Các ban, ngành, đoàn thể, địa phương phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và Chương trình hành động số 29-NQ/TU; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng, phát huy lối sống có ý thức tự chủ, tự giác, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, môi trường làm việc đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự, kỷ cương, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Trên cơ sở kế thừa, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống của quê hương, dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường, điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Cán bộ, đảng viên thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, góp phần nâng cao chất lượng, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác cán bộ, giáo dục đạo đức, lối sống, phong cách làm việc và trách nhiệm đối với công việc được giao; góp phần cải cách hành chính và bảo đảm sự hài lòng của người dân ngày càng tốt hơn; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.
Công tác giáo dục đào tạo được chú trọng theo hướng tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; mạng lưới trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp theo hướng chuẩn hóa. Coi trọng giáo dục đạo đức, công dân, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử của đất nước trong trường học, trong cán bộ, đảng viên và hội viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức được quan tâm đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tác động sâu sắc tới các gia đình, dòng họ, cộng đồng làm cho những giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy và phát huy. Qua đó, góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các khu dân cư, xây dựng gia đình trong sạch, lành mạnh; đời sống của nhân dân được nâng cao, tạo nên diện mạo mới trên địa bàn từng thôn, khu phố theo hướng xanh, sạch, đẹp; tình làng nghĩa xóm được phát huy, các giá trị nhân văn cao đẹp được nhân rộng. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp, đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc đưa văn hóa về cơ sở phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng xa, miền núi, hải đảo được quan tâm.
Các hoạt động lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh đã và đang theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với phong tục truyền thống địa phương; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh; hạn chế dần những thủ tục rườm rà, lạc hậu, mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, lãng phí về tài chính, về thời gian. Qua đó, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc cho mọi tầng lớp Nhân dân gắn với hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh nhà góp phần tạo sự đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc trong tỉnh.
Công bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của các dân tộc trong tỉnh được triển khai đồng bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh được triển khai; các di tích xếp hạng cấp quốc gia được tu bổ, tôn tạo. Công tác xã hội hóa trong sưu tầm, tiếp nhận hiện vật tại Bảo tàng Bình Thuận được Nhân dân hưởng ứng, ủng hộ.
Hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhận loại được đẩy mạnh thực hiện. Hoạt động xúc tiến, giới thiệu quảng bá văn hóa và du lịch của tỉnh được tăng cường ở các nước trong khu vực Châu Á và quốc tế. Qua đó, từng bước giới thiệu hình ảnh văn hóa, vùng đất, con người Bình Thuận đến với bạn bè quốc tế và góp phần nâng cao uy tín, vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: việc tổ chức kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW thời gian qua chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy, địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Mức độ hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Công tác xã hội hóa trong các hoạt động văn hóa chưa huy động được sức mạnh nội lực của cộng đồng, các doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa còn hạn chế, thị trường văn hóa chưa phát triển đồng bộ và còn manh mún; còn thiếu những tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, mang tính lan tỏa, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng con người. Công tác xúc tiến, giới thiệu, quảng bá văn hóa của tỉnh ra các tỉnh bạn và các nước trên thế giới chưa phong phú; chưa khai thác, phát huy hết giá trị di tích lịch sử, văn hóa và lễ hội văn hóa truyền thống trong phục vụ phát triển du lịch tại địa phương; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, còn đơn điệu. Nguồn kinh phí đầu tư cho văn hóa được quan tâm hơn nhưng vẫn còn thấp, còn dàn trải, chưa ngang tầm và tương xứng với tăng trưởng kinh tế, yêu cầu và nhiệm vụ phát triển văn hóa, con người; ngân sách đầu tư hằng năm cho sự nghiệp văn hóa chưa đảm bảo thực hiện công tác tuyên truyền, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa gắn kết, khai thác tốt các giá trị văn hóa, tạo không gian cho văn hóa phát triển. Cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người chưa có định hướng đồng bộ và mang tính dài hạn. Chưa có chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn hóa, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sĩ tham gia sáng tác, lao động, làm ra các sản phẩm văn hóa cho xã hội, công tác hỗ trợ đào tạo tài năng; chế độ chính sách đối với diễn viên, vận động viên còn thấp.
Để đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), trong thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ quan trọng như: Nâng cao hơn nữa nhận thức cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước như Đại hội XIII của Đảng đã xác định; Triển khai xây dựng hoàn thiện hệ giá trị văn hóa và quy định về Chuẩn mực con người Bình Thuận gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam; Quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị; Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương; Lồng ghép chương trình giáo dục di sản văn hóa, nghệ thuật; nhất là văn hóa, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh vào giảng dạy trong trường học; Tiếp tục triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua ở thôn, khu phố giai đoạn 2025 - 2030 và những năm tiếp theo theo hướng đúng thực chất; Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong định hướng thị hiếu, thẩm mỹ, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, trí tuệ, kỹ năng sống, hướng tới sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân và xã hội; Rà soát, bổ sung các chính sách để tôn vinh các nghị sĩ, nghệ nhân đang thực hiện sáng tạo nghệ thuật, nắm giữ các bí quyết thực hành di sản văn hóa; Tích cực tổ chức quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, nghệ thuật, hình ảnh đất nước, con người Bình Thuận ra nước ngoài; Thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, các giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội.
Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng cần thiết. Đối với tỉnh Bình Thuận, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng, sự hội nhập giao lưu văn hóa ngày càng sâu rộng, đời sống văn hóa sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi. Bên cạnh đó cũng có không ít những khó khăn, thách thức đã và đang có tác động lớn đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu cho các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo điều hành và phát huy vai trò quản lý nhà nước nhằm phát huy những thuận lợi, thời cơ, hạn chế khó khăn, vượt qua thách thức để xây dựng và phát triển của văn hóa theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.