Những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công tác tuyên giáo đáp ứng tình hình hiện nay

       Công tác Tuyên giáo là một trong những hoạt động thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo đất nước, thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong tay không có tấc sắt, không có chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang, không có phương tiện thông tin tuyên truyền, chỉ bằng tuyên truyền miệng, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo vừa giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; vừa xây dựng, củng cố tổ chức,… lấy giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng làm vũ khí đấu tranh với kẻ thù, đấu tranh với các thế lực phản động trong tay có đầy đủ công cụ cai trị, phương tiện đàn áp; trọn niềm tin vào Đảng, niềm tin tất thắng đã từng bước thắng kẻ thù. Và trong thời bình hoạt động công tác tuyên giáo tiếp tục đóng góp những thành quả đáng kể. 

       Đội ngũ cán bộ tuyên giáo đã thực hiện tốt việc giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước cho mọi tầng lớp nhân dân; tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước; tham mưu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng các thế hệ người Việt Nam giàu lòng yêu nước, giàu lý tưởng cách mạng, không sợ hy sinh gian khổ, không tiếc xương máu, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm vững đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã kịp thời phản bác có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định đường lối đổi mới của Đảng; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN...

       Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu; cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc; mọi người thu nhận, trao đổi thông tin, tình cảm, tư tưởng được thực hiện qua nhiều “kênh”, cả truyền thống và phi truyền thống (Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, nước ta có khoảng trên 30 triệu người sử dụng internet, bằng khoảng 36% dân số. Dự báo trong 3 năm tới, số người sử dụng internet ở nước ta sẽ đạt 40 - 45 triệu, chiếm gần 50% dân số; bên cạnh đó, có hàng chục báo, tạp chí điện tử, gần 1.200 trang thông tin điện tử đăng ký hoạt động, hàng triệu blog cá nhân, hàng trăm mạng xã hội không đăng ký, đặt máy chủ ở nước ngoài)… Theo đó, các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng mạnh mẽ, phức tạpCác thế lực cơ hội, phản động, thù địch tăng cường chống phá ta trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, báo chí,… với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thâm độc… Tất cả đã tạo ra những thách thức không nhỏ đối với công tác Tuyên giáo nói chung và đội ngũ những người làm Tuyên giáo nói riêng.

        Trước những thực tế trên, đội ngũ cán bộ tuyên giáo chúng ta đã thể có nhiều bất cập, yếu kém, nổi lên là: công tác tham mưu, hoạch định chính sách trên một số lĩnh vực (giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ, văn hóa, văn nghệ) chưa kịp thời; chưa chú trọng đúng mức việc nghiên cứu, đề xuất những vấn đề có tính chiến lược; việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, quan điểm mơ hồ, sai trái còn thiếu sắc bén, sức thuyết phục chưa cao; công tác nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Phần lớn cán bộ Tuyên giáo còn yếu trong lĩnh vực ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho hoạt động tuyên giáo…

        Để tiếp tục phát huy những thành tựu cơ bản và ưu điểm của Ngành công tác Tuyên giáo thời gian qua; đồng thời, khắc phục kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ Tuyên giáo cả nước nói chung và tỉnh nhà nói riêng trong giai đoạn hiện nay, xin được đề xuất một số giải pháp sau:

       (1) Tiếp tục hoàn thiện chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Trong đào tạo, bồi dưỡng phải chú ý đào tạo, bồi dưỡng cả về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần xây dựng một đội ngũ cán bộ tuyên giáo là những chuyên gia giỏi trên từng lĩnh vực công tác. Bảo đảm tính khoa học trong xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, có sự nối tiếp, đan xen giữa các thế hệ. Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển chọn cho đến khâu tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ làm công tác tuyên giáo phải được tiến hành một cách công bằng, khách quan, công tâm. Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tuyên giáo được tham gia các khóa học tập dài hạn, ngắn hạn về cả chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị.

       (2) Khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ tuyên giáo chủ động, sáng tạo trong đổi mới, phương thức hoạt động. Cổ vũ các phương thức hoạt động theo nhóm để có nhiều sáng kiến dự báo, giải pháp xử lý các tình huống tư tưởng; sử dụng triệt để những tiện ích, công nghệ thông tin hiện đại trong công tác tuyên giáo, trong phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

       (3) Thực hiện tốt công tác luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác tuyên giáo được rèn luyện và trưởng thành qua thực tiễn. Để làm tốt việc này, cần tổ chức đánh giá toàn diện thực trạng đội ngũ cán bộ tuyên giáo từ trung ương đến cơ sở, dự kiến nhu cầu, khả năng tạo nguồn và phát triển đội ngũ, chủ động xây dựng và thực hiện luân chuyển cán bộ.

       (4) Ban hành và thực hiện một số chế độ, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách. Đây là một trong những giải pháp quan trọng. Có cơ chế, chính sách phù hợp không chỉ hấp dẫn những cán bộ có trình độ, chuyên môn giỏi mà còn khuyến khích sự sáng tạo, đề cao trách nhiệm cá nhân; thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành tuyên giáo của Đảng./. 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT