Kỷ niệm 70 năm ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946-19/12/2016: Sức mạnh quần chúng nhân dân Bình Thuận trong những ngày giành, giữ chính quyền và cùng cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

       Một trong những nhân tố rất quan trọng làm nên những ngày lịch sử ở Bình Thuận năm 1945 và đầu 1946 chính là quần chúng. Với sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân Bình Thuận trong những ngày này có ý nghĩa to lớn, tạo thành sức mạnh tổng hợp, vững chắc cùng cả nước giành, giữ chính quyền và mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

        Đầu tháng 8 năm 1945, tình hình quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng: ngày 9-8-1945, Hồng Quân Liên Xô tiêu diệt đạo quân Quan Đông ở Đông Bắc Trung Quốc, buộc Nhật đầu hàng không điều kiện (15-8-1945). Trong nước, quân Nhật hoang mang, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim rệu rã, phong trào cách mạng của quần chúng phát triển rộng khắp, cùng với đó, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ, là thời cơ thuận lợi để nhân dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, ngày 14 đến 15 tháng 8 năm 1045, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa. Tin các tỉnh đã khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân dồn dập báo về, thời cơ giành chính quyền đã đến. Ở Bình Thuận, ngày 23-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh tỉnh, cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền diễn ra rất cam go, phức tạp. Quần chúng cách mạng đã nhiều lần giáp mặt, sức đối sức, sống chết với kẻ thù. Họ đã lớn mạnh nhanh chóng, họ hiểu kẻ thù, hiểu sức mạnh đoàn kết của mình, hiểu cách mạng là của họ. Hàng vạn người: nông dân, công nhân, tiểu thương, thợ thủ công, thợ cắt tóc; một số trong lính bảo an, trong thanh niên Phan Anh, trong ngành xe lửa và một số tầng lớp trên cùng các tầng lớp tiểu tư sản khác đã dũng cảm kiên quyết đấu tranh chống Nhật. Quần chúng đã sôi nổi truyền tin cho nhau và cấp tốc hình thành đội ngũ tham gia các cuộc mít-tinh, biểu tình... để làm áp lực giành chính quyền cấp huyện (Tuy Phong, Phan Lý, Hàm Tân...). Bất kể ngày đêm, đông đảo quần với mọi thứ vũ trang tự có, 2 lần kiên quyết lùng bắt bọn Tây nhảy dù ở Hàm Tân, Tánh Linh; bao vây, đối phó có hiệu quả với số lính bảo an ngoan cố ở đảo Phú Quý (Phú Quý thuộc Tuy Phong lúc đó). Quần chúng các nơi trong tỉnh tự động cử đại biểu về Việt Minh tỉnh xin giành chính quyền (huyện Hàm Tân, Tánh Linh...).

       Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, quần chúng với khí thế cách mạng sục sôi, hừng hực căm thù đập nát bộ máy thống trị cũ áp bức, bóc lột mình và giành lấy chính quyền cách mạng thắng lợi. Ngày 25-8-1945, chính quyền cấp tỉnh đã hoàn toàn về tay nhân dân. Để chào mừng thắng lợi, đồng thời để biểu dương lực lượng cách mạng, các đồng chí lãnh đạo chủ trương tiến hành cuộc mít-tinh và tuần hành ở Phan Thiết vào lúc 2 giờ 30 chiều ngày 25-8-1945. Suốt đêm cho đến mờ sáng (ngày 25-8), người nói với người, nhà nói với nhà, thôn xóm chuyền cho nhau, rộn ràng chuẩn bị cho cuộc mít-tinh. Bằng mọi phương tiện xe lửa, ô tô, đi bộ, trên các ngã đường, đại biểu nhân dân, các đoàn biểu tình từ Mương Mán, Phú Hội, Đại Nẫm... nối tiếp nhau về Phan Thiết. 14 giờ 30 phút, tại sân vận động Phan Thiết, trong không khí của ngày chiến thắng hòa trong rừng cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu, biểu ngữ của trên 5 vạn người, đồng chí đại diện Việt minh chào mừng toàn thể đồng bào, nói rõ ý nghĩa vĩ đại của cuộc cách mạng là của toàn dân, nhân dân có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ chính quyền, nói rõ ý nghĩa lá cờ đỏ sao vàng do bao nhiêu anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh mới có. Quần chúng nhiệt liệt hoan hô Việt Minh muôn năm. Việt Minh hoàn toàn độc lập muôn năm. Vào khoảng 4 giờ chiều, cuộc tuần hành bắt đầu, làn sóng người từ sân vận động kéo đi trật tự qua cầu Phan Thiết xuống đường Gia Long (nay là đường Nguyễn Huệ), theo đại lộ Sài Gòn (nay là đường Trần Hưng Đạo) về hữu ngạn sông Phan Thiết. Quần chúng hô vang khẩu hiệu với một tinh thần vô cùng phấn khởi: “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Tước vũ khí quân đội Nhật ở Đông Dương. Dựng chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời. Việt Nam hoàn toàn độc lập”(1).

       Đây là cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành có tính chất lịch sử của Bình Thuận, là ngày hội đấu tranh và chiến thắng của quần chúng. Lần đầu tiên sau nhiều năm dài nô lệ, quần chúng đứng lên với tất cả sức mạnh vô tận của mình, biểu lộ quyết tâm và phấn khởi vô hạn khi đã nắm được độc lập, tự do. Những ngày sôi sục cách mạng tuy rất ngắn ngủi nhưng nhanh chóng làm thay đổi tâm hồn, tình cảm các tầng lớp nhân dân, từ người nô lệ trở thành người chủ đối với vận mạng của Tổ quốc và của bản thân mình. Ngày 2-9-1945, ngày lịch sử vẻ vang của cả dân tộc Việt Nam, tại địa điểm cũ (sân vận động Phan Thiết), đồng bào tập hợp về họp mít-tinh chào mừng Nước Việt Nam độc lập; với lòng đầy hạnh phúc lắng nghe Hồ Chủ tịch vô cùng kính yêu với giọng ấm áp, thân thiết mà kiên quyết phát đi từ trái tim Tổ quốc: “..., bởi thế cho nên chúng tôi - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam... toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Nhìn lại những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, nhân dân Bình Thuận đã góp phần cùng cả nước đấu tranh quyết liệt một mất một còn với thực dân Pháp, phát xít Nhật, làm cách mạng tháng Tám thành công, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, đánh dấu một cuộc biến đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử dân tộc.

       Trong những ngày nhân dân Bình Thuận đang sôi nổi xây dựng và củng cố chính quyền vừa mới giành được thì thực dân Pháp âm mưu quay lại xâm chiếm nước ta. Tháng 10 năm 1945, quân Pháp từ Sài Gòn đánh chiếm tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương và Bình Phước) và Biên Hòa, mặt trận miền Đông bị vỡ, lực lượng kháng chiến ở đây rút ra Bình Thuận; trong khi đó, lực lượng Nam tiến từ các tỉnh phía Bắc tiếp tục tiến vào đã làm cho các huyện Hàm Tân, Phan Thiết là nơi hội tụ. Trước tình hình ấy, Ủy ban đặc biệt Khu Bình Thuận-Miền Đông Nam bộ được thành lập để lãnh đạo kháng chiến lâu dài.

       Đầu tháng 11 năm 1945, tàn quân phát xít Nhật tại Phan Thiết được lệnh của đế quốc Anh-Pháp buộc phải ra Phan Thiết để tước vũ khí của Việt Minh. Nhật dùng thủ đoạn thương lượng với đại biểu ta, bắt ta đầu hàng để chúng lấy vũ khí về nộp cho đồng minh Pháp tại Nam bộ. Chúng yêu cầu: “giả đánh nhau, ta bỏ súng lại, chúng lấy về nộp cho cấp trên chúng”. Tình thế rất cấp bách, một mặt ta vẫn chuẩn bị kháng chiến, mặt khác chuẩn bị thương lượng với Nhật. Ta (đồng chí Chúc là đại biểu) giải thích và thuyết phục chúng rằng: “sức mạnh của các anh là trước kia, còn ngày nay người đứng đầu nước các anh đã đầu hàng đồng minh, hơn nữa các anh có đánh lấy vũ khí lại cho chúng tôi, cho nhân dân Việt Nam còn có lợi hơn, các anh còn được danh dự đối với cách  mạng Việt Nam”(2). Cuộc thương lượng không thành, chiến sự xảy ra ở Phan Thiết, nhân dân ở Phan Thiết được lệnh tản cư về nông thôn. Dưới sự lãnh đạo, động viên của Đảng và của Việt Minh, quần chúng biểu lộ một ý chí vô cùng kiên quyết và căm thù. Họ rất tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, của Việt Minh. Mấy vạn người đã đồng lòng hô vang những những khẩu hiệu: “Kiên quyết chống tàn dư quân đội phát xít Nhật. Kiên quyết bảo vệ chính quyền cách mạng. Việt Minh muôn năm. Việt Nam độc lập muôn năm”, một ban tiếp tế chuyên lo cơm nước, chăm sóc thương binh được thành lập có gần 100 người tham gia, đa số là phụ nữ… Trước cuộc đấu tranh kiên quyết đó, sau một tháng bị bao vây, thiếu nước, lương thực, quân Nhật lâm vào tình cảnh khó khăn; trong khi đó quân Pháp bị căng kéo nhiều nơi không phối hợp được với quân Nhật. Đến ngày 12-12-1945, quân Nhật phải xuống tàu rút ra biển. Mặc dù bị thất bại trong chiến thuật hai gọng kềm là dùng đường biển và đường bộ có tàn quân Nhật xung kích nội ứng bên trong, nhưng thực dân Pháp vẫn tiếp tục thực hiện ý đồ đánh chiếm các tỉnh Nam Trung bộ, đánh chiếm Bình Thuận. Ngày 22-12-1945 và ngày 25-1-1946, tàu Pháp ngoài biển bắn pháo vào Cà Ná, Sơn Hải, rọi đèn pha vào Phan Thiết... Việc phòng thủ ven biển, các vùng xung yếu và chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến trở nên rất khẩn trương. Với khí thế “Thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, các tầng lớp vũ trang và các tầng lớp nhân dân Bình Thuận cùng với cả nước đều được động viên bước vào cuộc kháng chiến.

       Trước tình cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” của dã tâm cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, thể theo ý chí và nguyện vọng của nhân dân, ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp khẩn cấp ở Vạn Phúc, Hà Đông quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và chỉ ra đường lối kháng chiến lâu dài. Vào hồi 20 giờ ngày 19-12-1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm (Chương Mỹ, Hà Đông), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch: “Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Đáp lời kêu gọi cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo đường lối kháng chiến đúng đắn do Đảng vạch ra, nhân dân Bình Thuận cùng toàn dân nhất tề đứng lên giết giặc cứu nước. Đêm 20-12-1946, tiếng súng giết giặc ở Phan Thiết đã nổ, các tầng lớp quần chúng nhân dân và lực lượng vũ trang Bình Thuận cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lâu dài, gian khổ. Xương máu của quân dân Bình Thuận tiếp tục đổ xuống, mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược để giữ gìn độc lập, tự do.

       Đã 70 năm trôi qua, song vai trò của quần chúng nhân dân với sức mạnh nổi dậy trong những ngày giành, giữ chính quyền và những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thì không thể phủ nhận. Quần chúng nhân dân đã được tuyên truyền, giác ngộ, giáo dục, vận động từ rất sớm, được các tổ chức cơ sở đảng xây dựng, chuẩn bị lực lượng, phương thức hoạt động và hình thức đấu tranh sẵn sàng phối hợp với các lực lượng quân sự khi thời cơ đến. Do vậy, khi thời cơ giành chính quyền đến, quần chúng nhân dân đã tham gia với khí thế, tinh thần cách mạng sục sôi và niềm tin tất thắng chưa bao giờ có, tham gia dưới nhiều hình thức khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Trong đó, các phong trào hành động của quần chúng đã thực sự trở thành “mũi tiến công chiến lược, lợi hại”, có tác dụng quan trọng, góp phần giành thắng lợi một cách nhanh gọn, triệt để và trọn vẹn.

       Sức mạnh quần chúng nhân dân Bình Thuận trong những ngày này là một sự thật lịch sử, là một trong số những nguyên nhân trực tiếp góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của Bình Thuận. Đồng thời, những bài học rút ta từ việc phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong thời gian này cũng đã, đang và sẽ tiếp tục để lại những kinh nghiệm quý cho Đảng bộ, nhân dân Bình Thuận thực hiện tốt hơn công tác vận động quần chúng trong điều kiện mới.

Trích dẫn và tài liệu tham khảo:

(1). Đảng Cộng sản Việt Nam, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Thuận, tập I (1930-1954), Xí nghiệp in Bình Thuận, 1994, tr.85-86.

(2). Tập tài liệu giai đoạn 1930-1945, Bản hệ thống tài liệu lịch sử Bình Thuận từ năm 1939 đến 1946 (lưu tại phòng Lịch sử Đảng-Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận), tr.55-56.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT