Kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào thi đua yêu nước

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bên cạnh những mối quan tâm lớn về vận mệnh đất nước, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc thi đua yêu nước. 

Theo thống kê, Người có rất nhiều bức thư, bài nói, bài viết đề cập đến thi đua yêu nước mà nội dung đã in dấu sâu đậm trong lòng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước xuyên suốt các thời kỳ lịch sử như: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua” (bài phát biểu tại đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc tháng 5/1952)…Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), chúng ta cùng đọc lại một số bài nói, bài viết của Người.

Lời kêu gọi thi đua yêu nước viết ngày 01/5/1948,
lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, (nguồn: Internet)

Ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng có Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc mục đích “làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”([1]). Tại chiến khu Việt Bắc, ngày 01/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi thi đua yêu nước. Người chỉ rõ, kinh tế đất nước lạc hậu nhưng lòng yêu nước và ý chí quật cường không thua kém ai. Muốn tự cấp, tự túc thì mọi tầng lớp nhân dân phải tăng gia sản xuất, có như vậy: “Kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công”([2]). Đây được xem là văn bản đầu tiên Người nói về thi đua yêu nước.

Đến ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1000 ngày kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc. Người nêu rõ “mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân…Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Tháng 6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi hội nghị thi đua ái quốc, nhận xét một số hạn chế của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thi đua; qua đó, cần khắc phục và ra sức thiết thực thi đua, thì phong trào thi đua nhất định thành công.

Ngày 01/8/1949, Người viết bài báo tựa đề Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, đăng trên báo Sự thật, số 116. Trong bài báo Người chỉ rõ, những công việc ta làm hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Trước đây, ta vẫn làm ruộng, nay ta thi đua làm cho tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Do vậy, “thi đua là phải trường kỳ, thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”; thi đua để “tất cả để chiến thắng, chiến thắng giặc thực dân, chiến thắng giặc dốt, chiến thắng giặc đói, chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của vị Chủ tịch nước, trong những năm 1948-1949, cả nước nổi lên phong trào cơm no, súng tốt, đánh thắng. Trong từng ngành, từng giới cũng xuất hiện nhiều phong trào thi đua. Tại các xí nghiệp quốc phòng có phong trào Gây cơ sở phá kỷ lục, Rèn luyện cán bộ, cải tiến kỹ thuật. Trong nông nghiệp có nhiều phong trào thiết thực, hiệu quả như ở liên khu III là các chiến dịch ngô, khoai sắn; liên khu IV có Vụ chiêm thắng lợi, Vụ mùa chủ lực; hay liên khu V có các chiến dịch chống hạn, làm thủy nông. Trong giáo dục có phong trào thanh toán nạn mù chữ, bình dân học vụ. Về quân sự có phong trào phá tề, địch vận, du kích thi đua lập thành tích…Phong trào trào thi đua ái quốc đã phát triển nhanh chóng sôi nổi, rộng khắp cả nước. Trong những năm tiếp theo, phong trào thi đua ái quốc tiếp tục phát triển, thực sự trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy kháng chiến thắng lợi.

Bước qua năm 1950 là năm chuyển mạnh sang tổng phản công, bộ đội và nhân dân cần nhiều lương thực, thực phẩm. Ngày 06/3/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lời kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất, đăng trên Báo Cứu quốc, số 1488, kêu gọi đồng bào ở hậu phương thực hiện hai việc để góp sức vào công việc chuyển mạnh sang tổng phản công. Một là “thi đua tăng gia sản xuất”, quyết tâm thực hiện “toàn dân canh tác, bốn mùa canh tác”; hai là “thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu”.

Ngày 05/7/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết Thi đua ái quốc, hiện tại và tương lai vẻ vang của nước ta, bút danh C.B, đăng trên báo Nhân sân số 15. Người viết: “Thi đua ái quốc nhằm ba mục đích chính: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Tức là làm cho nhân dân no, ấm, biết chữ, làm cho Tổ quốc độc lập, tự do. Muốn đạt mục đích ấy, người người phải thi đua, ngành ngành phải thi đua…Nếu mọi người đều cố gắng thi đua, thì công việc tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm sẽ mau đến ngày hoàn toàn thắng lợi”. Đến ngày 23/8/1951, báo Nhân dân, số 22, in bài Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc của Người.

Ngày 01/5/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu tại đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc. Bài phát biểu sau đó được in lại trên báo Nhân dân số 57, phát hành ngày 08/5/1952. Người chỉ rõ: “Thi đua tăng cường đoàn kết, mà đoàn kết đẩy mạnh thi đua; đoàn kết ấy là đoàn kết thật sự và rất chặt chẽ”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”; “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Từ năm 1954 – 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có những lần nói về thi đua ái quốc như: Điện gửi Đại hội liên hoan Chiến sĩ thi đua Nam Bộ (tháng 6/1954); phát biểu tại Đại hội chiến sĩ thi đua nông nghiệp toàn quốc lần thứ III (ngày 23/5/1958); lời chào mừng Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (ngày 07/7/1958).

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hai miền Nam – Bắc hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước nhằm mục đích cao cả cuối cùng là thống nhất đất nước. Hàng ngàn, hàng vạn người ở đủ mọi giới, mọi ngành, cơ quan, địa phương đã đề ra và thực hiện nhiều phong trào thi đua, nổi tiếng lúc bấy giờ như: Ba đảm đang; Ba sẵn sàng; Năm xung phong; Chắc tay cày - vững tay súng; Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt. Trong công nghiệp có phong trào Sóng Duyên Hải, nông nghiệp có Gió Đại Phong, quân đội có Cờ Ba Nhất, giáo dục có Tiếng trống Bắc Lý...Đỉnh cao của thi đua yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ là thi đua giết giặc lập công, làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975 lịch sử.

Tiếp tục thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, nhân kỷ niệm 60 năm (1948 - 2008) ngày Người ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, ngày 04/3/2008, Thủ tưởng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày Thi đua yêu nước. Nội dung Quyết định nêu rõ, cần tổ chức học tập tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, gắn với việc triển khai sâu rộng và có hiệu quả cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ chức các hình thức tuyên truyền về vai trò, tác dụng của thi đua yêu nước đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; rút ra những bài học kinh nghiệm trong phương pháp giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ./.

 

 


([1]) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 9, tr.71.  

([2]) Các nội dung trong “…” được trích từ Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, tập 5, 6, 7, 8 và 11.


Các tin khác