Vì sao tôi ủng hộ làm hồ Ka Pét

Phát triển hay bảo tồn sẽ không mang lại ý nghĩa gì nếu không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.

Báo VietNamNet giới thiệu bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm riêng của PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên & Môi trường Hà Nội về những vấn đề đang được quan tâm ở dự án chuyển đổi hơn 600ha rừng làm hồ thủy lợi Ka Pét ở Bình Thuận.

Nước sông Bà Bích (dự kiến sẽ chặn dòng tạo hồ) đang đổ ào ạt từ thượng nguồn về do đang là mùa mưa. Ảnh: Nguyễn Huế

1. Có cần xây hồ Ka Pét?

Do ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên, tỉnh Bình Thuận là một trong những tỉnh có nguồn nước khan kiếm vào loại bậc nhất ở nước ta.

Tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận bao gồm tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất. Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng tài nguyên nước dưới đất kém phong phú, nguồn nước dưới đất ven biển bị nhiễm mặn ở nhiều nơi. Nước dưới đất tại nhiều vùng núi bị nhiễm phèn. Do vậy, nước mặt đóng vai trò chính trong việc cung cấp nước cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn nước mặt hàng năm trên tất cả các lưu vực sông của tỉnh được ước tính khoảng 4,4 tỷ m3 nước. Trong đó, lượng dòng chảy bên ngoài đưa đến 1,25 tỷ m3. Tuy nhiên, lượng mưa ở tỉnh Bình Thuận có sự phân hóa mạnh theo không gian, thời gian trong năm.

Tổng lượng mưa năm giữa vùng mưa nhiều nhất với vùng mưa ít nhất chênh lệch nhau rất lớn (1.834 mm). Khu vực phía Tây Bắc của tỉnh là nơi có lượng mưa năm cao nhất, đạt từ 2.000-2.564 mm, tiếp theo là khu vực phía Nam tỉnh dao động từ 1.400 – 1.600 mm. Khu vực có lượng mưa thấp nhất là khu vực đồng bằng phía Đông Bắc tỉnh và trung tâm tỉnh với tổng lượng mưa năm chỉ đạt 730 – 1.110mm.

Lượng dòng chảy năm phân bố không đều theo không gian và thời gian. Dòng chảy lớn nhất tập trung ở khu vực Tây Nam tỉnh và giảm dần ra phía Đông và phía Bắc.

Các sông, suối đa số có lưu vực hẹp, độ dốc lòng sông lớn, dòng chảy phụ thuộc vào lượng mưa, nhiều sông suối không có nước vào mùa khô. Riêng sông La Ngà có dòng chảy dồi dào hơn do mưa nhiều và lưu vực ngoài tỉnh rộng.

Lượng dòng chảy mùa lũ trên các sông khu vực phía Nam chiếm từ 75 - 85%, mùa cạn từ 15 - 25% dòng chảy năm. Lượng dòng chảy mùa lũ trên các sông khu vực trung tâm từ 60 - 75%, mùa cạn từ 25 - 40% dòng chảy năm. Lượng dòng chảy mùa lũ các sông khu vực phía Bắc từ 35 - 45%, mùa cạn từ 55 - 65% lượng dòng chảy năm.

Hàng năm tổng lượng bốc hơi tại Bình Thuận được ước tính đạt từ 1.000 - 1.111 mm, phân bố không đều theo các tháng. Các tháng mùa khô từ tháng 12 năm trước đến đầu tháng 5 năm sau dao động từ 100 - 145mm, trong đó tháng có tổng lượng bốc hơi cao nhất là tháng 3 dao động từ 130 - 145 mm.

Sang các tháng mùa mưa tổng lượng bốc hơi giảm rõ rệt, dao động từ 76 - 116mm và tháng có tổng lượng bốc hơi nhỏ nhất là tháng 10, dao động từ 82 - 86mm; trùng với thời gian mùa mưa chính. Tại một số khu vực khô hạn, do nắng nhiều, nhiệt độ cao và gió thổi mạnh, lượng bốc thoát hơi lên tới 1.200-1.400 mm/năm, gần như gấp đôi lượng mưa.

Như vậy, có thể thấy là tại nhiều nơi của Bình Thuận, lượng bốc hơi năm lớn hơn lượng mưa nên đất về cơ bản luôn ở trạng thái khô hạn.

Trên cơ sở dự báo sự gia tăng dân số và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận, các kết quả tính toán của cá nhân tôi cho thấy, tổng nhu cầu sử dụng nước thô cho dân sinh và các ngành kinh tế của tỉnh Bình Thuận vào năm 2030 khoảng 1.340 triệu m3/năm.

Trong thời gian mùa khô, nhu cầu nước thô khoảng 782 triệu m3. Trong khi đó, hiện tại, tổng dung tích hồ chứa của tỉnh Bình Thuận là 442 triệu m3. Cần phải chú ý rằng, một lượng nước rất lớn ở các hồ chứa trong mùa khô sẽ bị mất do thấm vào lòng đất và bị bốc hơi. Hơn nữa, trong quá trình chuyển nước, một lượng nước khá lớn cũng sẽ bị thất thoát do bốc hơi và thấm vào lòng đất. Như vậy, nếu như không có nguồn bổ sung, trong những năm hạn nặng, Bình Thuận sẽ bị thiếu nước cực kỳ nghiêm trọng vào mùa khô.

Có nhiều ý kiến cho rằng Bình Thuận nên bỏ trồng trọt để tập trung làm công nghiệp và dịch vụ. Chúng ta cần nhớ rằng các trụ cột của phát triển bền vững là kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển sẽ không mang lại ý nghĩa gì nếu không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Phát triển phải giúp dân tạo, cải thiện sinh kế, thu nhập và có cuộc sống tốt hơn.

Người nông dân hàng ngàn đời nay đã canh tác nông nghiệp, không phải cứ buông cày cuốc là trở thành công nhân có tay nghề cao. Hơn nữa, phát triển phải tận dụng các tiềm năng, lợi thế của địa phương, phải tạo ra những cơ hội để bảo tồn những tập tục, truyền thống văn hóa, xã hội, bảo tồn những đặc sản của địa phương.

Bình Thuận là địa phương có rất nhiều đặc sản nông nghiệp quý, có tiếng tăm ở phạm vi trong nước và quốc tế. Việc duy trì sản xuất nông nghiệp, tận dụng những tiềm năng của đất đai và đảm bảo sinh kế cho người dân không những đảm bảo an sinh xã hội mà còn tạo ra những giá trị gia tăng cho du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, là những ngành kinh tế chủ đạo của Bình Thuận trong tương lai.

Tất nhiên, Bình Thuận đã có phương án chuyển đổi nông nghiệp thành nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì Bình Thuận vẫn cần rất nhiều nước.

Khu vực dự kiến làm lòng hồ. Ảnh: Nguyễn Huế

Cần chú ý rằng, biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nắng nóng, có thể làm gia tăng tốc độ gió và gia tăng khô hạn trong mùa khô. Điều này có nghĩa là khô hạn sẽ khô hạn hơn và thiếu nước sẽ trầm trọng hơn.

Để giải quyết bài toán thiếu nước, khắc phục những biến động của thời tiết và tác động của biến đổi khí hậu, cần phải trữ lượng nước vào mùa mưa để sử dụng cho cả năm, đặc biệt là vào mùa khô, tức là làm hồ chứa. Hồ Ka Pét cùng hệ thống kênh dẫn nước sẽ cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Phan Thiết, khu vực Hàm Thuận Nam, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, nước tưới tiêu và các ngành kinh tế khác.

2. Có đáng không nếu phải "hy sinh" hơn 600ha rừng để làm hồ Ka Pét?

Rừng là một sinh cảnh cực kỳ quan trọng, cung cấp những dịch vụ môi trường tối quan trọng cho con người. Đặc biệt, rừng đặc dụng nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt và chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng theo đúng các quy định của pháp luật.

Các dịch vụ môi trường chính mà rừng cung cấp là chống xói mòn đất; giữ nước, cung cấp sinh cảnh cho các động, thực vật, đặc biệt là các loài quý hiếm cần bảo vệ, cung cấp gỗ và nhiều sản vật rừng cho con người, cung cấp nhiều dịch vụ môi trường khác khó có thể định giá bằng tiền.

Vị trí làm dự án cách khu dân cư hiện hữu vài kilomet.  Ảnh: Nguyễn Huế

Tuy nhiên, tầm quan trọng của rừng không có nghĩa là hoàn toàn không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Quan điểm của chúng ta bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta, để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải căn cứ vào hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường mà dự án chuyển đổi đạt được.

Theo các thông tin tôi được biết, khu vực chuyển đổi rừng thành lòng hồ thủy lợi chủ yếu là khu vực rừng nghèo; và khoảng 137ha rừng đặc dụng được chuyển đổi là khu vực rừng nghèo nhất của khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Cần chú ý rằng ngoài khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, trước đây các cây gỗ to, có giá trị của khu vực rừng dự kiến thành lòng hồ đã bị khai thác. Mãi từ năm 2002 tới nay mới có chủ trương đóng cửa rừng. Rừng mất khu vực lòng hồ cũng là rừng thứ sinh chứ không phải nguyên sinh. Như vậy, thiệt hại do mất rừng cũng thấp hơn rất nhiều. Các tính toán ban đầu của tôi về giá trị các dịch vụ môi trường mà rừng mang lại cũng như hồ mang lại cho thấy việc hồ sẽ mang lại các giá trị dịch vụ môi trường lớn hơn nhiều lần so với rừng.

3. Các tác động môi trường tốt và xấu do xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét gây ra?

Việc xây dựng các hồ, đập trên các con sông để trữ nước sẽ làm gián đoạn dòng chảy và vận chuyển bùn cát từ thượng nguồn xuống hạ nguồn sông và ra biển, gây thiếu hụt bùn cát. Do đó làm xói lở bờ sông, bờ biển, gây ra những thiệt hại kinh tế - xã hội và yêu cầu một lượng kinh phí lớn để xây dựng các công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên các con sông là một trong những yếu tố quan trọng để duy trì hệ sinh thái trên các sông. Việc xây dựng một loạt các hồ chứa để đảm bảo cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất sẽ gây ra những tác động nhất định tới môi trường và hệ sinh thái.

Hiện trạng tại khu vực dự kiến là lòng hồ Ka Pét (Ảnh: UBND tỉnh Bình Thuận)

Các tác động này có thể là những tác động tốt và tác động xấu. Đối với các hồ chứa và khu vực thượng nguồn các hồ chứa, việc tạo được một khu vực chứa nước trong hồ sẽ giúp tạo sinh cảnh mới, sinh cảnh đất ngập nước, với các điều kiện môi trường thuận lợi cho các động, thực vật thủy sinh và tôm, cá phát triển. Mực nước trong hồ cũng làm dâng cao mực nước dưới đất ở các khu vực xung quanh hồ, giúp các hệ sinh thái tại khu vực xung quanh hồ có đủ nước và phát triển tốt hơn.

Việc cung cấp đủ nước tưới cây tại một số khu vực canh tác nông nghiệp sẽ cải thiện môi trường và hệ sinh thái khu vực đất canh tác nông nghiệp, do vậy cũng là một tác động tốt tới môi trường và hệ sinh thái đất canh tác. Các hồ chứa cũng cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt, hoạt động công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Những lợi ích kinh tế - xã hội do hồ chứa cung cấp tính bằng tiền sẽ rất lớn.

Tuy nhiên, các hồ chứa này sẽ làm ngập và do vậy chuyển một số khu vực rừng thành khu vực có mặt nước, tức là tác động xấu tới hệ sinh thái rừng. Việc di dân khỏi khu vực lòng hồ sẽ yêu cầu tạo quỹ đất mới, có thể dẫn tới phá rừng hoặc khai hoang các khu đất hoang, và do vậy cũng sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái rừng và một số hệ sinh thái hoang dã khác.

Việc xây dựng các hồ chứa sẽ làm giảm lượng nước cung cấp tự nhiên cho hạ lưu trong mùa mưa, làm giảm khả năng bổ cấp nguồn nước dưới đất và nâng mực nước dưới đất, đặc biệt là đối với các khu vực bị khô hạn nặng như vùng đồng bằng ven biển tại phần Đông Bắc và trung tâm của tỉnh.

Các hồ cũng sẽ làm giảm mực nước dưới đất dọc theo các con sông hạ nguồn hồ chứa, do vậy làm giảm lượng nước mà các tầng nước dưới đất cung cấp cho các con sông trong mùa khô hạn. Ngoài ra, lượng nước từ thượng nguồn các con sông được các khu vực có rừng và núi cao trên thượng nguồn hồ chứa cũng bị chặn lại. Các vấn đề nêu trên sẽ làm giảm rất nhiều dòng chảy tại sông hạ nguồn các hồ chứa vào mùa khô, dẫn tới không đủ nước để đảm bảo dòng chảy tối thiểu và tác động rất xấu tới môi trường và hệ sinh thái sông vào mùa khô hạn.

Mặt khác, các đập dâng sẽ làm tăng mực nước trong các sông tại một khu vực thượng nguồn đập dâng vào mùa khô; do vậy, làm tăng mực nước dưới đất. Như vậy, các đập dâng có tác động tốt tới cả hệ sinh thái sông và hệ sinh thái trên cạn tại các khu vực xung quanh đập dâng.

Các đập dâng và các hồ chứa cũng chặn lượng bùn cát vận chuyển ra sông ở hạ nguồn và từ sông ra biển. Thiếu hụt bùn cát tại đáy sông sẽ làm gia tăng tác hại của khai thác cát lòng sông phục vụ xây dựng, làm hạ thấp đáy sông, gia tăng độ dốc bờ sông và nguy cơ xói, sạt lở bờ sông, cũng như giảm mực nước dưới đất ở hai bên bờ sông, làm ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái hai bên bờ sông. Suy giảm lượng bùn cát từ sông ra biển sẽ gây ra xói lở bờ biển. Thiếu hụt nước ngọt từ sông trong cả mùa mưa và mùa khô cũng làm gia tăng xâm nhập mặn vào cả tầng nước mặn và nước dưới đất, làm thay đổi môi trường và hệ sinh thái khu vực các cửa sông và vùng ven biển theo chiều hướng xấu.

Xây dựng hồ Ka Pét không phải di dời dân. Việc cung cấp nước từ hồ vào mùa khô có tác động tốt tới khu vực tỉnh Bình Thuận, là nơi đang thiếu nước trầm trọng. Xây dựng hồ Ka Pét có đầy đủ các tác động tốt nêu trên, trong khi không có hết các tác động xấu.

4. Xây dựng hồ có làm giảm khả năng giữ nước của rừng và tăng khả năng gây lũ lụt?

Bình Thuận rất nhiều nước, có khả năng gây lũ lụt vào mùa mưa nhưng rất ít nước, khô hạn cực kỳ nghiêm trọng vào mùa khô. Vậy bài toán giữ nước mùa mưa để dùng vào mùa khô cực kỳ quan trọng.

Phối cảnh dự án hồ chứa nước Ka Pét ở huyện huyện Hàm Thuận Nam. (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Bình Thuận)

Thông thường, tùy vào điều kiện đất (trước đó có mưa hay không mà đất có bị ướt hay không), đất, hang hốc và lá, cành cây, thảm cỏ, lá mục trên mặt đất rừng chỉ giữ được một lượng nước không lớn. Rất khó tính toán chính xác lượng nước này nhưng theo kinh nghiệm của tôi, lượng nước đó nhỏ hơn 50mm. Cần chú ý rằng đối với các trận mưa lớn, kéo dài trên diện rộng, lũ xảy ra khi rừng đã no nước, tác dụng của rừng trong việc giảm lũ chủ yếu là cản trở dòng chảy chứ không phải là giữ thêm nước. Ví dụ, trận lũ quét tại xã Minh Phú, Sóc Sơn mới xảy ra gần đây khi lượng mưa chỉ khoảng 80mm – 90mm.

Tuy nhiên, để so sánh, ta hãy cho rằng rừng có thể giữ được một lượng nước cực kỳ lớn, khoảng chừng 20cm. Vậy nước còn lại nếu lượng mưa lớn hơn số này sẽ chảy về xuôi gây lụt. Nếu lượng mưa là 700mm thì lượng chảy về xuôi là 500mm. Nếu diện tích mất rừng là lòng hồ thì hồ chứa được ít nhất cũng phải 4-5m nước, tức 4.000mm - 5.000mm nước. Tức là hồ chứa có khả năng làm giảm lũ lớn hơn rất nhiều so với rừng tự nhiên. Hồ Ka Pét có đập cao khoảng 26m.

