Hoạt động văn học nghệ thuật qua 15 năm (2008 - 2023) thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Trung ương

Văn học nghệ thuật có bước phát triển mới

Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã tập trung phản ánh phong phú hiện thực cuộc sống, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; giới thiệu và biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong lao động, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ca ngợi những gương chiến đấu, anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế,… qua đó, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa của các thế lực thù địch.

Nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, nhóm văn thơ, đờn ca tài tử, nhảy dân gian đương đại, nhóm nhạc acoutic...được hình thành, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia lao động nghệ thuật, khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Nhiều tác phẩm mới ra đời có giá trị tư tưởng và nghệ thuật trên các loại hình như: nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, văn học…qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đời sống lao động của nhân dân, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ.

Việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học nghệ thuật, văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện. Tỉnh đã đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trùng tu, tôn tạo 6 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh; lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định và Chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội dinh Thầy Thím (xã Tân Tiến, thị xã La Gi) và Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận; triển khai Đề án: “Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Cầu ngư Vạn Thủy Tú, Phường Đức Thắng, Thành phố Phan Thiết phục vụ phát triển du lịch”; triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2030”; xây dựng Kế hoạch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia nghiên cứu, khuyến khích tiếp thu có chọn lọc những thành tựu văn học nghệ thuật có giá trị cao, vận dụng một cách sáng tạo để phát triển mạnh mẽ lĩnh vực lý luận văn học của tỉnh nhà; hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận văn học nghệ thuật của tỉnh có những đổi mới; công tác phê bình văn học nghệ thuật cũng được quan tâm thực hiện; các giải thưởng văn học nghệ thuật như: Giải thưởng Dục Thanh (được tổ chức lần IV – 2011 và lần V 2018, chuẩn bị tổ chức xét trao giải lần VI vào cuối năm 2023) để ghi nhận và tôn vinh những văn nghệ sĩ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật; quan tâm tổ chức các cuộc thi chuyên ngành hàng năm; đẩy mạnh việc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật các cấp.

Bằng nguồn kinh phí Quỹ hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phân bổ, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã xét hỗ trợ cho hội viên xuất bản hơn 80 đầu sách văn học, hỗ trợ cho 08 Chi hội huyện, thị xã, thành phố xuất bản tuyển tập văn nghệ địa phương, hỗ trợ sáng tác cho hàng trăm lượt hội viên các chuyên ngành, trong đó có gần 05 đầu sách về nghiên cứu, khảo cứu, lý luận phê bình trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Tỉnh chưa có trường hợp phát hành, phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật lệch về tư tưởng, kém về nghệ thuật. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu những cây bút có chuyên môn và am hiểu sâu về lĩnh vực lý luận, phê bình văn học nghệ thuật; việc thẩm định khoa học, mang tính gợi mở, định hướng, phát triển những cái mới chưa được phát huy đúng tầm nên hiệu quả lý luận văn học nghệ thuật chưa cao.

Xác định tầm quan trọng của công tác đấu tranh “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, làm hủy hoại đạo đức xã hội”, “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật” theo Thông báo Kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X), Tỉnh ủy đã lãnh đạo các cấp, các ngành kiên quyết đấu tranh, phản bác các tác phẩm, bài viết có nội dung xấu, độc hại trên các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuât, báo chí, xuất bản, biểu diễn, nghệ thuật... kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm về lĩnh vực văn học nghệ thuật. Kết quả, các đơn vị chức năng đã đấu tranh, xử lý 213 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính với số tiền trên 770.000.000đ, thu hồi 1.723 đĩa CD không dán tem nhãn bảo chứng nội dung, 118 ấn phẩm có nội dung xấu. 

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát triển về số lượng lẫn chất lượng

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có 06 Phân hội chuyên ngành và 08 Chi hội văn học nghệ thuật huyện, thị xã, thành phố, góp phần đa dạng, phong phú cho hoạt động văn học nghệ thuật Bình Thuận. Về số lượng hội viên, từ 188 hội viên (năm 2008) đã tăng lên 242 hội viên (năm 2022); trong đó có 60 hội viên Trung ương, 03 nghệ sĩ Nhân dân, 04 nghệ sỹ ưu tú.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ làm công tác văn học nghệ thuật luôn được coi trọng, nhất là lực lượng văn nghệ sĩ kế thừa, cán bộ trẻ, nữ. Công tác lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện đúng quy định, gắn với xu hướng phát triển, bồi dưỡng, đào tạo nguồn cán bộ kế thừa. Tỉnh thường xuyên quan tâm đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần nâng cao chất lượng quản lý chuyên môn và kiến thức nghề nghiệp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và hội viên. Qua 15 năm, tổ chức nhiều trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, trại sáng tác học đường dành cho đối tượng học sinh và giáo viên Trung học phổ thông có năng khiếu sáng tác; tổ chức các cuộc tọa đàm về văn học có mời các văn nghệ sĩ có uy tín của Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh tham gia...

Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội văn học Nghệ thuật tỉnh ngày càng thể hiện vị trí của mình với chức năng tập hợp, đoàn kết văn nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp; tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển văn học nghệ thuật theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; từng bước nâng cao năng lực trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức thành công 02 kỳ đại hội (lần thứ V nhiệm kỳ 2010-2018; lần thứ VI nhiệm kỳ 2018 - 2023) và nhiều hoạt động như: Ngày Thơ Việt Nam; Ngày Âm nhạc Việt Nam; cuộc thi ảnh nghệ thuật truyền thống; xuất bản ấn phẩm Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận…tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với đọc giả.

Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh cho hội viên, cử hội viên tham gia các trại sáng tác chuyên ngành cấp khu vực và quốc gia, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao, được dàn dựng biểu diễn, quảng bá sâu rộng trong công chúng. Tổ chức các cuộc triển lãm, biểu diễn quy tụ hội viên tham gia; đăng cai, liên kết tổ chức nhiều cuộc thi văn học nghệ thuật cấp tỉnh, khu vực. Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng; các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công các sự kiện lớn quan trọng về văn hóa, văn nghệ, nổi bật là lễ hội du lịch Bình Thuận Hội tụ xanh, Lễ hội Trung thu, Nghinh Ông, Cầu Ngư, Dinh Thầy Thím…và nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ đặc sắc, với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tạo dấu ấn tốt đẹp trong Nhân dân tỉnh nhà, du khách trong nước và quốc tế; các hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa ­lịch sử, tăng cường quảng bá hình ảnh về vùng đất và con người Bình Thuận, đẩy mạnh phát triển tiềm năng du lịch, thu hút đầu tư, tạo động lực để kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Sáng tác văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng

Các địa phương trong tỉnh thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn, góp phần đưa phong trào văn nghệ quần chúng từng bước nâng cao và phát triển đến cơ sở; là điều kiện tốt cho các diễn viên không chuyên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và từng bước khẳng định vị trí của bản thân trong phong trào văn nghệ của tỉnh nhà. Các Đội tuyên truyền lưu động thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương bằng nhiều hình thức, lồng ghép các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong công tác tuyên truyền, tạo tính hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ cho người dân.

Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Hàng ngàn tác phẩm đã ra đời, với nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật trong tất cả các loại hình từ văn học, sân khấu, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa…thể hiện qua những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân; chủ nghĩa nhân văn, phẩm chất nhân đạo được phát huy và đề cao. Các tác phẩm văn học nghệ thuật đã cố gắng phát hiện, khẳng định các nhân tố mới, tham gia đấu tranh lên án cái xấu, cái ác và sự biến chất, thoái hóa về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.

Tỉnh thường xuyên duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và hưởng thụ. Trong 15 năm qua, đã tổ chức trên 1000 buổi công diễn, hội thi, liên hoan thu hút gần 3.000 lượt văn nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh và Nhân dân tham gia; nhiều tiết mục đạt giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần hình thành nên một đội ngũ tác giả, đạo diễn, biên đạo múa, nhạc công và diễn viên không chuyên hoạt động sôi nổi, phục vụ có hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp công chúng. Qua đó đã khẳng định sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn thể đội ngũ văn nghệ sĩ và diễn viên đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật quần chúng. 

Các cấp, các ngành luôn chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật; xây dựng và phát triển văn hóa luôn quan tâm yếu tố đạo đức, nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống con người, tạo niềm cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật. Trên các loại hình văn học, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu...ngày càng xuất hiện nhiều tác giả trẻ, tài năng và triển vọng.  

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ tìm tòi, sáng tạo; đổi mới phương thức hoạt động của Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh. Nguồn lực đầu tư dành cho hoạt động văn học, nghệ thuật được nhiều hơn; các hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới và có tính chuyên nghiệp hơn; lực lượng hội viên Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh ngày càng đông; số lượng tác phẩm có giá trị đạt giải khu vực, quốc gia tăng; hoạt động phổ biến tác phẩm đa dạng, phong phú; chất lượng Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận - một trong 3 cơ quan báo chí của tỉnh - từng bước được nâng cao, không ngừng cải tiến về hình thức và nội dung, phạm vi phát hành đến nhiều đối tượng bạn đọc hơn. Hoạt động phổ biến, sáng tác, quảng bá tác phẩm đa dạng, phong phú. Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông đảo các văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tác, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần giáo dục, định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng phát triển, từng bước được trẻ hóa, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tâm huyết với nghề, đặc biệt giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa dân tộc.

