Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” giá trị to lớn về thực tiễn và lý luận đối với vận dụng công tác xây dựng Đảng

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời vào tháng 10/1947. là tác phẩm đầu tiên của Người về đổi mới xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Trải qua 76 năm, tác phẩm này vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự, tính cấp thiết để Đảng ta tiếp tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được Người viết rõ nội dung và từng câu, từng chữ ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu, cần thiết và thực chất. Nội dung tác phẩm giới thiệu khái quát 6 vấn đề lớn, vừa có tính lý luận vừa có tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc, vừa có tính cấp thiết về công tác xây dựng Đảng, đó là: Phê bình và sửa chữa;  Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo; Chống thói ba hoa.

Đặc biệt Người đã nêu ra một loạt căn bệnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên qua thực tiễn 17 năm hoạt động của Đảng và kinh nghiệm rút ra, đó là: bệnh kiêu ngạo, lười biếng, đầu óc hẹp hòi, tham lam, cục bộ địa phương, vô kỷ luật... đây là những bệnh cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng cầm quyền.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” lần đầu tiên Người giới thiệu những tư tưởng đổi mới có tính chất và nội dung căn bản về xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó có vấn đề cán bộ của Đảng và có ý nghĩa rất quan trọng. Qua thực tiễn, Người đã chỉ ra những yếu kém trong công tác cán bộ, đồng thời đề ra những giải pháp về vấn đề cán bộ mà đến nay những lời dạy, những chỉ huấn đó vẫn mang tính thời sự và cấp thiết đối với Đảng ta. Người luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ, đào tạo, giáo dục, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng”, “vừa chuyên”. Người nói: “Nơi nào cán bộ tốt thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy, cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ. Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó như đang ngủ say. Trên giấy thì cái gì cũng có. Nhưng sự thật thì việc gì cũng ể oải, lùi xùi... Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng mỹ mãn”.

Người nhắc nhở “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Dụng người như dụng gỗ”, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” và “vấn đề cán bộ là một vấn đề trong yếu, rất cần kíp”; cán bộ là cầu nối giữa Đảng và nhân dân, đem chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành”. Người chỉ rõ và hết sức lưu ý “Phải khéo dùng cán bộ”, cân nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là, trước khi cân nhắc không xem xét kỹ. Khi cân nhắc rồi không giúp đỡ họ. Khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá, lại cân nhắc lên. Chúng ta cần nêu cao giá trị nhân văn sâu sắc trong cân nhắc cán bộ.

Thói quen cũng là một tật xấu, Người phê phán thói quen “Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu ban, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, tránh những người tính tình không hợp với mình”. Người nói, dùng cán bộ không đúng tài năng của họ cũng là một thất bại. Người nói “Người viết giỏi nhưng nói kém lại dùng vào những việc cần phải nói. Người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào công việc viết lách, thành thử cả hai người đều không có thành tích”.

Hơn 37 năm đổi mới và phát triển, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nói như đồng chí Tổng Bí thư của Đảng Nguyễn Phú Trọng: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Song hiện vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn nhiều diễn biến phức tạp hơn”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ khi Đảng ta ra đời đến nay, hiếm thấy khi nào liên tục các nhiệm kỳ, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, trong đó trọng tâm là công tác cán bộ. Điều này minh chứng cho những cảnh báo, dự đoán của Người trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” mà qua 76 năm vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Đặc biệt trong tác phẩm Người xem “Tự phê bình và phê bình” là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén làm cho Đảng ta trong sạch vững mạnh toàn diện. Người viết “Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Rửa mặt là việc làm tất yếu, đơn giản, thường xuyên, ai cũng phải làm. Tự kiểm điểm, phê bình cũng như việc “rửa mặt”. Người chỉ ra một cách đơn giản, dễ hiểu “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình cũng như có bệnh mà dấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng cũng la lết quả dưa”. Mặt khác, Đảng cầm quyến cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để giáo dục đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình là “Quan liêu hóa”, là tự mãn, là khen mèo dài đuôi”. Người cũng phê bình cán bộ, đảng viên sao nhãng việc học tập, xem đây là khuyết điểm lớn. Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần phải học tập để sửa chữa khuyết điểm và có tẩy sạch khuyết điểm thì mới có thể tiến bộ.

Hiện nay, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, đa phần không được trang bị đầy đủ cho bản thân “vũ khí” tự phê bình và phê bình, hoặc được trang bị đầy đủ về công tác xây dựng Đảng, nhưng không sử dụng, dẫn đến lý luận suông, kém tác dụng. Do vậy cần thực hiện đúng lời dạy của Người ‘Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tiễn” chính là thế đó.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” đến nay vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, tính thời đại, tính thời sự, tính cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng, cần được vận dụng sáng tạo để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần to lớn xây dựng một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

 

                                                                                                         

 

 

 

 


Các tin khác