Năm 2010, Nhóm Công tác châu Âu về hồ, đập và lũ lụt đã xuất bản một báo cáo đánh giá khả năng giảm nhẹ lũ lụt của đập và trên cơ sở tính toán về mức độ giảm nhẹ lũ lụt của tất cả các nước châu Âu đã thấy đập (cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước) giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các nước châu Âu. Tuy nhiên, mức độ giảm nhẹ lũ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ. Các hồ lớn, dự báo tốt để có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du, trong khi các hồ nhỏ thì hầu như không có khả năng giảm lũ lụt.

Báo cáo của Nhóm Công tác châu Âu về hồ, đập và lũ lụt cũng cho thấy các hồ chứa chỉ có khả năng giảm lũ, lụt nhưng không có khả năng loại trừ hoàn toàn lũ, lụt. Nếu mưa lớn, hồ chứa không đủ sức điều tiết thì lũ lụt vẫn xảy ra. Hơn nữa, nếu hồ chứa không được xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có khả năng đập bị vỡ và gây ra thảm họa khôn lường.

5. Rừng trồng không thể tạo được thảm thực vật như rừng tự nhiên?

 Việc trồng rừng thay thế rừng sẽ mất hoàn toàn hiệu quả tạo được thảm thực vật giống như rừng tự nhiên. Vấn đề là trồng rừng phải trồng các cây bản địa chứ không phải cây ngoại lai và không kết hợp trồng rừng với trồng các cây hoa màu ngắn ngày, dọn sạch cỏ ở mặt đất rừng. Có thể làm được việc này bằng cách sử dụng hạt giống, cây giống lấy từ khu rừng bị mất hoặc các khu rừng lân cận để trồng.

Thảm thực vật khu vực dự kiến làm dự án. Ảnh: Nguyễn Huế

Trồng rừng xong cần chăm sóc, giám sát và bảo vệ thật chặt chẽ. Phải đảm bảo sau khi trồng, không cho ai được xâm phạm, làm thay đổi quá trình tự nhiên của đất rừng. Nếu làm tốt, sau một thời gian thì hệ sinh thái rừng tự nhiên sẽ phục hồi. Nhất là khu vực dự kiến trồng rừng nằm ở trong hoặc cạnh khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông.

Các khu vực này có lượng mưa vừa phải. Nếu chăm sóc và bảo vệ tốt, do có nước nên thảm thực nhiều tầng tại các khu vực rừng trồng sẽ nhanh chóng khôi phục. Tôi cho rằng trong khoảng thời gian từ 10 - 20 năm, việc trồng đúng phương pháp, chăm sóc, quản lý và bảo vệ tốt sẽ giúp ta có những khu rừng trồng có chất lượng với thành phần loài của động, thực vật gần giống rừng tự nhiên.

6. Có chọn được vị trí khác, tốt hơn để xây hồ?

Câu trả lời là rất khó. Bình Thuận có rất nhiều hồ và ao, bàu. Vị trí xây hồ cần phải đồng thời thỏa mãn nhiều yêu cầu. Yêu cầu đầu tiên là phải xây dựng hồ tại những nơi có nguồn nước.

Yêu cầu thứ hai là điều kiện địa chất khu vực xây hồ phải đảm bảo lượng nước thất thoát do thấm và dòng chảy ngầm trong quá trình vận hành hồ nhỏ và phải đảm bảo để xây dựng các đập ngăn nước với chi phí hợp lý nhưng vẫn đảm bảo an toàn hồ đập.

Yêu cầu thứ ba là về địa hình phải đảm bảo tạo được lòng hồ để chứa nước và đủ cao độ để đảm bảo nước tự chảy; dễ dàng xây dựng các kênh và các công trình thủy lợi để chuyển nước từ hồ về nơi sử dụng.

Yêu cầu thứ tư là lợi ích của việc xây hồ phải vượt trội những tác động xấu về môi trường, kinh tế - xã hội do việc xây hồ nêu ra.

Tôi đã có những nghiên cứu rất kỹ về tài nguyên nước tỉnh Bình Thuận và thấy rằng vị trí xây dựng hồ Ka Pét là một vị trí tối ưu. Vậy có nên xây dựng hồ Ka Pét không? Với các luận chứng nêu trên, tôi ủng hộ phương án làm hồ Ka Pét.


Các tin khác