Từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta luôn khẳng định và đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam, được Đảng ta chuyển hóa vào đường lối, chủ trương, nghị quyết soi đường cho văn hóa, văn, nghệ thuật Việt Nam phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn học, nghệ thuật theo hướng vừa tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại, vừa bảo tồn cốt cách, bản sắc, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Văn học, nghệ thuật nước ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Là một lĩnh vực quan trọng trên mặt trận tư tưởng – lý luận của Đảng, vì thế, văn học, nghệ thuật cũng là mục tiêu chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Chúng xác định đây là “mũi đột phá” nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” để dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào và tiến tới xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Theo thống kê, hiện nay các tổ chức phản động ở nước ngoài đang sử dụng hàng chục đài phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản, gần 400 ấn phẩm báo chí, hơn 420 website để đưa một số lượng lớn tài liệu, sách, báo, sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, cổ súy, truyền bá tư tưởng thù địch, phản động vào nước ta dưới nhiều hình thức khác nhau.
Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực nhạy cảm và tinh tế, nên sự chống phá của chúng thông qua lĩnh vực này cũng rất xảo quyệt, tinh vi. Chúng tập trung xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng thông qua việc truyền bá các tác phẩm văn học, hội họa, những chương trình ca nhạc, phim ảnh có nội dung chống chế độ, dưới chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” để phủ nhận thành quả của sự nghiệp cách mạng, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đáng quan tâm là, một số kẻ cố tình xuyên tạc, đòi “xét lại” cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, theo họ là “trung thực hơn” với nguồn tư liệu phong phú từ hai phía; trong đó, có những tác phẩm văn học đánh giá sai lệch, phiến diện về cuộc kháng chiến, làm lẫn lộn hoặc cố tình lập lờ về bản chất, tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến; từ đó, gây ra sự hoài nghi, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Bên cạnh đó là những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang nặng tính thị trường, tô đậm mặt trái, tiêu cực của cuộc sống hiện tại; đi sâu kể lể những tiêu cực trong đòi sống xã hội, mặt trái của nền kinh tế thị trường, phim truyện trinh thám, hình sự với những tình huống li kì, rùng rợn, tình yêu dễ dãi, v.v. Trong lĩnh vực ca nhạc, có xu hướng nhấn mạnh sự hưởng thụ, bi lụy, mất mát, chia ly trong tình yêu; một số chương trình ca nhạc mang nặng tính giải trí mà “quên” các chức năng về nâng cao nhận thức chính trị, thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân. Trong hội họa, mỹ thuật, nội dung một số tác phẩm không quan tâm đến những vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội, ít quan tâm đến ý nghĩa chính trị, chú trọng quá mức đến tính thương mại, v.v. Qua đó cho thấy, những quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật diễn ra hết sức phức tạp, hình thức tinh vi, tác động hàng ngày hàng giờ vào nhận thức, tư tưởng, tình cảm của các tầng lớp nhân dân.
Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”; từ đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi, thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền văn học, nghệ thuật nước nhà”.
Kể từ ngày thành lập (ngày 11/3/1982) cho đến nay, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận đã không ngừng phát triển mạnh mẽ về đội ngũ hội viên và chất lượng hoạt động. Được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý và tạo điều kiện về chủ trương, chính sách, về đầu tư kinh phí cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật của UBND tỉnh, Hội ngày càng phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp lực lượng, động viên anh chị em văn nghệ sĩ trong toàn tỉnh hăng say lao động sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị chân, thiện, mỹ, nghệ thuật cổ truyền, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương, đất nước và xây dựng nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà.
Trong nhiệm kỳ V vừa qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Chấp hành Hội và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà, Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Thuận đã không ngừng đổi mới nội dung, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực hiện tốt vai trò trung tâm đoàn kết, bồi dưỡng, phát huy tài năng và tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà hòa nhịp với sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới.
Hiện nay, Hội đã và đang tập hợp trên 200 hội viên, hoạt động trong các chuyên ngành: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu. Hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ có tâm huyết với nghề nghiệp; thể hiện tốt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội. Nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã phản ánh sinh động những thành tựu phát triển của vùng đất và con người Bình Thuận trên các lĩnh vực, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, của người dân Bình Thuận, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều tác giả đã tâm huyết nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm những cái mới tiến bộ nhưng quan điểm sáng tác chủ đạo vẫn tập trung đi sâu ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi thành tựu trong công cuộc đổi mới, gương người tốt, việc tốt và nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương. Một số tác phẩm đi sâu phê phán các biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ nạn xã hội, góp phần đấu tranh chống cái xấu, cái không đẹp đang phá hoại nền tảng đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Nhiều tác phẩm của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà được công chúng đánh giá cao và đạt được nhiều giải thưởng khi tham gia các cuộc thi, liên hoan, triển lãm do địa phương, khu vực và toàn quốc tổ chức. Ban Chấp hành Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh và các chi hội trực thuộc và phân hội chuyên ngành đã phát huy trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật tỉnh nhà đạt nhiều kết quả tích cực. Trong hoạt động sáng tạo, anh chị em văn nghệ sĩ đã bám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đường lối phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới của Đảng.
Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận thì hoạt động văn học, nghệ thuật của tỉnh ta trong những năm vừa qua cũng còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém, chưa tạo dấu ấn nổi bật và chưa ngang tầm với tiềm năng sáng tạo trên mảnh đất vốn có nhiều truyền thống lịch sử, văn hóa. Trong hoạt động công tác Hội, Ban Chấp hành, Ban Thường trực Hội còn có nhiều mặt hạn chế, cả trong công tác vận động, tập hợp, quản lý, điều hành, xây dựng đội ngũ; chưa tham mưu đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh những giải pháp hiệu quả để huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn học, nghệ thuật tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn. Trong sáng tác chưa có nhiều tác phẩm phản ánh sâu sắc thành tựu phát triển của tỉnh nhà cũng như những nỗ lực nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân và cũng chưa xây dựng được nhiều “sân chơi” cho các hoạt động nghệ thuật để thu hút, kích thích sự phát triển tiềm năng sáng tạo, đặc biệt là trong giới trẻ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngoài những hạn chế trong các nhiệm kỳ qua chưa kịp thời được khắc phục thì do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh nhà còn nhiều khó khăn nên tỉnh chưa đầu tư đúng mức để hoạt động văn hoá, nghệ thuật tỉnh nhà phát triển đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Hiện nay, kinh tế thị trường đã tạo ra một số lượng khá đông văn nghệ sĩ tự do. Vì thế, cần tăng cường phối hợp giữa các cấp, ngành, đoàn thể, nhất là các hội văn học, nghệ thuật trong công tác quản lý, giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ này để họ xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn học, nghệ thuật. Mặt khác, đòi hỏi mỗi văn nghệ sĩ phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tích cực học tập đường lối, chủ trương của Đảng; không ngừng nâng cao ý thức chính trị, sự tỉnh táo, biết tự vệ, biết phân biệt đúng, sai, dám đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng, không để các thế lực thù địch lợi dụng.
Trước thềm Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nhiệm kỳ V (2018 - 2023) thiết nghĩ, Ban Chấp hành Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền đến tất cả anh chị em hội viên quan điểm của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 23, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Chương trình hành động số 21, ngày 22/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị. Xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh phù hợp với tình hình địa phương. Tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chế độ, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để hoạt động văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về chân, thiện, mỹ của các tầng lớp nhân dân; phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế của đất nước vì mục tiêu ''dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò của Ban Chấp hành và Thường trực Hội đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, gắn với củng cố, phát triển chi hội trực thuộc ở các địa phương trong toàn tỉnh và các phân hội chuyên ngành để tập hợp lực lượng. Hội phải giữ vai trò nòng cốt trong việc định hướng, khuyến khích văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn của đất nước, quê hương, gắn bó với cuộc sống của nhân dân, bảo vệ, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; lên án, phê phán những tiêu cực, xấu xa, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam. Không ngừng nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm đăng tải trong Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận. Đẩy mạnh hình thức phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi, liên hoan, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật để vừa phục vụ nhu cầu công chúng, vừa động viên, kích thích sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, vừa phát hiện, bồi dưỡng tài năng, nhất là trong giới trẻ.
Ngoài ra, anh chị em văn nghệ sĩ cần tiếp tục phát huy học tập, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao nhận thức hiểu biết và vốn sống thực tiễn về lĩnh vực văn học, nghệ thuật; bám sát thực tiễn của đất nước, quê hương, gắn bó với cuộc sống của nhân dân để sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật phản ánh chân thật cuộc sống và lao động sáng tạo của nhân dân; đem đến cho công chúng những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật, góp phần truyền bá, cổ vũ, giáo dục con người sống có lý tưởng, niềm tin, hướng tới cái chân, thiện, mỹ, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp vì tương lai của thế hệ mai sau và của dân tộc; đấu tranh với những cái xấu xa, phản động, phi nhân tính, phản dân tộc, cũng như các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Ngày nay, trong bối cảnh đất nước ta chủ động và tích cực hội nhập quốc tế thì lĩnh vực văn học, nghệ thuật càng có thêm nhiều điều kiện để mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế. Việc mở rộng giao lưu văn học, nghệ thuật với các nước phải toàn diện cả trong việc giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới và tiếp thu tinh hoa văn học, nghệ thuật của nhân loại để làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của nước nhà. Tuy nhiên, việc tiếp thu phải chủ động, có chọn lọc và phải phù hợp thực tế. Một mặt, cần tích cực vạch mặt và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng văn học, nghệ thuật để chống phá Đảng, chế độ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mặt khác, cần nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính chủ động, trách nhiệm xã hội và ý thức công dân, tạo ra sức tự đề kháng trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Chúng ta tin tưởng rằng thành công của Đại hội Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận khóa VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 là cơ sở quan trọng để Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Thuận tiếp tục củng cố, tăng cường đoàn kết và phát huy vai trò của anh chị em văn nghệ sĩ tỉnh nhà trong việc tham gia lao động sáng tạo để có ngày càng nhiều hơn các tác phẩm văn học nghệ thuật thật sự có chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận và sự nghiệp đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước.