Kỷ niệm 44 năm Hiệp định Paris:Hiệp định Paris - Đỉnh cao thắng lợi trên mặt trận chính trị, tư tưởng, ngoại giao của Đảng

       Cách đây đúng 44 năm, ngày 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Đây một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Trong đó, đỉnh cao là thắng lợi trên mặt trận chính trị, tư tưởng, ngoại giao của Đảng.  

       1. Âm mưu, thủ đoạn của Mỹ  sau Tết Mậu Thân năm 1968

       Từ sau Tết Mậu Thân (năm 1968), Ních-xơn lên cầm quyền, chính vào lúc đế quốc Mỹ đang gặp những khó khăn lớn trên chiến trường, ở nước Mỹ và cả ở trên thế giới, chủ yếu là do những thất bại nặng nề và liên tiếp ở Việt Nam, Mỹ cảm thấy không thể đánh thắng Việt Nam bằng quân sự, nên đã tương kế, tựu kế một mặt chấp nhận xuống thang ngồi vào hội nghị Paris bàn chấm dứt chiến tranh, mặt khác phải thay đổi chiến lược, đề ra “Học thuyết Ních-xơn”- Ở Việt Nam chính là “Việt Nam hoá chiến tranh”.

       Thủ đoạn về tư tưởng trong “Học thuyết Ních-xơn” rất nguy hiểm vì gây ra một tâm lý sai lầm trong nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ cũng như đối với một số người trong nhân dân ta là Mỹ “tìm kiếm hoà bình”, người Việt Nam đối xử với người Việt Nam. Ních-xơn đã thay đổi chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam, coi chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” là thí điểm và là một biện pháp quan trọng thực hiện “học thuyết” mang tên mình. Sự nguy hiểm đó được thể hiện rõ: “Âm mưu lâu dài của đế quốc Mỹ và tay sai là tìm mọi cách xoá bỏ sự tồn tại của chính quyền và quân đội cách mạng để chúng độc chiếm miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành một nước riêng với một chế độ chính trị “quốc gia” thân Mỹ, một nền kinh tế và văn hoá chịu sự chi phối của Mỹ. Đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục duy trì một sự cam kết nhất định về quân sự và tiếp tục giúp đỡ nguỵ quyền Sài Gòn để cho bọn tay sai đủ sức đứng vững và đối phó với miền Bắc, đồng thời bảo đảm cho Mỹ bám trụ lâu dài ở miền Nam, mà tránh được nguy cơ phải dính líu trực tiếp vào một cuộc chiến tranh mới ở Việt Nam” [1, tr.147].

       Mục đích của học thuyết này vẫn nhằm duy trì vai trò bá chủ, vai trò sen đầm quốc tế của Mỹ, tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ trên thế giới. Sự thay đổi chỉ là ở phương pháp và thủ đoạn tiến hành. “Việt Nam hóa chiến tranh” là một ý đồ chiến lược hết sức thâm độc của đế quốc Mỹ nhằm kéo dài chiến tranh xâm lược, từng bước rút quân Mỹ mà chính quyền Sài Gòn vẫn mạnh lên, giành thế mạnh trong thế thua, tìm lối thoát khỏi bế tắc mà vẫn duy trì được chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam. Mỹ ra sức tung tin bịa đặt, dựng đứng những thất bại giả tạo một cách lố bịch về các mặt quân sự, chính trị của quân và dân ta ở miền Nam và miền Bắc. Ở miền Nam, tuyên truyền khoác lác rằng tình hình quân sự đã được cải thiện khả quan hơn; bịa ra thắng lợi của chính sách “xây dựng nông thôn” đã đẩy du kích và chủ lực Việt cộng ra khỏi nông thôn để xuyên tạc thế tổng tiến công và nổi dậy của Quân giải phóng. Mặc dù đã thất bại thảm hại, nhưng với bản chất phản động và xâm lược, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm; vẫn tích cực hoạt động chiến tranh tư tưởng, kích động tiếp tay cho các thế lực phản động khác gây ra cho chúng ta nhiều khó khăn, phức tạp. Tháng 4 năm 1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn hai lần trịnh trọng tuyên bố trước công chúng Mỹ và thế giới: “Nếu có một cuộc tiến công của cộng sản thì những tuyến phòng thủ của Việt Nam Cộng Hòa có thể chùng nhưng không đứt, và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu dũng cảm và tốt. Việt Nam hóa đã tỏ ra thành công. Chúng ta đã đi được một đoạn đường dài. Người Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) đã đạt được tiến bộ to lớn...” [2, tr.13].

       Thông tin do điệp báo chiến lược của ta lấy được trong “Mục tiêu kế hoạch chiến lược năm 1974” của chính quyền Sài Gòn thể hiện rõ âm mưu thâm độc của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là: duy trì “thế cân bằng lực lượng” bằng cách hòa hoãn với Liên Xô, Trung Quốc để thực hiện Học thuyết Ních-xơn về “Việt Nam hóa chiến tranh” trong điều kiện có Hiệp định. Thực hiện mưu đồ đó, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh thực hiện chiến dịch “Tràn ngập lãnh thổ”, hòng “lấn đất, chiếm dân”, lập ranh giới chiếm đóng mới trước thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực; tạo thế giằng co buộc Mỹ phải tham chiến trở lại. Về ngoại giao, tiếp tục giữ lập trường xâm lược ngoan cố và tung ra những đề nghị bịp bợm về hòa bình, ngưng bắn,... để xoa dịu và lừa bịp dư luận… Những tin tức giá trị đó, kết hợp với kết quả hoạt động nắm địch trên chiến trường đã làm cơ sở vững chắc cho Đảng ta hoạch định chủ trương chỉ đạo chiến lược cách mạng.

        2. Chủ trương chỉ đạo của Đảng đấu tranh trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, ngoại giao

       Sau Tết Mậu Thân, Mỹ tích cực thực hiện chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”, cũng là thời gian bắt đầu hội nghị bốn bên tại Paris, chúng ta bước vào giai đoạn đấu tranh mới với một tình hình khá phức tạp. Trước tình hình đó, ngày 10 tháng 5 năm 1969, Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra chủ trương: “Đánh bại âm mưu kết thúc chiến tranh trên thế mạnh và chủ trương “phi Mỹ hoá” chiến tranh của chúng, đánh cho Mỹ phải rút quân, đánh cho ngụy phải suy sụp và ta giành được thắng lợi quyết định, tạo điều kiện cơ bản để thực hiện một miền Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà. Ra sức tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, chủ trương, chính sách của Đảng, chống tự do tuỳ tiện” [3, tr.350].

       Thời gian này, cuộc đấu tranh ngoại giao giữa ta và Mỹ ở Paris đang căng thẳng. Mỹ rất ngoan cố và đang dùng nhiều thủ đoạn để ép ta điều này rồi điều khác, đồng thời ra sức lừa bịp dư luận. Khả năng xấu đang tăng lên. Những biểu hiện lơ là cảnh giác, lộ bí mật, ảo tưởng và lừng chừng chờ đợi hoà bình, bàn tán linh tinh đều là sai lầm và có hại. Tháng 3 năm 1969, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục (mở rộng) lần thứ sáu, quyết tâm: “Tấn công địch trên lĩnh vực chính trị tư tưởng một cách liên tục, kiên quyết và có hệ thống, kịp thời vạch trần mọi tội ác, mọi thủ đoạn tàn bạo và âm mưu lừa mị của địch, ra sức khoét sâu nhược điểm và những mâu thuẫn rối ren trong nội bộ chúng, làm cho quần chúng căm thù địch một cách sâu sắc, thêm quyết tâm đánh đổ chúng và kiên quyết giành chánh quyền về mình [4, tr.634].       

       Tiếp đó, tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu quân dân miền Nam họp và thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Đây là một thắng lợi quan trọng về chính trị và đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao. Thực hiện nhiệm vụ của Bộ Chính trị, ngoại giao đã vận dụng diễn đàn Hội nghị bốn bên lên án Mỹ kéo dài chiến tranh, rút quân nhỏ giọt, tranh thủ dư luận, không cho Mỹ dùng việc rút dần quân để chuyển sức ép về phía chính quyền cách mạng; đánh vào chỗ yếu là Mỹ không định được thời hạn rút hết quân; dư luận ở Mỹ và trên thế giới đều đòi phía Mỹ đáp ứng để sớm có hòa bình. Trong nước, Đảng chỉ đạo công tác tư tưởng triển khai dưới nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, mang lại hiệu quả cao; đã huy động được sự tham gia tích cực của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nòng cốt là các binh chủng và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, tạo ra một mặt trận tư tưởng sâu rộng, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của các tổ chức và cấp ủy Đảng. Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Ban Tuyên huấn các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập với chức năng tham mưu về công tác tư tưởng và làm nhiệm vụ như một bộ máy chuyên trách kiểm tra, đôn đốc, thực hiện các mặt công tác tuyên huấn và khoa giáo. Các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, trường đào tạo cán bộ được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động, phục vụ quân và dân ta. Công tác tư tưởng đã cổ vũ quân và dân ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả 3 vùng chiến lược, góp phần thực hiện 3 mũi giáp công, khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng, thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin, khơi dậy ý chí bền gan tranh đấu ngay trong lòng địch của quân và dân ta.

       Tháng 1 năm 1970, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 18, điểm lại tình hình từ tết Mậu Thân, đề ra phương hướng, giải pháp đưa cuộc kháng chiến tiến lên. Tăng cường chỉ đạo đấu tranh chính trị nhằm vạch trần các thủ đoạn xảo quyệt của địch, đánh bại các thủ đoạn chiến tranh tư tưởng. Hội nghị khẳng định: “Phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phát động quần chúng ở nông thôn với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, phát triển phong trào đấu tranh chính trị tiến tới khởi nghĩa vũ trang; đồng thời phải tăng cường giáo dục chính trị cho quần chúng, tăng cường chỉ đạo đấu tranh chính trị nhằm vạch trần các thủ đoạn xảo quyệt của địch, đánh bại các thủ đoạn chiến tranh tư tưởng, các thủ đoạn “chiêu hồi, chiêu hàng”, các âm mưu dồn dân, bắt lính của địch” [5, tr.82-83]. Đúng như dự đoán của Đảng, tháng 4 năm 1970, Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở rộng chiến tranh sang Campuchia và Lào nhằm chặt đứt hành lang tiếp vận của ta từ Bắc vào Nam qua Trung và Hạ Lào; đánh bật lực lượng ta ra khỏi bàn đạp chiến lược Campuchia cô lập cách mạng miền Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở cả ba nước trên bán đảo Đông Dương. Căn cứ các nghị quyết của Đảng, công tác tư tưởng đã giải thích rõ trong Đảng, trong nhân dân và các lực lượng vũ trang về quan điểm Đông Dương là một chiến trường, chỉ rõ âm mưu mới của Mỹ, giáo dục nâng cao tinh thần quốc tế vô sản, sát cánh với nhân dân Lào và Campuchia chống đế quốc chi phối toàn bộ cục diện chiến trường Đông Dương, quân dân miền Nam phải đánh bại kế hoạch bình định của địch và chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

       Sang năm 1971, Mỹ một mặt phải tiếp tục rút quân viễn chinh Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, mặt khác tiếp tục kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh bằng cách cố bình định nông thôn với nhiều thủ đoạn xảo quyệt, nhất là đánh phá hạ tầng cơ sở ta. Trước tình hình đó, ngày 30 tháng 12 năm 1971, Nghị quyết Hội nghị Thường vụ Khu ủy V (mở rộng) đưa ra chủ trương: “Trước mắt cần đẩy mạnh tấn công chính trị làm tan rã tư tưởng quân ngụy, phá rã về căn bản phụ quân, phá rã mạnh địa phương quân, phát động quần chúng đấu tranh bằng bạo lực chống bắt lính, phát động phong trào phản chiến, binh biến, khởi nghĩa đều khắp, phát triển mạnh cơ sở trong hàng ngũ địch, đẩy mạnh vận động người nhà binh sĩ, sử dụng được số đông người nhà binh sĩ làm lực lượng xung kích đấu tranh chính trị và binh vận, phát động phong trào người nhà binh sĩ đi tìm và giành chồng, con, em về. Hết sức chú trọng vận động binh lính trong bộ binh và các binh chủng đồng thời chú trọng hơn nữa công tác vận động sĩ quan. Khi có ngừng bắn cần phát động cho được cao trào đấu tranh trong quân ngụy vận động binh sĩ ngụy trả súng trở về với nhân dân” [6, tr.608-609].

       Năm 1972 là năm hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, đầu năm 1972, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 20 “về tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ cần kíp của chúng ta”, đề ra chủ trương: “Đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và binh vận, phát triển thế tiến công chiến lược mới trên toàn chiến trường miền Nam là chiến trường chính... Đánh bại chính sách “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ, đánh bại “học thuyết Ních-xơn”, tạo ra một chuyển biến căn bản làm thay đổi cục diện chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và trên cả bán đảo Đông Dương, giành thắng lợi to lớn, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh trên thế thua bằng một giải pháp chính trị có lợi cho ta mà chúng phải và có thể chấp nhận được” [7, tr.144-145]. Đón trước thời điểm chính trị của nước Mỹ năm 1972, từ tháng 5/1971 Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nhắc nhở “phải đề phòng Mỹ tăng cường hành động quân sự. Tuyệt đối không được lơ là mất cảnh giác”. Các hoạt động tư tưởng đã lên án mạnh mẽ và tố cáo trước dư luận thế giới và nhân dân Mỹ những thủ đoạn tàn bạo của Ních-xơn.

       Thời gian này, Đảng mở mặt trận ngoại giao, thông tin, tuyên truyền ngay trong lòng nước Mỹ và các nước phương Tây lúc đó. Thúc đẩy phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ, gọi tắt là Ủy ban Việt - Mỹ. Ủy ban đã làm đầu mối quan hệ với tất cả các tổ chức và cá nhân của phong trào phản chiến ở Mỹ. Phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ thực sự là một phong trào nhân dân chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, làm rung động nước Mỹ. Báo chí Mỹ gọi đó là “Cuộc chiến tranh ở trong lòng nước Mỹ”. Phong trào tập hợp nhiều tầng lớp thanh niên, sinh viên, phụ nữ, công nhân, trí thức, nhà báo, chức sắc tôn giáo… với các hình thức đấu tranh phong phú. Nhiều thanh niên Mỹ đã đốt thẻ quân dịch, trốn quân dịch, bỏ ra nước ngoài để không phải đi lính, đòi bãi bỏ chế độ quân dịch… Đặc biệt, nhiều vụ tự thiêu của người dân Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam: ông Norman Morrison tự thiêu trước Bộ Quốc phòng Mỹ, ông Roger Allen LaPorte tự thiêu trước trụ sở Liên Hiệp Quốc, bà Alice Herz tự thiêu ở thành phố Detroit… đã dấy lên hồi chuông thức tỉnh nhân loại tiến bộ thế giới, đánh mạnh vào chính sách xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Phong trào sôi động quyết liệt đến mức tất cả báo chí phe tả cũng như phe hữu đều đồng loạt thừa nhận: “Đây là một phong trào chống chiến tranh không những chưa từng có ở Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại” [8, tr.347].

       Có thể nói, Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận chính trị, tư tưởng, ngoại giao Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, như lời của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: “Cuộc chiến đấu không dùng súng đạn mà bằng đấu trí, đấu lý, nhưng cũng vô cùng khó khăn, nhất là những cuộc đàm phán bí mật. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực, đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta”. Thắng lợi đó, trước hết bắt nguồn từ thắng lợi của cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng với những nỗ lực phi thường, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của quân và dân trên các chiến trường, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, phải xuống thang và cuối cùng phải ký Hiệp định Paris, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta vào mùa Xuân 1975.

       Tài liệu tham khảo

       1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, (1973), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       2. Phạm Thành (1980), Nói chuyện chiến tranh tâm lý, Nxb Lao Động, Hà Nội.

       3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 30, (1969), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, (1973), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, (1970), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, (1971), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33, (1972), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

       8. Bộ Ngoại giao (2004), Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Pari, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT