Ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng 10 Nga

Ngày 07/11/1917, Cách mạng tháng 10 Nga bùng nổ. Lần đầu tiên trong lịch sử, bằng sức mạnh của quần chúng nhân dân, cuộc cách mạng tại nước Nga đã lật đổ chế độ bóc lột của các giai cấp địa chủ quý tộc và tư sản, lập nên Chính quyền của người lao động nghèo khổ. Ngay sau khi cách mạng thành công, Chính quyền Xô-viết đã ban hành sắc luật xóa bỏ mọi sự phân biệt đẳng cấp, chỉ còn một danh xưng chung đó là những công dân của nước Cộng hòa Xô-viết Nga; thông qua sắc luật ruộng đất, tuyên bố tịch thu không bồi thường tất cả ruộng đất của địa chủ, quý tộc đem chia cho nông dân. Sự thành công của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã có tiếng vang rộng lớn, tác động mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Giá trị và ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người...”([1]); “…giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa đến thế”.([2])

Nhìn lại dòng chảy của lịch sử đã và đang diễn ra, có thể nhận thấy ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng 10 Nga thể hiện ở một số nội dung cơ bản như sau:

Cách mạng tháng 10 Nga đã ảnh hướng mạnh mẽ đến tiến trình lịch sử thế giới

Sự ra đời của Nhà nước Xô viết sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã chứng minh một điều rằng chủ nghĩa tư bản từ năm 1917 không còn là một hệ thống hoàn chỉnh bao trùm cả thế giới. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga đã mở đầu cho sự thụt lùi của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới.

Cách mạng tháng 10 Nga đã đưa chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong cuộc sống nhân loại. Qua quá trình phát triển, chủ nghĩa xã hội từ một quốc gia đã trở thành một hệ thống trên thế giới; trở thành động lực, ngọn cờ dẫn đường và cổ vũ phong trào cách mạng của các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột giành độc lập cho dân tộc, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù tiến trình lịch sử có những bước thăng trầm nhưng sự ra đời, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội đã thể hiện rõ một điều là: Nhân loại đang quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu và đích đến tốt đẹp ở tương lai của nhân loại. Đây là xu thế lịch sử vận động khách quan mà không thế lực nào có thể thay đổi, xóa bỏ được.

Cho đến ngày hôm nay, vẫn hơn 1 tỷ người trên thế giới đã và đang đi theo con đường mà Cách mạng tháng 10 Nga đã khai phá với những thành tựu đạt được. Điều đó càng khẳng định thêm giá trị thời đại của cuộc Cách mạng tháng 10 Nga.

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của chủ nghĩa xã hội đã chứng minh: Cách mạng tháng 10 Nga đã ảnh hưởng mạnh mẽ và to lớn đến tiến trình lịch sử và cục diện thế giới. Việc tan rã chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu năm 1991 không thể suy luận rằng: đó là sự sụp đổ của học thuyết về chủ nghĩa xã hội; đó là Cách mạng tháng 10 Nga đã mất đi giá trị thời đại, hiện nay không còn thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội…như các thế lực thù địch, phản động và kẻ thù tuyên truyền, chống phá.

Cách mạng tháng 10 Nga đã mở ra thời kỳ lịch sử mới cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh

Giá trị của Cách mạng tháng 10 Nga đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới không chỉ là sự cổ vũ, củng cố lòng tin, làm chỗ dựa vững chắc mà còn chỉ ra phương hướng phát triển mới. Phong trào giải phóng dân tộc quan hệ gắn bó với cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân các nước trong trận tuyến chống kẻ thù chung là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Đó là phong trào giải phóng dân tộc đi theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng của Cách mạng tháng 10 Nga; là con đường phát triển “phi tư bản chủ nghĩa”, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; là sự kết hợp giữa cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc.

Cách mạng tháng 10 Nga còn chỉ cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhìn thấy con đường giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội; thức tỉnh hàng trăm triệu nhân dân lao động các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng dất nước họ. Sự ra đời của hơn 100 quốc gia độc lập ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh là dấu ấn lịch sử chói lọi trong thế kỷ XX dưới ánh sáng của Cách mạng tháng 10 Nga.

Sau thắng lợi của Cách mạng tháng 10 Nga, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ, tiến công vào thành trì của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Nhiều quốc gia đã xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa sau khi giành được độc lập dân tộc (Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Triều Tiên, Cu Ba…). Đây là phản ánh chân thực sự ảnh hưởng của Cách mạng Tháng 10 Nga, nhất là từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi chủ nghĩa xã hội đã trở thành hệ thống trên toàn thế giới.

Cách mạng tháng 10 Nga cổ vũ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân ở các nước tư bản

Cách mạng tháng 10 Nga không những là ngọn cờ dẫn đường phong trào cách mạng của các nước thuộc địa trên thế giới đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, bốc lột giành độc lập, mà nó còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng của giai cấp công nhân trên thế giới, nhất là ở các nước tư bản, chỉ cho họ con đường đi đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản.

 Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chứng minh một cách khoa học về sứ mệnh lịch sử và chỉ ra con đường, biện pháp để giai cấp công nhân trên thế giới thực hiện sứ mệnh lịch sử đó. Cách mạng tháng 10 Nga đã hiện thực hóa sứ mệnh lịch sử, đã tác động trực tiếp đến sự phát triển của phong trào cộng sàn và công nhân trên thế giới.

Sau Cách mạng tháng 10 Nga, phong trào công nhân thế giới có sự cổ vũ, ủng hộ vững chắc của hệ thống xã hội chủ nghĩa, cùng với lực lượng dân chủ hòa bình tiến công vào thành trì của tư bản chủ nghĩa, vào các thế lực đế quốc, phản động. Giai cấp công nhân thế giới ý thức rõ về vị thế, vai trò lịch sử của mình trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản trong thời đại ngày nay. Sự phát triển lớn mạnh của phong trào công nhân ở các nước tư bản châu Âu, Bắc Mỹ đã buộc giai cấp tư sản ở các nước này phải có những điều chỉnh nhất định. Giai cấp công nhân đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, thực sự là giai cấp tiên phong trong đấu tranh thực hiện mục tiêu của thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Kể từ cuộc cách mạng “mười ngày rung chuyển thế giới” cho đến ngày nay 107 năm đã trôi qua, lịch sử thế giới đã chứng kiến những cuộc cách mạng chính trị với nhiều đổi thay, thăng trầm. Sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã làm cho chủ nghĩa xã hội tạm thời đi vào thoái trào. Đây chỉ là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể trên một đất nước cụ thể. Sự thất bại hay sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể ở nơi này hoặc nơi khác không phải do Cách mạng tháng 10 Nga tạo ra.

Cách mạng Tháng 10 Nga đã mang dấu ấn lịch sử khi mở ra thời đại mới với những chỉ dẫn cho con đường phát triển của xã hội loài người. Cách mạng tháng 10 Nga không liên quan hoặc chịu trách nhiệm về những sai lầm chủ quan của những người lãnh đạo sau đó. 107 năm đã trôi qua nhưng cuộc Cách mạng tháng 10 Nga vẫn còn nguyên những giá trị lịch sử cùng ý nghĩa thời đại sâu sắc !  

 


([1]) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, trang.391.

([2]) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, trang.387.


Các tin khác