HỘI THẢO XÁC ĐỊNH ĐỊA ĐIỂM CĂN CỨ TỈNH ỦY TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

       Sáng ngày 28/4/2017, tại trụ sở Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo xác định vị trí xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đồng chí Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đơn vị tỉnh Bình Thuận, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích; đồng chí Nguyễn Đức Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Hồ Trung Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phòng Lịch sử Đảng, đại diện một số sở, ban, ngành liên quan cùng hơn 20 đồng chí là cán bộ từng công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ, phóng viên báo, đài dự và đưa tin.

Đồng chí Hồ Trung Phước, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu đề dẫn

       Sau phát biểu khai mạc hội thảo của đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng- Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Trung Phước-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy-Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo đề dẫn hội thảo về quá trình thự hiện, phân tích, so sánh giá trị, ý nghĩa lịch sử, tiềm năng phát triển, giao thông, điện, nước cũng như bảo vệ, khai thác lâu dài giữa Khu căn cứ Km36, xã Thuận Hòa-Hàm Thuận Bắc và Khu căn cứ Saloun (Sa-lôn), xã Đông Giang-Hàm Thuận Bắc; các đại biểu đã xem video clip tóm tắt về quá trình hình thành ý tưởng ban đầu đến kết quả những chuyến khảo sát, đề xuất xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy.

       Hội thảo đã nhận được trên 22 lượt phát biểu của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Huyện ủy Hàm Thuận Bắc và các đồng chí trước đây công tác tại Văn phòng Tinh ủy về vị trí, vai trò, ý nghĩa của Căn cứ Tỉnh ủy đối với phong trào cách mạng của tỉnh, và quyết định chọn địa điểm nào để xây dựng. Kết quả ghi nhận tại hội nghị, hầu hết các ý kiến thống nhất chọn Saloun làm nơi xây dựng Khu Di tích Căn cứ Tỉnh ủy, các địa điểm như căn cứ Lê Hồng Phong, Khu Căn cứ Bình Tuy và một số địa điểm khác thì xây dựng Bia địa chỉ đỏ.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận Hội thảo

       Kết thúc hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận:

       Thống nhất kết quả tại hội thảo, chọn Saloun là nơi xây dựng Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận, vì nơi đây ghi nhiều dấu ấn lịch sử, có ý nghĩa trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân tỉnh nhà; nơi có nhiều tổ chức chính trị, quân sự... của tỉnh ra đời (Đại hội Đảng bộ lần thứ I, Đại hội Chiến sĩ thi đua, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng, Trường Đảng, lực lượng vũ trang đầu tiên của tỉnh, xưởng Cao Thắng... ). Đặc biệt, trong tâm của nhiều đồng chí xem Saloun là “Thủ đô” kháng chiến. Một yếu tố quan trọng để công nhận một di tích lịch sử như khu căn cứ đó là rừng nơi đây còn nhiều, có suối, một số dấu tích hầm hào, đủ điều kiện làm hồ sơ công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Thời gian tới, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Khu di tích làm rõ thêm một số sự kiện được diễn ra trong khu vực Saloun, cần tổ chức một số cuộc khảo sát để xác định thêm một số địa điểm khác mà Tỉnh ủy từng đứng chân trong khu vực Saloun. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh: Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận là nơi giáo dục cho các thế hệ mai sau, nên cần có những lộ trình cần thiết để xây dựng bằng cách phân kỳ (chia giai đoạn để tiến hành xây dựng), thực hiện đúng tinh thần của Khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                                                                                         


Các tin khác

TIN NỔI BẬT