Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20 -CT/TW về tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Sáng 17/8/2023, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20 -CT/TW về tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. 

Quang cảnh Hội nghị

Tham dự và chủ trì Hội nghị, có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đoàn tỉnh Bình Thuận dự hội nghị có đồng chí Dương Văn An, UVBCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Bình Thuận; đồng chí Huỳnh Thái Dương, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và lãnh đạo Phòng Tổng hợp - Lịch sử Đảng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Sau 5 năm triển khai, Chỉ thị số 20 -CT/TW đã được các địa phương trong cả nước thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả thiết thực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh theo tinh thần Đại hội XIII trong tình hình mới. Đối với tỉnh Bình Thuận, qua 5 năm (2018-2023) triển khai thực hiện Chỉ thị 20 -CT/TW, đã phát hành 57 tập lịch sử. Trong đó: cấp tỉnh đã xuất bản 02 tập sách: Hoạt động đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng tỉnh Bình Thuận trong nhà tù, trại giam ở Miền Nam (1954-1975), Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I, (1930-1954), đăng ký với Sở Khoa học Công nghệ triển khai thực hiện công trình Lịch sử biên niên Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập II, (1954-1975) dự kiến xuất bản vào dịp chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XV (2025-2030). Các sở, ngành, đoàn thể Liên đoàn Lao động tỉnh, Quân sự tỉnh, Công an tỉnh (7 cuốn sách) đã xuất bản 9 tập sách. 100% huyện, thị, thành ủy xây dựng kế hoạch tái bản, bổ sung lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống địa phương. Các xã, phường, thị trấn đã phát hành 33 tập lịch sử. Một số xã do thời gian thành lập dưới 20 năm hoặc điều kiện đặc thù thì tổ chức sưu tầm, lưu trữ tư liệu chuẩn bị biên soạn.

Trong thời gian đến, nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW, tỉnh Bình Thuận thực hiện các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp. Chú trọng đổi mới phương pháp nghiên cứu, biên soạn; nội dung, cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn  vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó tập trung:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hai là, xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, pháp huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.

Ba là, tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng, đa dạng nội dung và cách thức công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin, các nền tảng truyền thông hiện đại; số hóa dữ liệu trong quản lý, lưu trữ, khai thác các tư liệu, ấn phẩm lịch sử. Nghiên cứu xây dựng chuyên đề phù hợp, phổ biến, sinh hoạt chính trị tại các chi bộ, tổ chức đảng.

Bốn là, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử. Có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác. Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách hàng năm chủ động, kịp thời, kết hợp đẩy mạnh xã hội hóa, đảm bảo nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử cũng như các hoạt động khác.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác; phát huy, nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, tạo sức lan tỏa trong xã hội về lịch sử truyền thống, lịch sử cách mạng của dân tộc, ý thức đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước, ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ./.


Các tin khác