Tổ chức cho đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni vui đón Tết Ramưwan

Bình Thuận là một tỉnh có nhiều dân tộc, tôn giáo, với 34 thành phần dân tộc anh em và có 8 tôn giáo khác nhau. Trong đó, dân tộc Chăm là một dân tộc có sắc thái riêng xét trên phương diện lịch sử, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng – tôn giáo.

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Chăm, qua đó đã đạt được những thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm từng bước được nâng cao. Đồng bào dân tộc Chăm tại Bình Thuận có trên 9.000 hộ với trên 39 nghìn khẩu, chiếm khoảng 39% so với các dân tộc thiểu số. Đồng bào Chăm theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bà ni, sống tập trung tại 04 xã: Phú Lạc (huyện Tuy Phong), Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) và sống rải rác ở một số thôn tại các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam.

Những năm qua, tỉnh Bình Thuận luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc Chăm, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã tập trung đầu tư, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Chăm. Trong đó, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng trên 130 hạng mục công trình thuộc các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nước sinh hoạt nông thôn tại vùng đồng bào Chăm với tổng kinh phí hơn 50 tỷ đồng.

Ngoài ra, các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Chăm được bảo tồn và phát huy; 04 di tích lịch sử Chăm gồm: Tháp Pô Dam (huyện Tuy Phong), Đền thờ Pô Nít, Đền thờ Pôklong Mơhnai (huyện Bắc Bình) và Tháp Pôsah Inư (thành phố Phan Thiết) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Quốc gia luôn được tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo…

Nhờ thực hiện đồng bộ, các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào Chăm đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên, thu hẹp đáng kể khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; một bộ phận đồng bào Chăm có thu nhập khá, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào Chăm có nhiều khởi sắc.

Dân tộc Chăm ở Bình Thuận tin theo 2 tôn giáo, trong đó có Chăm Ahier (người Chăm theo đạo Bàlamôn), Chăm Awal (người Chăm theo Hồi giáo Bàni). Nét đặc trưng của dân tộc Chăm là: yếu tố dân tộc quyện chặc với yếu tố tôn giáo, trong đó yếu tố dân tộc luôn mang tính vượt trội, với nhiều luật tục, lễ nghi mang đậm nét tín ngưỡng dân gian và văn hóa truyền thống dân tộc. Các làng Chăm mang sắc thái đặc trưng riêng và có quan hệ qua lại với nhau trong các dịp lễ hội. Trong đó Katê là lễ hội dành riêng cho người Chăm Bàlamôn, còn người Chăm Bàni có Tết Ramưwan.

Tết Ramưwan (hay còn gọi là tháng Chay - niệm) là tết cổ truyền mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Chăm Hồi giáo Bàni sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; có nhiều hoạt động với ý nghĩa báo công, báo hiếu về đạo lý, cội nguồn của những người còn sống đối với người đã khuất như thực hiện lễ tảo mộ tại các nghĩa địa, cúng tại gia, mời ông bà tổ tiên về với con cháu. Tết Ramưwan là dịp để con cháu, những người còn sống nhớ đến tổ tiên, ông bà, các đấng sinh thành và cầu nguyện cho xóm làng được bình yên, nhà nhà sung túc, người người được an lành, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt. Chính vì vậy, Tết Ramưwan là sản phẩm văn hóa và tinh thần được hun đúc từ truyền thống tín ngưỡng cổ của cư dân người Chăm, góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Ramưwan năm 2023 của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni) sẽ bắt đầu từ ngày 23 tháng 3 năm 2023 (nhằm ngày 02 tháng 02 năm Quý Mão) đến hết ngày 23 tháng 4 năm 2023 (nhằm ngày 04 tháng 3 năm Quý Mão). Thời gian nghỉ Tết Ramưwan của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, chiến sĩ, sinh viên, học sinh dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni) hiện đang công tác, làm việc, học tập trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 03 ngày: Từ ngày 20 tháng 3 năm 2023 đến hết ngày 22 tháng 3 năm 2023.

Nhằm tạo mọi điều kiện để đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni trong tỉnh đón Tết Ramưwan vui vẻ, tiết kiệm, an toàn, các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các sở ban, ngành cần phối hợp tổ chức cho đồng bào đón Tết Ramưwan vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, động viên đồng bào vui tết không quên nhiệm vụ phát triển sản xuất; ổn định về mọi mặt đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, góp phần cùng với các dân tộc anh em trong tỉnh thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh nhà. Các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá về Tết Ramưwan và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ các xã, thôn vùng đồng bào Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, tuyên truyền trong đồng bào dân tộc thiểu số về Năm Du lịch quốc gia 2023 – Bình Thuận - Hội tụ xanh, được Bình Thuận đăng cai tổ chức, nhất là đối với các nội dung về giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan “xanh – sạch – đẹp”. Ban Dân tộc tỉnh chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh kế hoạch thăm chúc Tết Ramưwan các xã, Ban Điều hành các thôn, chùa, các vị chức sắc, người có uy tín ở các địa phương có đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo (Bàni)…

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT