Phải thường xuyên bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu tấm gương sáng về phong cách sống và làm việc của một người cộng sản kiên trung cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập, noi theo. Phong cách đó mang đậm tính dân tộc và nhân loại, khoa học và cách mạng; được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc, trở thành biểu tượng cao đẹp để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo. 

Bồi dưỡng phong cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ hiện nay theo phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách toàn diện của người cán bộ cách mạng.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ. Họ sẽ trở thành lực lượng trọng yếu của nước nhà, có vai trò rất quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; là lực lượng nòng cốt trong tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ trong những năm qua cơ bản đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Mặc dù ở các lĩnh vực hoạt động khác nhau nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ đều thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nhờ đó, cán bộ, đảng viên trẻ đã thường xuyên tự học tập, tự rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, ngày càng hình thành phong cách làm việc khoa học theo phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên trẻ thiếu rèn luyện, tu dưỡng, phong cách làm việc thiếu khoa học dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn đến vi phạm pháp luật phải xử lý. Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, có cả khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân do đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ buông lỏng quản lý, rèn luyện không thường xuyên, liên tục, thiếu gương mẫu, tác phong làm việc không khoa học.

Trước tình hình mới, việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng đặt ra yêu cầu cao về phẩm chất và năng lực. Đại hội XIII Đảng ta khẳng định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân và sự phát triển của đất nước”; thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ phải thực sự gương mẫu, “vừa hồng vừa chuyên” theo đúng phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và cần thiết.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị về nhân cách, phương pháp, tác phong, đạo đức và lối sống của Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, lối sống bình dị của một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Phong cách đó vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc, trở thành biểu tượng cao đẹp để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo.

Phong cách Hồ Chí Minh được biểu đạt thông qua các đặc trưng giá trị về phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, ứng xử và phong cách sinh hoạt. Những đặc trưng giá trị đó được biểu hiện tập trung ở phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; phong cách làm việc khoa học; phong cách lãnh đạo tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ và nêu gương; phong cách diễn đạt ngắn gọn, hàm súc và cô đọng, dễ hiểu; phong cách ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp; phong cách sinh hoạt giản dị, thanh đạm và thanh cao trong cuộc sống đời thường. Tất cả những biểu hiện đó luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và thực hiện nhất quán, xuyên suốt trong cả cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Mình, với một nhiệt huyết của một người cộng sản kiên trung “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.   

Để bồi dưỡng phong cách của cán bộ, đảng viên trẻ hiện nay theo phong cách Hồ Chí Minh, cần thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau đây:

Một là, tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ trẻ phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Tăng cường bồi dưỡng cho cán bộ trẻ phong cách tư duyđộc lập, tự chủ và sáng tạo là một trong những biện pháp rất quan trọng, giúp cho họ noi theo phong cách đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc điểm nổi bật của cán bộ trẻ hiện nay là, đại đa số cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn giỏi, trình độ lý luận chính trị cao, có hiểu biết xã hội cao, khả năng tiếp cận nhanh với khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, năng động, sáng tạo, chủ động, cầu thị, có chí phấn đấu và không ngừng tu dưỡng, rèn luyện; nhiều người giữ cương vị lãnh đạo, người đứng đầu ở các cấp, các ngành trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Họ có những đóng góp tích cực vào xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và đơn vị vững mạnh toàn diện; luôn ý thức được trách nhiệm và sẵn sàng tham gia vào mọi lĩnh vực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, tăng cường bồi dưỡng cán bộ trẻ theo phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo theo phong cách Hồ Chí Minh là nội dung quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, cán bộ trẻ nói riêng, góp phần hình thành lớp cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần to lớn vào đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, xuất phát từ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để bồi dưỡng phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo theo phong cách Hồ Chí Minh, hướng cho suy nghĩ, hành động của cán bộ, đảng viên trẻ đều phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát yêu cầu của thực tiễn; thông qua thực tiễn để rèn luyện cán bộ, đảng viên trẻ phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo. Đồng thời, hướng cán bộ, đảng viên trẻ biết kế thừa tri thức, kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý của các thế hệ cán bộ đi trước một cách có chọn lọc; có sự phân tích sâu sắc để tìm ra những yếu tố tích cực, làm giàu thêm vốn tri thức, kinh nghiệm công tác của mình. Giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ có tư duy nhạy bén, linh hoạt trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của môi trường xã hội, của cơ quan, đơn vị; tự mình tìm tòi, suy nghĩ, tìm ra bản chất của vấn đề phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn, để từ đó phát huy trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp cho cấp ủy lãnh đạo, quản lý đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Hai là, tích cực bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ phong cách làm việc khoa học.

Phong cách làm việc khoa học theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện khi làm công việc gì cũng phải có sự điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình,từ đó mới đề ra chủ trương và biện pháp lãnh đạo tổ chức thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới đúng”. Trong làm việc phải có kế hoạch, vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ trong công việc không nên tham lam, mà phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao. Phong cách làm việc khoa học của Người còn bao hàm tác phong và ý thức chấp hành thời gian, đó là làm việc phải đúng giờ, thực hiện giờ nào việc ấy; phải đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Người chỉ rõ: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”.

Vì thế, khi bồi dưỡng phong cách làm việc khoa học cho cán bộ, đảng viên trẻ, đòi hỏi cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp cần chú trọng rèn luyện họ có một phong cách khi xem xét và quyết định mọi công việc đều phải nắm bắt tình hình, nghiên cứu, phân tích toàn diện, phải tôn trọng quy luật khách quan. Theo đúng chỉ dẫn của Người: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái chìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”. Khi ra các quyết định thì cấp ủy, quản lý phải có thông tin đầy đủ và có kế hoạch chặt chẽ, khả thi, không chủ quan duy ý chí. Phải bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ thói quen làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết tốt công việc; có tầm nhìn xa trông rộng trên cơ sở dự báo khoa học về tình hình có liên quan đến hoạt động của cơ quan, đơn vị mình, để tránh bị động bất ngờ. Kiên quyết không để cán bộ trẻ rơi vào “bệnh cận thị - không trông xa thấy rộng”, những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ. Phải rèn luyện cho cán bộ, đảng viên trẻ hình thành thói quen mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công hay thất bại đều phải có sự tổng kết và đúc rút kinh nghiệm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trẻ để đưa ra nhận xét, đánh giá khách quan.

Ba là, thường xuyên bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ phong cách lãnh đạo tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ và nêu gương.

Học tập và làm theo phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, đặt ra với cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp khi bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trẻ phải thực sự thấm nhuần những đức tính tốt đẹp về phong cách lãnh đạo của Người. Trước hết, quán triệt và tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách. Vì theo Người: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ, cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tức là dân chủ tập trung”. Do đó, trong lãnh đạo, quản lý, duy trì điều hành cơ quan, đơn vị cấp ủy, tổ chức đảng phải rèn luyện cán bộ, đảng viên trẻ có tác phong sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ; có phương pháp làm việc khoa học, phải sắp xếp công việc phù hợp với khả năng của từng người.

Trong công tác và cuộc sống hằng ngày, cán bộ lãnh đạo, cấp trên phải thực sự là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên trẻ học tập và noi theo. Qua đó, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên trẻ phong cách lãnh đạo tôn trọng tập thể và nêu gương để mỗi cán bộ, đảng viên trẻ dù ở cấp nào và đảm nhiệm chức vụ công tác gì, đều trở thành những tấm gương sáng và họ tự đề ra phương hướng, mục tiêu phấn đấu, tự tu dưỡng, rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh. Đúng như chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Bốn là, chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên trẻ phong cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và phong cách ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp.

Phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày khi Người tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và nhân dân với một phong thái diễn đạt nói và viết rất ngắn gọn, cô đọng và dễ hiểu. Người thường nhắc nhở đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ khi tuyên truyền nói và viết phải ngắn gọn, dễ hiểu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích”. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải chú trọng bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên trẻ phong cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, luôn tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sátvà chu đáo với tất cả mọi người. Vì theo Người: “Đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta .Và thực tiễn trong phong cách ứng xử đối với mọi người, dù là cán bộ, đảng viên hay quần chúng nhân dân, dù với tướng lĩnh hay những đội viên nhỏ tuổi đều luôn cảm nhận được ở Người phong thái vừa ân cần, niềm nở, vừa thân ái, yêu thương gần gũi, chứa đựng nét văn hóa, tôn trọng, cởi mở và chu đáo với mọi người. Chính phong cách ứng xử đó đã làm cho mọi người, dù khác nhau về địa vị, thành phần xuất thân khi tiếp xúc với Người, họ đều có chung cảm nhận về sự nể trọng, tôn kính, bởi sức cảm hóa to lớn của Người. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cần bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên trẻ phong cách ứng xử giản dị, gần gũi, cởi mở, tế nhị, luôn tôn trọng tập thể, dân chủ, sâu sátvà chu đáo với mọi người. Dù trên cương vị nào, cán bộ, đảng viên trẻ cũng phải có phong cách làm việc sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, tôn trọng cấp dưới, xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hòa nhã và môi trường thực sự dân chủ trong cơ quan, đơn vị của mình.

Trong ứng xử, giao tiếp với mọi người xung quanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp, vì thế, Người đã để lại ấn tượng sâu sắc và cảm xúc thân thiện, quý mến trong mọi người mỗi khi được gặp, làm việc với Người. Do vậy, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần phải chú trọng bồi dưỡng phong cách diễn đạt, ứng xử và giao tiếp cho cán bộ, đảng viên trẻ phong cách ứng xử, giao tiếp thực sự nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp. Đó là những kỹ năng rất cần thiết đối với cán bộ, đảng viên trẻ hiện nay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, họ phải tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến quần chúng nhân dân. Nếu không có phong cách ứng xử, diễn đạt và giao tiếp phù hợp thì công tác vận động quần chúng sẽ hạn chế, thậm chí kết quả thấp. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên trẻ không rèn luyện phong cách ứng xử, diễn đạt và giao tiếp phù hợp thì trong thực tiễn lãnh đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành cơ quan, đơn vị sẽ gặp khó khăn, hiệu quả thấp.

Cán bộ, đảng viên trẻ còn phải được bồi dưỡng phong cách diễn đạt súc tích, linh hoạt, chân tình, thân thiện và cỡi mở, tôn trọng đồng nghiệp, biết thương yêu và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, nhờ đó, sẽ giúp họ nhận ra và khắc phục được những điểm yếu còn hạn chế trong công tác và trong sinh hoạt ở cơ quan, đơn vị. Vì thế, cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định đầy đủ vai trò, trách nhiệm, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của mình trong việc bồi dưỡng phong cách diễn đạt súc tích, linh hoạt, chân tình, thân thiện và cỡi mở, tôn trọng đồng nghiệp, biết thương yêu và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ cho cán bộ, đảng viên trẻ. Trong xây dựng kế hoạch, cấp ủy, tổ chức đảng không chỉ xác định rõ nội dung bồi dưỡng, mà cần phải đề ra yêu cầu cao đối với việc rèn luyện theo phong cách Hồ Chí Minh, để cán bộ, đảng viên trẻ rèn luyện một cách chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần hướng dẫn giúp đỡ cán bộ, đảng viên trẻ phong cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và phong cách ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp, mà phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và rèn luyện của họ. Cần đề ra tiêu chí đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, lấy đó là một căn cứ quan trọng để xem xét, đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng, phân tích, nhận xét, đánh giá chất lượng, trong điều động, bổ nhiệm cán bộ hằng năm; trọng dụng nhân tài, sử dụng cán bộ đúng với khả năng và trình độ của họ. Cần có chính sách phù hợp kịp thời động viên cán bộ, đảng viên trẻ thỏa đáng, cả về vật chất, tinh thần, tạo đòn bẩy kích thích mạnh mẽ tính tích cực, tự giác học tập, rèn luyện của họ theo phong cách Hồ Chí Minh đáp ứng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức theo hướng vừa đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, vừa gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở cơ quan, đơn vị. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên trẻ hào hứng tích cực rèn luyện phong cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu và phong cách ứng xử, giao tiếp nhã nhặn, khiêm tốn và lịch thiệp theo phong cách Hồ Chí Minh.

Năm là, thường xuyên bồi dưỡng phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao của chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên trẻ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Cán bộ và đảng viên ta nói chung là tốt. Nhiều đồng chí đã luôn luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, ý thức tổ chức và kỷ luật, giữ vững đạo đức cách mạng, sinh hoạt giản dị, tác phong dân chủ, rất xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và của nhân dân”. Để thực sự đáp ứng với niềm tin của Người, đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ, đảng viên trẻ nói riêng hiện nay, luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn rèn luyện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” theo phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, “một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”” như Đại hội Đảng lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra.

Vì thế, Đảng ta chỉ ra phải: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Chính vì vậy, phải thường xuyên bồi dưỡng phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao cho cán bộ, đảng viên trẻ theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để họ không chạy theo vật chất mà đánh mất bản thân mình.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền về phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao của chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ trẻ để họ hiểu rõ những giá trị đích thực của phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh, qua đó họ học tập, làm theo. Thường xuyên hướng cho cán bộ trẻ rèn luyện theo phong cách sinh hoạt giản dị, thanh cao để trong cuộc sống, làm việc, học tập và công tác, trong suy nghĩ và hành động, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân họ kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đó là giá trị đích thực theo phong cách sinh hoạt Hồ Chí Minh.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và những điều đảng viên không được làm, để cán bộ, đảng viên trẻ đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phong cách sống của mình.

Phong cách Hồ Chí Minh là những đặc trưng giá trị về nhân cách, phương pháp, tác phong, đạo đức và lối sống của Hồ Chí Minh, gắn liền với nhân cách trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, lối sống bình dị của một vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Phong cách đó vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại, vừa khoa học vừa cách mạng, vừa cao cả vừa thiết thực. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể thống nhất, có giá trị khoa học và nhân văn sâu sắc, trở thành biểu tượng cao đẹp để các thế hệ người Việt Nam học tập và noi theo

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, được Đảng ta xác định là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa sâu sắc, nhất là đối với cán bộ và đảng viên trẻ. Việc làm đó đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống sinh hoạt, học tập và công tác của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành nói riêng và đời sống chính trị ở nước ta nói chung. Việc làm đó đã trở thành công việc thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ chủ trì các cấp. Đòi hỏi, cấp uỷ, tổ chức đảng, của cán bộ chủ trì các cấp cần vận dụng linh hoạt phong cách Hồ Chí Minh để bồi dưỡng cán bộ trẻ có phong cách làm việc và công tác một cách khoa học, góp phần cùng tập thể cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Đó là cơ sở nền tảng quyết định xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao./.

 


Các tin khác