Kỷ niệm 92 năm ngày truyền thống công tác Dân Vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2022)

Tháng 10 năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, theo đề nghị của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận, Công tác Dân vận là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn của Đảng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. 92 năm qua, với các tên gọi khác nhau (Ban Công vận, Bộ Dân vận, Ban Dân vận - Mặt trận và từ 1981 đến nay là Ban Dân vận), bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận không ngừng lớn mạnh và hoàn thành tốt công tác tham mưu cho Trung ương và cấp ủy các cấp trên lĩnh vực được giao. Ngày Dân vận của Đảng được Bộ Chính trị khóa VIII quyết định là ngày 15/10 gắn với 2 sự kiện quan trọng: Một là, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và Án nghị quyết về: Công nhân vận động, Nông dân vận động, Cộng sản Thanh niên vận động; Phụ nữ vận động,... Hai là, sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên Báo Sự thật số ra ngày 15/10/1949 , từ đó, ngày 15/10 hằng năm được lấy là ngày truyền thống Ban Dân Vận.

Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã chứng minh tính đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên, đồng thời, là thắng lợi công tác dân vận của Đảng, chỉ với 5.000 đảng viên, nhưng Đảng đã tin vào dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tuyên truyền giác ngộ cho nhân dân hiểu rõ con đường giành độc lập, tự do, giành quyền sống; tổ chức tập hợp nhân dân vào mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, khởi nghĩa đánh đổ thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ, mang tính chất nhân dân sâu sắc, làm tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), dưới sự chỉ đạo của Trung ương, đảng bộ và các cấp chính quyền, đoàn thể bằng nhiều cách thức, phương pháp vận động khác nhau đã đẩy mạnh tuyên truyền, động viên, cổ vũ nhân dân thi đua sản xuất, nỗ lực chiến đấu, ngày đêm đem sức người, sức của ủng hộ chiến sĩ nơi tiền tuyến; khơi dậy trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tinh thần dũng cảm, ý chí cách mạng, nhiệt huyết phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Sức mạnh của công tác dân vận đã vận động toàn quân, toàn dân quyết tâm chiến đấu, lao động, sản xuất, đồng thời, tăng cường công tác địch vận, làm tan rã hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền, chống địch lập tề; động viên thanh niên viết đơn xung phong ra chiến trường, hàng chục ngàn dân công đi tiền tuyến vận tải lương thực, thực phẩm, vũ khí phục vụ các chiến dịch, cao điểm là thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ tạo nên sức mạnh, tiền đề vững chắc để kế thừa, phát huy trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), nhờ chú trọng đổi mới nội dung và phương thức, công tác dân vận được triển khai sâu rộng trong các cấp, các ngành, các lĩnh vực, các tầng lớp nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại để đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; góp phần động viên đến mức cao nhất sức người, sức của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam và làm hậu thuẫn vững chắc cho quân và dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Với đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước ta đã bước sang một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, độc lập, thống nhất, cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trên cơ sở đó, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; giải quyết bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân; kịp thời thể chế đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; tăng cường công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, công tác dân vận của hệ thống chính trị " Công tác dân vận của Đảng đã góp phần quan trọng đưa đất nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín Quốc tế như ngày hôm nay " như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát huy truyền thống 92 năm qua ngành dân vạn tỉnh nhà không ngừng phát triển và trưởng thành đáp ứng ngày càng cao yêu cầu và nhiệm vụ mới trong công tác tham mưu cho cấp ủy làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân, nắm chắc tình hình đời sống Nhân dân, công nhân lao động, tôn giáo; phát hiện sớm tình huống, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở. Phát huy truyền thống đại đoàn kết, tinh thần “Tương thân, tương ái”, phối hợp tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tập trung chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 


Các tin khác