Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xin giới thiệu một số nét cơ bản của 11 nước thành viên tham gia hiệp định:
1. Nhật Bản thuộc khu vực Đông Bắc Á; diện tích 377.972,75 km2, dân số khoảng 126.740.000 người. Đất nước Nhật Bản là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, trong đó có 4 hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku chiếm khoảng 97% diện tích đất liền của nước này. Kim ngạch xuất khẩu của Nhật đứng thứ ba trên thế giới xếp sau Trung Quốc và Đức. Kim ngạch xuất khẩu chiếm gần một phần ba sản lượng GDP kinh tế. Lĩnh vực xuất khẩu chính bao gồm sản phẩm công nghệ cao - được xem là động cơ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản kể từ năm 1960. Từ năm 2013 - 2014, thiết bị vận tải (chiếm 23% của tổng xuất khẩu); các phương tiện giao thông vận tải (15%); máy móc (19%); máy móc điện (17%); hóa chất (11%) và hàng hóa sản xuất (13%). Đối tác xuất khẩu chính của Nhật Bản là Hoa Kỳ (chiếm đến 18.5%), Trung Quốc (18%), Hàn Quốc (7%) và Đài Loan (6%). Nhật Bản nhập khẩu chính gồm nhiên liệu khoáng sản (chiếm đến 34% của tổng nhập khẩu); xăng dầu (18%), máy móc (21%); thực phẩm (8%); hàng hóa sản xuất (8%); hóa chất (8%) và nguyên liệu (7%). Từ tháng 3/2011, nhập khẩu nhiên liệu của Nhật Bản đã tăng do việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Đối tác nhập khẩu chính của Nhật Bản là Trung Quốc (chiếm nhiều nhất với 22%), Hoa Kỳ (8%), Saudi Arabia (6%), UAE (5%) và Qatar (4.5%).
2. Canada thuộc khu vực Bắc Mỹ, diện tích 9.984.670km², dân số khoảng 33.476.688. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Canada chiếm tới hơn 45% GDP. Thế mạnh của Canada là phát triển xuất khẩu ròng năng lượng. Ngoài ra, còn xuất xe có động cơ và phụ tùng, máy móc công nghiệp, máy bay, thiết bị viễn thông và điện tử. Đối tác thương mại lớn nhất của Canada là Mỹ, chiếm khoảng 79% kim ngạch xuất khẩu.
Canada nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các bộ phận, thiết bị điện tử, hóa chất, điện và hàng tiêu dùng lâu bền. Đối tác nhập khẩu chính của Canada là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mexico.
3. Australia là một quốc gia bao gồm đại lục châu Úc, đảo Tasmania, và nhiều đảo nhỏ. Diện tích 7.741.056 km², dân số khoảng 24.834.100 người. Kinh tế chính của Australia ngành dịch vụ nhưng sự sự phong phú của tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản góp phần tạo thành công cho nền kinh tế. Một lợi thế nữa của Australia chính là xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Kim loại như quặng sắt và vàng chiếm đến 28% của tổng kim ngạch xuất khẩu, than chiếm 18% và dầu khí chiếm 9%. Hàng hóa sản xuất chiếm 33% tổng số xuất khẩu, với các loại thực phẩm và các sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng lớn nhất. Sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì và len chiếm 5% của các luồng thương mại. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia là Trung Quốc (chiếm đến 27% tổng xuất khẩu), Nhật Bản (17%), Hàn Quốc (7%) và các nước Liên minh châu Âu.
Về nhập khẩu, chủ yếu máy móc và thiết bị vận tải, máy tính, máy văn phòng và laser viễn thông. Các đối tác nhập khẩu chính là Trung Quốc (chiếm đến 15% của tổng nhập khẩu), Mỹ (13%), Nhật Bản (8%) và Singapore (7%). Đây cũng là một trung tâm tài chính lớn trong khu vực và là một thành phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu.
4. Mexico là một nước cộng hòa liên bang thuộc khu vực Bắc Mỹ. Diện tích 1.972.710 km², dân số khoảng 119.530.753 người. Đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latin. Định hướng nền kinh tế của Mexico theo hướng xuất khẩu nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Mexico hoàn toàn ít có liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, do đó Mexico có thể là thị trường tiềm năng của Việt Nam.
Mexico nhập khẩu sản phẩm kim loại, máy móc và thiết bị (chiếm đến 50% của tổng nhập khẩu), các sản phẩm khai thác mỏ (13%), các sản phẩm hóa chất (6.3%) và đáng chú ý là các sản phẩm nhựa và cao su (6%). Các đối tác nhập khẩu chính là Mỹ (chiếm 51% của tổng nhập khẩu), Trung Quốc (16%) và Nhật Bản (5%).
5. Chile là một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, có dải bờ biển dài và hẹp xen vào giữa dãy núi Andes và biển Thái Bình Dương. Diện tích tự nhiên là 756.096 km², dân số 18.006.407 người. Nền kinh tế của Chile phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu quặng đồng (chiếm đến 47% của tổng kim ngạch xuất khẩu) chủ yếu là các công ty nhà nước. Bên cạnh đó, Chile còn xuất khẩu các ngành khác bao gồm dịch vụ (chiếm 13% của tổng xuất khẩu); thực phẩm chế biến (%); hóa chất (7%). Các đối tác xuất khẩu chính là Trung Quốc (chiếm nhiều nhất với 24% của tổng xuất khẩu), Hoa Kỳ (12%), Nhật Bản (11%), Hàn Quốc (6%) và Brazil (5%). Những khách hàng nhập khẩu khác của Chile gồm Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Về nhập khẩu, Chile nhập khẩu chính là dầu thô và tinh chế dầu, than, khí và chất bôi trơn (chiếm 19% của tổng nhập khẩu); máy móc và các bộ phận (9%); xe ô tô, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị nhà (8%); xe tải, xe buýt và vận tải khác xe (7%). Các đối tác nhập khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng cao nhất là 23% của tổng nhập khẩu); Trung Quốc (18%), Brazil (7%); Argentina (6.5%) và Đức (4%). Những đối tác khác gồm Mexico, Colombia và Ecuador.
6. New Zealand là một đảo quốc tại khu vực tây nam của Thái Bình Dương. Trên phương diện địa lý, New Zealand gồm hai đại lục chính là đảo Bắc và đảo Nam, cùng một số đảo nhỏ. Diện tích tự nhiên 268.021 km², dân số 4.868.820 người. Giống như Australia, nền kinh tế New Zealand phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Nước này có truyền thống xuất khẩu nhờ hệ thống nông nghiệp rất hiệu quả. Xuất khẩu nông sản hàng đầu của New Zealand bao gồm thịt, sản phẩm từ sữa, lâm sản, trái cây và rau quả, cá và len. Các đối tác xuất khẩu chính là Australia, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nói chung New Zealand sẽ là nước cạnh tranh rất mạnh đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến sữa....
New Zealand nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện và máy bay, dầu khí, điện tử, dệt may, nhựa. Đối tác nhập khẩu chính là: Australia, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
7. Malaysia là một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang thuộc khu vực Đông Nam Á. Có diện tích tự nhiên là 329.847 km², dân số 31.876.000 người. Malaysia là một quốc gia thu nhập trung bình, đã thay đổi từ những năm 1970 từ một nhà sản xuất nguyên liệu thô thành một nền kinh tế đa ngành mới nổi. Chính phủ Malaysia đang tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy nhu cầu trong nước để nền kinh tế thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu, đặc biệt là các thiết bị điện tử, vẫn là một lực đáng kể của nền kinh tế. Đối với Malaysia, xuất khẩu được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm gần đây. Xuất khẩu chính của nước này là các sản phẩm điện và điện tử (chiếm đến 33%); các sản phẩm dầu khí (9%); khí tự nhiên hóa lỏng (8%), hóa chất (7%) và dầu cọ (6%). Đối tác xuất khẩu chính của Malaysia là Singapore (chiếm 14%), Trung Quốc (13%), Nhật Bản (11%), Hoa Kỳ (8%) và Thái Lan (6%).
Về nhập khẩu, Malaysia nhập khẩu chính là sản phẩm điện và điện tử (chiếm khá cao là 27%); hóa chất (9%); máy móc, thiết bị và phụ tùng (8%). Đối tác nhập khẩu chính của Malaysia là Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 16%), Singapore (12%), Nhật Bản (8%) và Hoa Kỳ (8%).
8. Peru là một quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ. Diện tích tự nhiên 1.285.216 km2, dân số 32,553,697 người. Giống như Chile, nền kinh tế Peru dựa vào xuất khẩu hàng hóa chính là đồng, vàng, quặng chì, xăng dầu, dệt may. Đối tác xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Chile và Canada. Peru nhập khẩu chính các mặt hàng như dầu thô và dầu tinh chế, xe tải, xe buýt và xe tải nhẹ, máy móc công nghiệp và thiết bị cơ khí. Đối tác nhập khẩu chính gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Mexico và Hàn Quốc.
9. Brunei là một quốc gia nằm ở bờ biển phía bắc của đảo Borneo thuộc khu vực Đông Nam Á. Diện tích tự nhiên 5.765 km², dân số 417.200 người. Giống như Arab Saudi, nền kinh tế quốc gia nhỏ bé này phụ thuộc vào dầu hỏa nên Brunei chốt đồng Bruneian Dollar (BND) vào đồng USD như đồng riyal Saudi của Arab Saudi. Khi giá dầu tăng, đồng USD giảm, hoặc khi giá dầu giảm đồng USD tăng thì Brunei bán dầu thu về đồng USD hay đồng Bruneian Dollar vẫn không thay đổi, nên dầu tăng hay hạ đều không tác động đáng kể đến sự hụt thu ngân sách của quốc gia này. Tất nhiên Brunei bán dầu và nhập hàng tiêu dùng, máy móc là rất nhiều nên Việt Nam cũng cần chú ý thị trường này.
10. Singapore là một Quốc đảo thuộc khu vực Đông Nam Á. Diện tích tự nhiên là 718,3 km², dân số 5.469.700 người. Dịch vụ mua bán hàng hóa trung gian và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao là cơ cấu chính của nền kinh tế Singapore. Xuất khẩu chính của nước này là máy móc và thiết bị (46% của tổng xuất khẩu), nhiên liệu (26%) và các hóa chất (13%). Nhập khẩu chính là máy móc và thiết bị (chiếm 43% của tổng xuất khẩu), nhiên liệu (32%),...
Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất của Singapore được ghi nhận với Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Đài Loan, Indonesia và Vương quốc Anh. Singapore ghi lại thặng dư thương mại với Bahrain, Myanmar, Hong Kong, Brazil và Ấn Độ.
11. Việt Nam là nước XHCN duy nhất trong khối, nằm trên Bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á. Từ năm 2012, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Hồng Kông, Anh, Campuchia và UAE. Trong nhiều năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi nhờ mức lương tối thiểu cạnh tranh và chi phí dịch vụ tiện ích thấp, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xuất khẩu chính Việt Nam bao gồm quần áo và giày dép, máy móc, vận tải và thiết bị. Những mặt hàng khác còn có thực phẩm và động vật sống, hàng hóa sản xuất và nhiên liệu,... Đối tác xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm 18% của tổng xuất khẩu), Nhật Bản (11%) và Trung Quốc (11%). Những đối tác khác gồm Hàn Quốc (5%), Malaysia (4%) và Đức (4%). Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, vận tải và thiết bị, hàng hóa sản xuất. Những mặt hàng khác gồm hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm và động vật sống và nguyên liệu thô,... Các đối tác nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, và Singapore...
Phân tích trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có rất ít ảnh hưởng đến những nước tham gia CPTPP. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất. Khi các nước thành viên "gỡ bỏ những con đê hàng rào thuế quan" thì hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiêu thụ hơn.
Sau khi ký kết, Hiệp định CPTPP sẽ được trình để Quốc hội các nước xem xét, thông qua và quyết định việc đưa vào thực hiện theo lộ trình được các nước tham gia CPTPP thống nhất.
(*) Tài liệu tham khảo: Wikipedia. Cục Thống kê Hoa Kỳ, Brookings Institution, Council of Foreign Relations (Hoa Kỳ).