Bên cạnh thành quả đạt được, còn đọng lại những băn khoăn...

Hoạt động văn học, nghệ thuật có bước phát triển mới nhưng chưa đồng bộ, chưa đều (mạnh về nhiếp ảnh, mỹ thuật, yếu về văn học, sân khấu, lý luận phê bình); tác giả, tác phẩm tiêu biểu có chất lượng cao chưa nhiều, nhất là tác phẩm có tiếng vang và sản phẩm đến được vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ít. Một số ngành, địa phương, văn nghệ sĩ chưa coi trọng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, chức năng, nhiệm vụ, tính đặc thù của văn học, nghệ thuật, còn xem đây là những hoạt động vui chơi giải trí đơn thuần. Chưa thấy hết văn học, nghệ thuật tác động trực tiếp đến hoạt động đời sống tinh thần, đến tư tưởng, tâm trạng, tình cảm con người để hướng đến cái tốt, tránh cái xấu.

Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh còn yếu và thiếu, ít hiểu biết về chuyên môn, chuyên ngành nên hiệu quả quản lý và phát huy vai trò đoàn kết tập hợp hội viên chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn hạn chế, cán bộ quản lý văn học, nghệ thuật còn hụt hẫng, thiếu đội ngũ cán bộ kế thừa mang tính chuyên nghiệp. Hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng có phát triển nhưng chỉ tập trung trong dịp ngày lễ, ngày tết, chưa trở thành phong trào rộng rãi, thường xuyên. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hiệu quả chưa cao; ngân sách đầu tư cho hoạt động văn học, nghệ thuật còn thấp; công tác lý luận, phê bình văn học nghệ thuật còn hạn chế; việc tập hợp, phát triển lực lượng văn nghệ sĩ còn chậm. Cơ chế tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ nhưng chưa được tháo gỡ kịp thời; một số chi hội văn học, nghệ thuật địa phương còn thụ động trong hoạt động, sinh hoạt định kỳ thực hiện chưa đầy đủ.

Nhìn về phía trước

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”;, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, nhất là Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa, văn học, nghệ thuật có tâm huyết, trình độ, năng lực, am hiểu về văn hóa, văn nghệ; đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm di tích lịch sử văn hóa, nhằm quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Bình Thuận với khách du lịch trong và ngoài nước. Tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ văn nghệ sĩ được đi thực tế, tham dự các trại sáng tác; thể nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật, tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao bám sát thực tiễn cuộc sống của nhân dân. Bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán mạnh mẽ những tiêu cực, những thói hư, tật xấu, sự suy thoái về nhân cách, lối sống, đạo đức trong một bộ phận xã hội.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh; củng cố hoạt động của các phân hội chuyên ngành, chi hội địa phương. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới. Đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng; hướng dẫn, khuyến khích các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hoá, văn nghệ truyền thống của các dân tộc.

Thực hiện tốt chính sách đối với văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh có đóng góp công sức, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh đã ban hành; rà soát, bổ sung và xây dựng mới các chế độ, chính sách đối với hoạt động văn học, nghệ thuật như chế độ nhuận bút, đãi ngộ tài năng, bồi dưỡng lao động nghề nghiệp; tiếp tục duy trì giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh (05 năm 1 lần). Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về văn hóa, văn học nghệ thuật cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhất là cụ thể hóa các Đề án thực hiện Nghị quyết số 23 –NQ/TW theo Kế hoạch số 73-KH/BTGTW, ngày 09/3/2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tăng cường đầu tư cho văn học, nghệ thuật, xem đầu tư cho văn học, nghệ thuật là đầu tư cho phát triển; bảo đảm kinh phí cho các công trình mục tiêu, các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật. Xây dựng đề án và cơ chế bảo tồn, truyền bá các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống, văn học dân gian; nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận, góp phần quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật với công chúng. Tiếp tục duy trì các cuộc thi chuyên ngành hằng năm; đẩy mạnh việc vận động xây dựng quỹ hỗ trợ sáng tạo văn hóa, nghệ thuật các cấp.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và quản lý của chính quyền các cấp đối với hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Tiếp tục đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chủ động thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, nơi thờ tự, không gian lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan; các hoạt động sáng tác, truyền bá những sản phẩm văn học nghệ thuật có nội dung, tư tưởng nghệ thuật xấu, gây ảnh hưởng đến xã hội; lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành có liên quan trong việc thẩm định, đánh giá, quyết định công bố, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật bảo đảm chất lượng và định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Nâng cao trách nhiệm các ngành chức năng trong việc lựa chọn, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên hệ thống phát thanh, truyền hình cũng như trong các hoạt động biểu diễn nghệ thuật với công chúng. Thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch từng địa phương./.

 


Các tin khác