Đẩy mạnh tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”

       Thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TU, ngày 10/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, ngày 27/11/2011, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 294/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”; đến ngày 05/4/2016, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 982/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”.

       Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, đưa chính sách đào tạo nghề của tỉnh đến với lao động nông thôn. Đến nay, đã có 63.845 lao động nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt trên 80%.

       Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề vẫn còn một số hạn chế như: số lượng lao động nông thôn được đào tạo nghề của tỉnh còn thấp; sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương chưa đúng mức; sự phối hợp của các đoàn thể chưa mạnh; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng…

       Để tiếp tục triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề nghị:

       Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành ủy và Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn Thanh niên tham mưu cho cấp ủy và lãnh đạo tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, quán triệt, gắn với chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 55-CT/TU của Tỉnh ủy và các Quyết định 294, 892 của UBND tỉnh đến các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc; chỉ đạo lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên và hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền, phổ biến chính sách đào tạo nghề thường xuyên, sâu rộng đến mọi địa bàn nông thôn trong tỉnh; tăng cường vận động lao động nông thôn tham gia học nghề.

       Chủ động phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; các cơ sở dạy nghề của tỉnh để tư vấn, hướng nghiệp nghề cho thanh niên nông thôn và tăng cường công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội liên quan để tham mưu cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề theo Đề án của tỉnh.

        Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh chủ động phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và các địa phương để xây dựng kế hoạch tin, bài tuyên truyền việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”. Chú trọng tuyên truyền về vai trò, vị trí quan trọng của chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh; tổ chức phỏng vấn, tọa đàm với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương, ngành liên quan về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để người dân nông thôn nhận thức đúng, tích cực tham gia học nghề theo Đề án của tỉnh; đồng thời, kịp thời phản ánh, phê phán những địa phương chưa quan tâm đúng mức việc triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

       Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh; bản tin, trang tin điện tử của các ngành, địa phương, đoàn thể thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”, giúp người dân nông thôn hiểu đúng để thực hiện.

       Sở Lao động Thương bình và Xã hội thường xuyên phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan tổ chức các lớp tư vấn, hướng nghiệp nghề cho thanh niên nông thôn; kịp thời cung cấp thông tin về tình hình, kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh để các cơ quan tuyên truyền và cơ quan báo chí triển khai công tác tuyên truyền được thuận lợi./.


Các tin khác