Tánh Linh tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS

        Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TU, ngày 03/3/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Huyện ủy Tánh Linh đã ban hành Chương trình hành động số 11-NQ/HU, ngày 22/05/2006 để triển khai thực hiện; Ủy ban nhân dân huyện xây dựng kế hoạch, đồng thời, chỉ đạo phòng Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa huyện, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành liên quan triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn huyện. 

       Công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt được chú trọng triển khai thực hiện, toàn huyện đã mở 49 lớp quán triệt lồng ghép với 2.110 cán bộ, đảng viên tham gia học tập, trong đó cấp huyện tổ chức mở 01 lớp quán triệt, triển khai cho 120 đồng chí cán bộ chủ chốt; cấp uỷ chi, đảng bộ tổ chức quán triệt 48 buổi sinh hoạt lồng ghép của chi, đảng bộ mình, với 1.990 người tham gia học tập. Tỷ lệ đảng viên tham gia học tập là 1.115/1162 đồng chí, đạt 95.96%.

       Hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện dưới nhiều hình thức, đa dạng, phong phú về nội dung, kết quả đã nâng cao được hiểu biết của nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là cung cấp thông tin cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao cụ thể như: tuyên truyền trên Đài Truyền thanh - tiếp phát Truyền hình huyện, loa phát thanh xã, thị trấn 4.540 lượt; truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi cho đối tượng nguy cơ cao cho 80 lượt người nghiện chích ma túy; 60 lượt người bán dâm; 75 người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS; 62 người là thành viên các gia đình có người nhiễm HIV/AIDS; 792 lượt người thuộc nhóm di biến động; 1.337  lượt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; 857 lượt đối tượng khác. Cung cấp tài liệu tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS gồm: 650 tờ rơi, tranh gấp, 284  áp phích, 701 sách mỏng, sách nhỏ, 390 tài liệu khác cho tất cả các xã, thị trấn trong huyện.

       Hệ thống tổ chức HIV/AIDS trên địa bàn huyện gồm: Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS của huyện, 14 Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS các xã, thị trấn, 01 phòng tư vấn và điều trị HIV/AIDS đặt tại Trung tâm Y tế huyện, 02 phòng xét nghiệm HIV (Trung tâm Y tế 01, Bệnh viện Đa khoa huyện 01); hiện nay, toàn huyện có 01 bác sĩ tư vấn - điều trị, 3 kỹ thuật viên xét nghiệm HIV có 14 cán bộ chuyên trách và 38 cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS.

       Chương trình can thiệp giảm tác hại bao gồm: Chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch, chương trình cung cấp bao cao su và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế. Trong giai đoạn 2006 - 2016 , đã cấp phát hơn 10.000 bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn huyện.

       Chương trình chăm sóc và điều trị tại Trung tâm y tế huyện có phòng khám ngoại trú chuyên tư vấn và điều trị nhiễm HIV. Tổng số bệnh nhân HIV/AIDS đang được quản lý là 75 trường hợp, trong đó điều trị tại Trung tâm Y tế huyện là 07 người, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh là 11 người.

        Chương trình theo dõi, đánh giá: hệ thống giám sát HIV/AIDS, theo dõi đánh giá chương trình ngày càng được củng cố, công tác giám sát dịch được chấn chỉnh thường xuyên. Thực hiện Thông tư 09/2012/TT-BYT ngày 24 /5/2012 về hướng dẫn giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục được triển khai góp phần tăng cường công tác giám sát dịch HIV/AIDS và nâng cao chất lượng của số liệu nhằm giúp cho đánh giá tình hình dịch của địa phương.

       Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: thường xuyên, triển khai chương trình đến các xã, thị trấn; thực hiện công tác tư vấn và xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai đến khám và quản lý thai, phát hiện và điều trị ARV sớm cho phụ nữ mang thai, đã mang lại hiệu quả làm giảm trẻ em bị nhiễm HIV được sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV; qua xét nghiệm sàng lọc HIV cho 630 phụ nữ mang thai, đã phát hiện 04 phụ nữ mang thai nhiễm HIV.Có 100% trẻ em được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

       Chương trình quản lý và điều trị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục: theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới, khi mắc các nhiễm khuẩn qua đường tình dục có khả năng làm tăng nguy cơ lây nhiễm lên 10 lần và có thể cao hơn trong một số bệnh. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đã tiến hành khám, điều trị cho tất cả các trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

        Chương trình dự phòng HIV trong an toàn truyền máu, luôn được quan tâm, đảm bảo 100% túi máu trước khi truyền đều được xét nghiệm sàng lọc HIV.

       Tuy nhiên, một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn có sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; hoạt động phối hợp chỉ đạo, thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống AIDS và ma tuý, mại dâm giữa các ngành chưa được thường xuyên, sâu rộng; đối tượng nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn ở mức cao và có chiều hướng gia tăng; một số người nhiễm HIV/AIDS do tuyến trên phản hồi về địa phương không tìm thấy địa chỉ do người nhiễm khai báo tên, tuổi và địa chỉ không trung thực; thường xuyên thay đổi nơi cư trú dẫn đến việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân ở cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn; kinh phí thực hiện chương trình chủ yếu từ chương trình mục tiêu quốc gia, sự hỗ trợ từ địa phương còn hạn chế vì vậy một số công tác không triển khai được...

        Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XI), Kế hoạch số 16-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 11-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy (khoá VI) đến từng chi bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

       Các xã, thị trấn tiếp tục triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; nâng cao hiểu biết của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; giảm số trường hợp nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, lây truyền qua đường tình dục; đảm bảo 80% người lớn nhiễm HIV/AIDS, 100% phụ nữ có thai nhiễm HIV/AIDS, 100 % trẻ em nhiễm HIV/AIDS hoặc bị ảnh hưởng do HIV/AIDS được quản lý, chăm sóc, tư vấn và điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV; ngăn chặn lây nhiễm HIV qua các dịch vụ y tế: bảo đảm 100% đơn vị máu được sàng lọc HIV trước khi truyền, các y tế cơ sở thực hiện đúng quy định về vô khuẩn, sát khuẩn phòng lây nhiễm HIV.

        Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm từ huyện đến cơ sở; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS; đa dạng hóa về nội dung, phương thức thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng.

        Tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động: dự phòng lây nhiễm HIV đối với nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV. Thực hiện lồng ghép điều trị HIV/AIDS với các chương trình khác; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy vai trò của cộng đồng xã hội cùng tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí, trang thiết bị của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT