Bình Thuận với việc lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên các địa bàn khu phố, thôn (bản)

       Được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 16/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) “về việc lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua trên các địa bàn khu phố, thôn, (bản)”, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức quán triệt, phổ biến đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, đơn vị.

       Đi đôi với việc xây dựng các văn bản chỉ đạo và triển khai thực hiện, việc tuyên truyền, phổ biến và cụ thể hóa triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 đã được tổ chức kịp thời, nghiêm túc, phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm bằng các hình thức như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: loa, đài, hệ thống trực quan (khẩu hiệu, panô, áp phích..), tin, bài, phóng sự, hình ảnh gắn tuyên truyền Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” với phong trào “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”.

       Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cấp ủy chi bộ, Ban Điều hành và Mặt trận, đoàn thể ở địa bàn dân cư đã gắn kết việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Giao thông nông thôn”… cùng tham gia thực hiện, nhất là vận động cán bộ và nhân dân tham gia thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với xã hội như: nộp thuế, thu ngân sách Nhà nước, ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “Quỹ vì người nghèo”, thực hiện chính sách an sinh xã hội, kế hoạch hóa gia đình, giảm hộ nghèo, duy trì chất lượng phổ cập giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, vận động góp công, góp của đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dụng giao thông nông thôn, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng tinh thần đoàn kết trong khu dân cư, quy chế dân chủ cơ sở, dân vận chính quyền… hầu hết các nhiệm vụ giao cho thôn, khu phố cuối năm đều hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

       Với các nội dung 4 không (Không có người mắc tệ nạn ma túy, cờ bạc, số đề, trộm cắp; Không có người phạm pháp hình sự; Không có người tham gia khiếu nại đông người; Không có người vi phạm trật tự an toàn giao thông) đã được các khu phố, thôn (bản) quan tâm nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm được phát động trong toàn dân, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc” được duy trì, củng cố, qua đó các loại tội phạm về ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình bị phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đến nay, có 80/96 xã đạt tiêu chí về an ninh trật tự - xã hội; nhiều khu dân cư đạt và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, khu phố văn hóa nhiều năm liền và từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, trong đó nổi bật nhất là: thôn 4, xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh; thôn Xuân Phong, xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết; thôn Hiệp Nghĩa, xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam; Thôn Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý; thôn 6, xã Đức Tín, huyện Đức Linh...

       Phong trào thi đua “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới” thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong điều kiện ngân sách Trung ương và địa phương khó khăn, nhưng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, 3 năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp 1.591.678 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, làm đường giao thông nông thôn, qua đó đã nâng cấp, sửa chữa, làm mới 2.167 km đường giao thông nông thôn, thi công và sửa chữa 10 cây cầu với tổng chiều dài 650 m, duy tu, nạo vét, 2.280 tuyến kênh mương nội đồng với tổng chiều dài 1.985,6 km để phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhân dân.

       Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, công tác “Dân vận khéo”. Số hộ đạt gia đình văn hóa tăng hàng năm, từ 227.478/268.230 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa năm 2011 (84,8% so với tổng số hộ) đến cuối năm 2015 có 261.990/289.589 hộ đạt danh hiệu (tỷ lệ 90,5 %), tăng 5,7% với 34.512 hộ. Trong đó, số gia đình văn hóa vùng đồng bằng đạt tỷ lệ 91,4%; vùng miền núi đạt tỷ lệ 90%. Trong phong phong trào thi đua quan trọng này đã có rất nhiều khu phố, thôn (bản) trong toàn tỉnh hăng hái hưởng ứng, hăng hái thi đua, nổi bật nhất là: thôn 4, xã Nghị Đức, huyện Tánh Linh; khu phố 4, phường Xuân An, thành phố Phan Thiết; thôn Bình An, xã Hàm Chính; khu phố Lâm Hòa, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc; thôn 4, xã Tân Hà; thôn 5, xã Nam Chính; thôn 8, xã Mê Pu, huyện Đức Linh; thôn Hội An, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý; thôn Minh Thành, xã Hàm Minh; thôn Thạnh Mỹ, xã Tân Thành; thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm huyện Hàm Thuận Nam.

       Trong 03 năm qua, nhiều công trình, phần việc đã được các cấp, các ngành đăng ký tham gia thực hiện đạt hiệu quả, trong đó nổi bật trong năm 2015 đăng ký tham gia thực hiện đạt kết quả tốt với 136 công trình và phần việc đã góp phần thực hiện thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIII. Các công trình chỉnh trang bộ mặt nông thôn, một tuyến đường nông thôn xanh - sạch - đẹp được hưởng ứng tích cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Phong trào 3 giảm trên lĩnh vực an toàn giao thông, tệ nạn xã hội và phạm pháp hình sự được chú trọng giữ gìn và phát huy. Thi đua thực hiện các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu ngân sách, giảm nghèo, giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ sinh, tăng tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, công tác an ninh, trật tự xã hội, giảm tai nạn giao thông, giảm các tệ nạn xã hội, công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa - thông tin, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm phát triển đã góp phần thay đổi bộ mặt của mỗi khu phố, thôn trên địa bàn toàn tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương. 

       Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở trong chỉ đạo chưa chú ý đúng mức đến việc kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời biểu dương các gương điển hình thực hiện phong trào thi đua ở khu phố, thôn (bản). Quá trình thực hiện có cấp ủy, có cụm thi đua còn lúng túng, bị động; một số thành viên trong hệ thống chính trị ở các cấp chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Sự gắn kết, phối hợp chỉ đạo thực hiện giữa Mặt trận và các đoàn thể ở một số địa phương chưa chặt chẽ và chưa đổi mới về hình thức; Việc thực hiện phong trào thi đua ở khu vực bãi ngang ven biển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đông dân di cư có điều kiện sống khó khăn kết quả đạt còn hạn chế; tệ nạn ma túy, phạm pháp hình sự ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, phương pháp tổ chức phát động hưởng ứng các nội dung thi đua, chế độ thông tin, báo cáo nhiều nơi chưa thực hiện nghiêm túc, còn chậm và thiếu kịp thời.

       Trong thời gian tới, cần phải thực hiện các công việc sau: Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 34 gắn triển khai thực Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2916 của Bộ Chính trị “về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung 4 (khóa XII). Đồng thời, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; Củng cố, phát huy vai trò của các cấp tham gia hướng dẫn phong trào thi đua và trách nhiệm của từng cấp ủy xã, phường, thị trấn, khu phố, thôn (bản) trong lãnh chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào thi đua trên từng địa bàn.

       Từng cụm, từng xã, thị trấn, từng khu phố, thôn (bản) bám sát yêu cầu nhiệm vụ để đề ra nội dung công việc, giải pháp thật cụ thể, sát hợp và thực hiện với tinh thần quyết tâm nhất, đạt hiệu quả cao nhất. Tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

       Tập trung lãnh đạo và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước ở các ngành, các cấp một cách sâu rộng, đồng bộ, thường xuyên, liên tục và cụ thể với phương châm “Thi đua phải toàn diện, sâu sát, cụ thể, chuyển mạnh về cơ sở”; từng đơn vị, địa phương chọn và đăng ký triển khai thực hiện một công trình hoặc việc làm cụ thể có ý nghĩa, mang lại hiệu quả thiết thực.

       Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường mạnh mẽ hơn nữa đối với nhiệm vụ quan trọng này, mở rộng chuyên trang, chuyên mục đẩy mạnh tuyên truyền những thành quả của các phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống, xã hội và biểu dương, nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt../.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT