Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác bảo vệ môi trường

       Những năm qua, triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), Kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá XII) về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong năm 2016 các cấp, các ngành, mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng triển khai thực hiện đạt kết quả tiến bộ. 

       Công tác tuyên truyền được tập trung thực hiện, các ngành chức năng, các phương tiện thông tin truyền thông bằng các hình thức đa đạng đã tuyên truyền các chủ trương, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn. Đã tổ chức các buổi Hội thảo chuyên đề “Một số giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Hàm Tân”, “Giải pháp xử lý rác sinh sinh hoạt bằng công nghệ đốt bằng khí tự nhiện CNC”, “Giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý rác thải ven biển tại thành phố Phan Thiết”; tổ chức các buổi triển khai “Mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trong khu dân cư”; triển khai “Mô hình Tổ phụ nữ tuyên truyền bảo vệ môi trường vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”; xây dựng các mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường tại thị trấn Phan Rí Cửa, các xã Vĩnh Tân và Vĩnh Hảo thuộc huyện Tuy Phong.

       Công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, cơ sở sản xuất kinh doanh được tăng cường. Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động đều có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; trong đó: Khu công nghiệp Phan Thiết công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm, Khu công nghiệp Hàm Kiệm 1 công suất xử lý 2.000 m3/ngày đêm, Khu công nghiệp Hàm Kiệm 2 công suất xử lý 2.500 m3/ngày đêm. Các cơ quan chuyên môn về môi trường, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra, rà soát, bổ sung danh sách các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 07 đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực môi trường đối với 93 cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp tỉnh, cụ thể: 10 cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, xử lý vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở (100 triệu đồng); 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ven biển; 06 cơ sở sản xuất, kinh doanh ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 24 trang trại chăn nuôi heo; 06 dự án cao su; kiểm tra, lấy mẫu khí thải ống khói đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường 03 cơ sở chế biến bột cá; 30 cơ sở y tế, khám chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm hành chính đối với 02 cơ sở khai thác, chế biến sa khoáng titan với tổng số tiền 1.380 triệu đồng. Đã tổ chức 54 cuộc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, phát hiện và xử lý 17 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt là 180 triệu đồng… Lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh đã tiếp nhận và chủ động phát hiện 260 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường, mua bán trái phép động vật hoang dã, đã xử phạt gần 1.397 triệu đồng; khởi tố 02 vụ huỷ hoại rừng. Trong đó: cấp tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 56 vụ vi phạm, xử phạt với tổng số tiền là 510 triệu đồng; chuyển hồ sơ cho cơ quan khác xử phạt 21 vụ là 588 triệu đồng; cấp huyện đã kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 204 vụ với số tiền là 886 triệu đồng.

       Chất lượng công tác thẩm định hồ sơ môi trường thuộc thẩm quyền quản lý môi trường cấp tỉnh ngày càng được nâng cao, thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thời gian quy định. Toàn tỉnh hiện có 428 dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 52 cơ sở được phê duyệt Đề án Bảo vệ môi trường chi tiết; 38 dự án được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường; 19 dự án được xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; 18 phương án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt; cấp 367 sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; 01 Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu. Ngoài ra, có 962 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý cấp huyện được xác nhận cam kết bảo vệ môi trường.

       Việc xử lý các “điểm nóng” môi trường được các ngành và địa phương thường xuyên kiểm tra và giám sát chặt chẽ, nhất là khu vực giáp ranh giữa 02 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai (do 2 cơ sở sản xuất cồn và sản xuất bột mì) xả ra sông Ui chảy vào địa bàn tỉnh, các dự án khai thác titan, các cơ sở chế biến hải sản, trang trại chăn nuôi heo, đồng muối công nghiệp Thông Thuận. Điển hình, tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có 04 Dự án Nhà máy Nhiệt điện và Cảng tổng hợp Vĩnh Tân – giai đoạn 1 đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong thời gian qua, quá trình thi công và hoạt động của các dự án thường xuyên gây ô nhiễm môi trường, nhất là các dự án san gạt mặt bằng và Tổ máy số 1, số 2 Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong quá trình hoạt động chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp xử lý bụi xỉ tại bãi xỉ và khí thải từ ống khói nhà máy. Đến nay, chủ đầu tư đã khắc phục xong bằng các giải pháp như: lắp đặt các đường ống để tưới nước cho bãi xỉ; xây dựng xong hồ chứa nước 200 m3 để chủ động tưới nước giữ ẩm trong bãi xỉ; phun vữa bề mặt tro xỉ,...

       Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình xử lý chất thải các cụm công nghiệp chậm so với tiến độ hoạt động của các dự án, hiện nay toàn tỉnh có 9 cụm công nghiệp thu hút trên 240 dự án đầu tư, trong đó có 115 dự án đầu tư đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 7.350 lao động tại địa phương, song mới chỉ có 01 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg, ngày 01/10/2013 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, nhưng đến nay mới có 13 cơ sở hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, các cơ sở còn lại đang tiếp tục triển khai thực hiện.

       Để làm tốt công tác bảo vệ môi trường tại Bình Thuận trong thời gian tới, cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đảm bảo các dự án được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động phải thực hiện xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định; Hoàn thành báo cáo hiện trạng, diễn biến các thành phần môi trường, báo cáo chuyên đề môi trường nước, không khí năm 2017; Tham mưu UBND tỉnh ban hành đơn giá phân tích mẫu áp dụng cho các dự án, nhiệm vụ hoạt động quan trắc và phân tích môi trường trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn vốn nhà nước.

       Thực hiện tốt công tác tiếp công dân; Rà soát tham mưu giải quyết kịp thời các vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp tồn đọng kéo dài liên quan đến đất đai; xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm nóng môi trường trên địa bàn tỉnh, nhất là Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, đồng muối Thông Thuận, Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài, khu vực sông Giêng giáp ranh giữa Bình Thuận và Đồng Nai, các trang trại chăn nuôi heo, cơ sở chế biến mủ cao su.

       Tăng cường sự phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về công tác quản lý nhà nước về đất đai, nước, khoáng sản, môi trường từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã;Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân./. 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT