ “tự to, bình đẳng, bác ái” để gạt chúng ta. Chúng nó ghi nhớ ngày cách mạng Pháp phá khám lớn Basti năm 1789, mà ở Đông Dương thì nó xây thành, đắp lũy, khám lớn, khám nhỏ nhiều hơn trường học; gươm máy cắt cổ như cắt khoai; tòa án đại hình kêu oán suốt năm, mã tà, lính kín lủi khắp… Đảng Cộng sản, Nam Kỳ lâm thời chấp hành ủy viên Hội”… Làn sóng đấu tranh lan rộng cả một vùng rộng lớn của tỉnh Bình Thuận kể từ khi các phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân thất bại.

Vô cùng hoảng hốt trước khí thế cách mạng dâng cao, bọn cầm quyền Pháp và tay sai ở tỉnh mở cuộc truy lùng, khám xét, khủng bố, đánh phá phong trào cách mạng ở Bình Thuận, bắt 360 người đưa đến các đình làng tra tấn, đồng chí Nguyễn Gia Tú cùng nhiều đồng chí của mình như: Hồ Quang Cảnh, Nguyễn Tương, Trần Hoành, Nguyễn Thắng… bị bắt; người bị giam ở nhà lao Phan Thiết, người bị đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột. Phong trào cách mạng tạm lắng xuống, cơ sở in báo và truyền đơn ở làng Tùy Hòa không còn, tờ báo Nhân Đạo vì thế tạm thời bị đình bản cho đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công.

Như vậy, từ khi cơ sở Đảng được xây dựng trên quê hương Bình Thuận những năm 1930 đến năm 1931, “Nhân Đạo” là tờ báo đầu tiên của Đảng bộ Bình Thuận làm nhiệm vụ tuyên truyền đường lối cách mạng trong nhân dân. Công tác tuyên truyền cách mạng cho quần chúng đã kết hợp tuyên truyền miệng và tuyên truyền bằng biểu ngữ, truyền đơn, báo chí. Mặc dù trong điều kiện hoạt động bí mật, nhưng những biện pháp trên đã tác động, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân ở Bình Thuận theo đường lối Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản kiên trung tại Bình Thuận.

2. Báo chí Bình Thuận bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần 2 (1946-1954)

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, tình hình trong nước cũng như tại Bình Thuận gặp nhiều khó khăn. Để tuyên truyền các chủ trương của Đảng, động viên cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân, phần lớn các ban, ngành, huyện, thị trong tỉnh đều có cơ sở in báo, bản tin, truyền đơn, áp phích. Tháng 1/1946, Mặt trận Việt Minh tỉnh thành lập “Đoàn Tuyên truyền lưu động Việt Minh tỉnh bộ Hồ Quang Cảnh” do đồng chí Nguyễn Văn Khánh (Khánh Cao) phụ trách. Đoàn Thanh niên Cứu quốc tỉnh ra tờ báo “Quyết Tiến” gồm 4 trang, khổ 28x40cm, măng sết màu đỏ, mỗi tháng ra 2 kỳ, mỗi kỳ 200-300 bản, tòa soạn và cơ sở in đặt tại làng Bình An, sau dời sang làng Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận và Gò Bồi phía Nam thị xã Phan Thiết. Đoàn Thanh niên Cứu quốc thị xã Phan Thiết cũng ra tờ báo“Sáng”, mỗi tháng mỗi kỳ, mỗi kỳ 150-200 bản, khổ 22x32, in lito 2 màu, măng sết được kẻ với kiểu sinh động, hấp dẫn. Trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1946, báo Sáng ra thêm phụ bản chân dung Bác Hồ in màu nâu sáng lên giấy tốt. Dịp đón Tết Đinh Sửu năm 1947, báo Sáng ra số đặc biệt, bìa in tranh nhiều màu khá đẹp, tòa soạn và cơ sở in đặt tại vùng Cây Xây-Ổ Két nằm sâu trong núi Ba Hòn[[5]]. Sau đó, tờ Sáng ngừng xuất bản để chuyển thành tờ Thống Nhất làm tiếng nói chung cho các giới kháng chiến của thị xã Phan Thiết.

Bên cạnh các tờ báo đã nêu, còn có một số ấn phẩm báo chí, bản tin khác của các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang ra đời, hoạt động tuyên truyền, như: Trung đoàn 82 ra tờ Chiến Đấu, tòa soạn và cơ sở in đóng tại khu vực Ô Rô sau đó dời qua Hố Đất (căn cứ khu Lê Hồng Phong)[[6]]. Tháng 12/1948, Trung đoàn 82 Bình Thuận hợp nhất với Trung đoàn 81 Ninh Thuận thành Liên trung đoàn 81-82, sau đổi thành Trung đoàn 812 và tờ Chiến Đấu được thay bằng tờ Vệ Quốc Quân Cực Nam gồm 8 trang, khổ 20x30cm, bìa và ruột in nhiều màu trên giấy trắng, tòa soạn và cơ sở in đóng tại Bàu Trắng, Bình Nhơn (khu căn cứ Lê Hồng Phong).

Có thể nói, những năm đầu kháng chiến chống Pháp, vùng căn cứ Ba Hòn, bưng Cò Ke, chiến khu Ô Rô là “thủ đô” báo chí và trung tâm in “thạch bản”[[7]] ở địa phương; nhiều cơ quan, ban, ngành có cơ quan ngôn luận và bộ phận ấn loát mang bản sắc riêng của mình, như: Cuối năm 1947, Ty Thông tin có tờ Thông tin Bình Thuận; Ban Chính trị Tỉnh đội có tờ Thông Tin Dân Quân; Mặt trận Liên Việt có tờ Đoàn Kết; Liên hiệp Công đoàn có tờ Chiến Thắng; Phòng Quốc dân thiểu số có tờ Liên Hữu in bằng 2 thứ tiếng Việt và Chăm, Ban địch vận tỉnh có tờ Information bằng tiếng Pháp rọi ánh sáng cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân dân ra vào quân đội viễn chính Pháp đóng ở các đồn bót. Ở cấp huyện, có Phòng Thông tin Hòa Đa, Phòng Thông tin Tuy Phong, Phòng Thông tin Hàm Thuận, Phòng Thông tin Phan Lý in tuyên truyền phẩm bằng tiếng Chăm và xuất bản tờ in song ngữ Việt – Chăm… Ở mộ số xã, có tờ Minh Thành Thông Tin của xã Minh Thành (huyện Hàm Thuận)[[8]]; tờ Tiến Bước của Thanh niên cứu quốc, tờ Tuổi Trẻ của Đội Thiếu niên Cờ Lau ở thị trấn Phan Rí Cửa, tờ Mạnh của xã Chí Công (huyện Hòa Đa).

Những năm 1948-1949, để đối phó việc Pháp đánh phá, dụ dỗ, mua chuộc, chia rẽ đồng bào Kinh, Chăm… và ra sức bắt lính của địch; về phía ta, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến-hành chính tỉnh chỉ thị cho Ty Thông tin đẩy mạnh việc in ấn, tán phát báo, bản tin, truyền đơn, áp phích với nội dung vạch mặt bản chất xâm lược của thực dân Pháp, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân, kịp thời đưa tin chiến thắng, vận động đoàn kết dân tộc, động viên tin tưởng cuộc kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi. Với nhiệm vụ này, năm 1948 tại Trại Mấu (khu căn cứ Lê Hồng Phong), tờ báo Bình Thuận ra đời. Cũng như báo Vệ Quốc Quân Cực Nam của Trung đoàn 812, báo Bình Thuận và những ấn phẩm tuyên truyền có mặt ở nhiều nơi trong nước được bàn bè đồng nghiệp tỏ lòng cảm phục.

Năm 1954, để phối hợp với chiến trường chính Điện Biên Phủ, Trung đoàn 812 đồng loạt tấn công tiêu diệt chi khu Tánh Linh, cứ điểm Suối Kiết, diệt địch ở Gia Bát, La Dày… đánh sập chi khu Lương Sơn, cứ điểm Duồng, Long Hương; phá tan hệ thống đồn bót địch phía bắc khu căn cứ Lê Hồng Phong… Đây là đợt hoạt động phối hợp nhịp nhàng với chiến dịch chính Điện Biên Phủ đánh bại dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (1954) lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương.

Chặng đường kháng chiến chống Pháp 9 năm là chặng đường đầy gian nan thử thách, nhưng cũng đầy thắng lợi vinh quang của dân tộc, của quân dân Bình Thuận. Trên chặng đường này, báo chí Bình Thuận dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bình Thuận đã nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh, lao động sáng tạo, phục vụ xuất sắc công tác tuyên truyền, góp phần công sức vào thắng lợi vẻ vang của quê hương.

2. Báo chí Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, đầu năm 1955, để kịp thời chỉ đạo phong trào sâu sát cả đồng bằng và miền núi, tại rừng Ngang (khu căn cứ Lê Hồng Phong), tờ nội san mang tính chất báo đầu tiên của công tác tuyên truyền trong chống Mỹ ở Bình Thuận mang tên Hòa bình - Thống nhất - Độc lập - Dân chủ được xuất bản, đúng như mục tiêu của cách mạng miền Nam đã đề ra. Từ tháng 5/1955, sau khi thiết lập xong bộ máy ngụy quân, ngụy quyền các cấp, Mỹ-Diệm phát động và đẩy mạnh chiến dịch “tố cộng” đã gây cho ta tổn thất lớn, cán bộ, đảng viên bị hy sinh nhiều… Khó khăn là vậy, nhưng tuyên truyền phẩm và báo vẫn ra, dù số lượng ít hơn; đồng thời, để phù hợp với tình hình, tên tờ báo được bớt đi các chữ Độc lập, Dân chủ để rút gọn thành Hòa bình - Thống nhất; tuy số trang báo ít hơn, nhưng tin, bài phản ánh rất sinh động phong trào của nhân dân đòi Mỹ-Diệm thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Đến tháng 1/1959, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khoá II ra đời đã phản ánh đúng và giải quyết kịp thời yêu cầu của cách mạng miền Nam. Đầu năm 1960, từ vùng núi cao Ra Pú, Ra Diu, Công Rum, cơ quan Tỉnh ủy dời xuống vùng Quao, A Ra ven sông La Ngà. Tại đây, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được hình thành, tách khỏi Văn phòng Tỉnh ủy; theo đó, bộ phận báo chí trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Những năm 1961-1962, nhằm phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền trong tình hình mới, nhiều ấn phẩm tuyên truyền đa dạng phong phú ra đời: Đầu tiên là bản tin Thông tin Bình Thuận, mỗi tháng ra 3 kỳ, mỗi kỳ 200-300 bản, mỗi bản 6-8 trang, khổ giấy 15x20cm, tồn tại đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cùng với tờ Thông tin Bình Thuận, Bản tin song ngữ Việt - K’Ho cũng được xuất bản dành phục vụ cho đồng bào K’Ho ở phía tây Bình Thuận và trong năm 1962, Nhà in Giải phóng Bình Thuận được hình thành.

Để việc tuyên truyền được sâu rộng hơn, Tỉnh ủy quyết định cho xuất bản nội san mang tên Cờ Giải Phóng, lúc đầu là cơ quan tuyên truyền văn nghệ, sau đổi thành tiếng nói của các lực lượng yêu nước chống Mỹ ở Bình Thuận; nội san mỗi tháng mỗi kỳ, khổ giấy 15x20cm, dày 24-36 trang, in khoảng 500 bản, bìa in 2 màu, tin bài, tranh minh họa gắn với chủ đề chính trị vũ trang, binh vận và xây dựng vùng căn cứ giải phóng. Đến năm 1966, nội san Cờ Giải Phóng ngừng xuất bản, thay thế bằng tờ Giải phóng Bình Thuận dạng báo, lấy danh nghĩa tiếng nói Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh, in mỗi tháng 1 kỳ từ 500-800 bản, khổ giấy 20x32, dày 4 - 8 trang, và đến những năm 1969-1970, khi hệ thống chính quyền cách mạng miền Nam của chúng ta được hình thành cơ bản, thì chuyển sang lấy danh nghĩa Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận. Cùng với bản tin thông tin, nội sang Cờ Giải Phóng, báo Giải Phóng Bình Thuận, còn có các loại ấn phẩm văn nghệ, thơ ca chiến đấu, như: “Chắc tay súng vững tay cày, Quê xưa hoa nở, Bài ca nhân nghĩa, Đáng đời thằng Mỹ, Vui trung thu, Nhạc phẩm tuổi xanh, Chuyện lạ bốn phương, chuyện SOS…”. Các loại báo chí, ấn phẩm được chuyển đến tay binh sĩ ngụy, sinh viên thành thị, quần chúng nhân dân… với nội dung tuyên truyền chiến thắng, lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam… đã góp phần làm cho sinh hoạt chính trị và đời sống tinh thần của nội bộ và nhân dân chuyển biến rõ rệt…; những năm tiêp theo, còn có Bản tin thời sự và bản tin hướng theo ngọn cờ chống Mỹ, cứu nước để báo kịp thời những thắng lợi của ta, thất bại của địch trên chiến trường và lay động, thức tỉnh lòng yêu nước của binh lính, sĩ quan quân đội ngụy.

Tờ báo Giải phóng Bình Thuận In tại Nhà in Bình Thuận (năm 1963)

Bước sang năm 1967-1968, địch đánh phá ác liệt, nhiều cán bộ của ta phải bám chiến trường, nhất là phục vụ cuộc tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nên công tác xuất bản báo chí thời gian này gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là truyền đạt các Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết Tỉnh ủy cho cán bộ cơ quan tỉnh, huyện. Đến năm 1973, sau Hiệp định Pari, do đặc điểm chiến chiến trường thay đổi, Chiến dịch “chồm lên” đầu năm 1973 và Đông Xuân 1974-1975 nổ ra, ta đánh địch lớn, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy áp sát xuống đồng bằng phục vụ chiến trường, việc xuất bản báo chí cũng thu hẹp lại để phù hợp với tình hình, tờ báo Giải Phóng Bình Thuận không xuất bản nữa, thay bằng hàng loạt tuyên truyền phẩm khổ nhỏ đẩy mạnh các mặt hoạt động theo tình hình thực tế, góp phần cổ vũ, động viên phong trào cách mạng, thắng lợi trên các chiến trường của quân và dân Bình Thuận, của quân dân ta trên chiến trường miền Nam cùng những chính sách mới của Đảng và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tờ Thông tin số 3 phát hành ngày 25/1/1975 của cơ quan Thông tin tuyên truyền Bình Thuận gồm 4 trang, đưa tin trong tỉnh, tin mới nhận, tin chiến thắng của các tỉnh bạn trong khu vực Cực Nam Trung Bộ (Khu VI), tin toàn Miền và những trận đánh điển hình. Ở Bình Tuy, có bản tin Tin chiến thắng gồm 2 trang, thông tin chiến thắng ở chiến trường Hoài Đức - Tánh Linh cho cac cơ quan tỉnh, huyện và cơ sở… Đến ngày 26/4/1975, ta giải phóng đảo Phú Quí, giải phóng toàn tỉnh. Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.

3. Báo chí Bình Thuận trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay)

Sau ngày miền Nam hoàn toàn thống nhất, tỉnh nhà hoàn toàn giải phóng, ngày 27/10/1976, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thuận Hải ban hành Quyết định số 1331/QĐ/TU thành lập tờ báo tỉnh Thuận Hải. Báo Thuận Hải (nay là Báo Bình Thuận) là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Bình Thuận. Tiếng nói của chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận. Khi mới thành lập, mỗi tháng báo phát hành 4 số, mỗi số 5000 bản, báo in 8 trang với khổ giấy 450 x 250 ly, 2 màu; số đặc biệt thì in nhiều màu và thêm trang. Báo có nhiệm vụ: Phổ biến và giáo dục đường lối, chính sách của Trung ương Đảng và chính phủ, chủ trương của tỉnh và chính quyền địa phương đến tận cơ sở, đến các cán bộ, đảng viên, nhân viên, các tầng lớp nhân dân và các dân tộc trong tình, góp phần nâng cao giác ngộ cách mạng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở địa phương. Vận động, tổ chức phong trào quần chúng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng và chính quyền đã đề ra, bảo đảm giữ vững trật tự an ninh, từng bước phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân. Coi trọng việc phát huy mọi điển hình tiên tiến, những hành động cách mạng tích cực, sôi nổi trong phong trào quần chúng. Thông tin tuyên truyền những thành tưu về công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trong tỉnh, trong nước và mọi mặt kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, góp phần nâng cao nhận thức và động viên niềm phấn khởi tin tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đối với Đảng lãnh đạo và chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp…

Ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, nhưng những người làm báo và Báo Bình Thuận từ tờ báo đầu tiên mang tên báo Nhân Đạo cho đến Báo Bình Thuận hiện nay với “vũ khí” sắc bén của mình là ngòi bút và tấm lòng sắc son với Đảng, đã vững tin đi theo Đảng cho đến ngày đất nước thống nhất, góp phần xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 

 


[1] Nay là Ủy ban nhân dân tỉnh.

[2] Nay là khu vực cây xăng đối diện sân vận động Phan Thiết, đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Phú Trinh.

[3] Nay thuộc xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc.

[4] Nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Danh từ “lính khố xanh” xuất phát từ quân phục có dải thắt lưng màu xanh buộc ở bụng, đầu dải buông thõng ở bẹn giống như cái khố nên người dân Việt mới gọi là “khố xanh”. Lính khố xanh là lính người bản xứ (người Việt) do Pháp lập ra đóng ở cấp tỉnh, tương tự như cảnh sát ngày nay.

[5] Nay thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam.

[6] Nay thuộc xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình.

[7] Kỹ thuật dùng mặt nhẵn của đá làm khuôn in.

[8] 03 xã: Minh Quang, Minh Cảnh, Minh Thành thời kỳ chống Pháp, Mỹ (hiện nay trực thuộc địa phận huyện Hàm Thuận Nam).


[1] Địa phận hiện nay phần lớn thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Hàm Thuận Nam và một số vùng ven thành phố Phan Thiết.

[2] Nay là xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc

[3] Nay là xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc

[4] Nay thuộc phường Mũi Né

[5] Những đảng viên cộng sản từ Sài Gòn ra Bình Thuận gầy cơ sở ẩn mình tại nhà số 6, phố Hàn Thuyên (gần nhà thờ Lạc Đạo).


Các tin khác