Bình Thuận: Một số kết quả đạt được trong công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua

Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của mặt trận ngoại giao nước nhà, do các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiến hành, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới” đã được các cấp, các ngành coi trọng và nỗ lực thực hiện thông qua việc quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, hoàn thành khối lượng lớn công việc đối ngoại nhân dân, góp phần thiết thực vào thành tích đối ngoại chung của cả nước. Bên cạnh việc ban hành các Kế hoạch, Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; tạo sự đồng thuận, tin tưởng và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội của Đảng; từ đó, biến thành hành động cách mạng, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với nhân dân các nước, các tổ chức, cá nhân và nhân sĩ nước ngoài; tranh thủ tình cảm và sự ủng hộ của họ với Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của từng đối tác.

Có thể nói, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 04, đối với tỉnh nhà đã có những kết quả nhất định, như: đã đón tiếp 177 đoàn công tác của các nước đến làm việc, ký 05 thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương bạn; toàn địa bàn tỉnh Bình Thuận đã thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với 106 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.685,3 triệu USD; huy động được 14 tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ với tổng nguồn vốn viện trợ theo cam kết là 5.884.439 USD cho 27 chương trình, dự án; thu hút nguồn hỗ trợ ODA từ 06 quốc gia và tổ chức tài trợ với tổng giá trị ký kết 30.822.750 USD góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; hoạt động thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bình Thuận ngày càng nâng cao về số lượng và chất lượng với tỷ trọng lượng khách du lịch nước ngoài đến Bình Thuận giai đoạn 2011-2015 trung bình hàng năm đạt hơn 3 triệu lượt khách và nhiều hoạt động xúc tiến du lịch tích cực, hiệu quả; hoạt động xúc tiến thương mại duy trì tốt mối quan hệ với các cơ quan đại diện, Tham tán thương mại ở nước ngoài để nắm bắt thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của tỉnh nhằm thông tin đến các doanh nghiệp để ứng phó, xử lý kịp thời; công tác biên phòng quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nước ngoài cho công dân Việt Nam, pháp luật Việt Nam cho công dân nước ngoài đến địa bàn; hoạt động thông tin đối ngoại, tuyên truyền đối ngoại nhân dân được chú trọng về nội dung và hình thức. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức về cơ bản đã nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Thời gian tới, để tiếp tục tiển khai có hiệu quả Chỉ thị 04 về công tác đối ngoại nhân dân, các cơ quan, đơn vị và tổ chức sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác nghiên cứu tình hình, triển khai các hoạt động một cách phù hợp, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, hạn chế mặt tiêu cực, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển của Việt Nam… nhằm tăng cường hiểu biết, củng cố tình hữu nghị, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Kết hợp công tác đối ngoại với công tác vận động, tập hợp và hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài.

- Chủ động, tích cực tham gia và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện thuận lợi để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam, đóng góp cho sự nghiệp chung của nhân dân khu vực và thế giới.

- Tích cực tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia. Các biện pháp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ lợi ích quốc gia cần bảo đảm tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng; kiên quyết song linh hoạt, mềm dẻo để tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân các nước, không gây kích động, hận thù dân tộc, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục cảnh giác và có biện pháp đấu tranh hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” và lợi dụng chống phá trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, báo chí, luật pháp và các vấn đề nhạy cảm khác.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, kiểm tra hoạt động đối ngoại nhân dân, hình thành một cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, kiểm tra, hướng dẫn.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT