Một số kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

       Ngày 27/12/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2821/QĐ-UBND, phê duyệt Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm tỉnh giai đoạn 2011-2015. Qua 05 năm, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện, đạt được những kết quả khá tích cực. 

       Tại Bình Thuận, công tác đào nghề được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức, số lượng lao động được đào tạo tăng khá nhanh. Trong 05 năm, số lượng học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh đã theo học và tốt nghiệp ra trường là 137.705 người; trong đó, trên đại học là 116 người, đại học là 16.101 người, cao đẳng là 8.238 người, trung cấp là 7.114 người, sơ cấp là 6.489 người, đào tạo ngắn hạn là 99.647 người.

       Việc dạy nghề được thực hiện với các hình thức khá phong phú như: đào tạo nghề tại cơ sở đào tạo; đào tạo lưu động tại các thôn, xã, hợp tác xã, doanh nghiệp,… hoặc liên kết đào tạo với cơ sở đào tạo khác. Bước đầu có một số cơ sở dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề cho lao động đã gắn được với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm giảm bớt chi phí và thời gian đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề có việc làm. Từ năm 2011 đến nay toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 50.000 lao động nông thôn; qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo bằng các hình thức từ 34,13% năm 2011 tăng lên 55% năm 2015.

       Kinh phí phục vụ hoạt động đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, ngân sách nhà nước đã bố trí cho công tác đào tạo nghề hơn 116 tỷ đồng (trong đó Trung ương hỗ trợ 65,8 tỷ đồng), chủ yếu để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề gần 40 tỷ đồng.

       Công tác “xã hội hóa” dạy nghề theo hướng khuyến khich các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sơ dạy nghề; việc tham gia dạy nghề được các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sơ dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo duc, các doanh nghiệp coi trọng hơn. Số lượng cơ sở dạy nghề tăng khá, từ 20 cơ sở năm 2011 tăng lên 26 cơ sở dạy nghề năm 2015. Các cơ sở dạy nghề công lập đã tập trung đào tạo các nghề như: điện cơ, điện dân dụng, sửa chữa thiết bị lạnh...Các cơ sở dạy nghề ngoài công lập tập trung đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề như: lái xe ô tô, may công nghiệp, sửa chữa lắp ráp máy vi tính, vận tải nông thôn, pha chế thức uống, kỹ thuật chế biến món ăn;…

       Trong 5 năm, toàn tỉnh đã giải quyết được việc làm cho 120.000 lao động, tăng 3,5% so với cùng kỳ giai đoạn 2006 - 2010. Việc cho vay vốn giải quyết việc làm đạt hiệu quả, các tổ chức tín dụng đã cho vay hơn 9.000 dự án với hơn 130 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 10.580 lao động.

       Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có nhiều cố gắng, đã giải quyết, tạo điều kiện cho 221 lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Công tác tư vấn giới thiệu việc làm có nhiều chuyển biến tích cực, các trung tâm dịch vụ việc làm, trung tâm dạy nghề đã phối hợp tốt với các xã, phường, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng lao động, tổ chức 36 phiên Chợ việc làm với trên 126 doanh nghiệp tham gia, đã tuyển dụng và giải quyết việc làm cho hơn 1.430 lao động; thông qua tư vấn việc làm cho hơn 70.900 lượt lao động, đã giới thiệu cho 18.561 lao động tìm được việc làm; giới thiệu cho 374 lao động được đào tạo học nghề. Ngoài ra còn giới thiệu, cung ứng hơn 20.000 lao động làm việc ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh...

       Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng còn những hạn chế, khó khăn nhất định, đó là: Quy mô, cơ cấu, trình độ, ngành nghề đào tạo còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động. Xã hội hóa công tác đào tạo nghề tuy có chuyển biến nhưng chưa mạnh, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề và giải quyết việc làm tuy có chú ý triển khai nhưng kết quả đạt được còn thấp.

       Công tác đào tạo nghề chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp nên kết quả giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động sau đào tạo chưa cao; công tác xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhiều khó khăn, chưa đạt yêu cầu đề ra, tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài bỏ trốn, ở lại cư trú bất hợp pháp khi hết hợp đồng lao động vẫn còn xảy ra; công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề chưa thực sự sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn.

       Để phát huy những thành quả đã đạt được và thực hiện tốt “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” của Ủy ban nhân dân tỉnh, thì cần phải có những giải pháp cụ thể như: Tiếp tục quán triệt và thực hiện Kết luận số 93-KL/TU, ngày 06/9/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI) về đạo tạo nghề và giải quyết việc làm, tạo sự chuyển biến thật sự về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp về thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn.

       Tổ chức rà soát lại các nghề đào tạo cho lao động nông thôn, bảo đảm các nghề phải phù hợp nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tư vấn cho người lao động nông thôn, phân luồng đối tượng, tuổi đời, trình độ học vấn trong việc lựa chọn nghề học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề.

       Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đạo tạo nghề cho lao động nông thôn; về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề. Quảng bá những mô hình hay, những gương điển hình sau khi học nghề xong để nhân rộng học tập./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT