Bình Thuận qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

       Ngày 30/11/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 54-CT/TW về “tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”; qua 10 năm thực hiện Chỉ thị, tỉnh ta đã đạt được một số kết quả: sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường; nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng rõ hơn về hiểm họa của đại dịch HIV/AIDS trong tình hình hiện nay. 

       Mạng lưới phòng chống HIV/AIDS- phòng, chống các tệ nạn xã hội của các cấp sớm được thành lập, thường xuyên củng cố, kiện toàn ở cả ba cấp (tỉnh; huyện, thị, thành phố và xã, phường, thị trấn); đồng thời các cấp, ngành, đoàn thể luôn có nhiều cố gắng, tích cực trong việc phối hợp thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư. Công tác giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được chú trọng thực hiện thường xuyên, từng bước đổi mới nội dung, hình thức kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp của tuyên truyền viên đồng đẳng, cộng tác viên phòng, chống HIV/AIDS, tập trung các lực lượng chức năng, tổ chức nhiều biện pháp nắm được các đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhằm giảm thiểu, phòng ngừa dịch HIV/AIDS. Định hướng tuyên truyền được thay đổi dần từ truyền thông đại chúng sang truyền thông trực tiếp mà trọng tâm là nhóm đối tương có hành vi nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm HIV như người nghiện ma tuý, gái mại dâm, tiếp viên cơ sở dịch vụ giải trí; thành viên gia đình người nghiện ma túy, nhiễm HIV, đi làm ăn xa, di dân biến động, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thanh thiếu niên...Được sự hỗ trợ về kinh phí của Dự án quốc tế nên chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV: truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, trao đổi bơm kim tiêm, phân phát bao cao su, quản lý, khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục tại các địa phương triển khai Dự án có kết quả rất tốt. Các cơ sở dịch vụ giải trí, nhà trọ, khách sạn cũng đã triển khai việc tiếp thị bao cao su để phòng, chống HIV/AIDS. Thành lập Tổ công tác liên ngành các cấp cho 10 huyện, thị, thành phố và 90 xã, phường trọng điểm gồm đại diện ngành Y tế, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và ngành Văn hóa; nhiệm vụ Tổ công tác liên ngành là tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Thành lập “Nhóm nòng cốt” tại các cụm dân cư gồm đại diện: Y tế, Văn hóa thông tin, Thanh niên, Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, các chức sắc tôn giáo, Trưởng Ban công tác Mặt trận và người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng; nhiệm vụ là thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở các cụm dân cư tham gia phong trào phòng chống HIV. Duy trì mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS ở tất cả huyện, thị xã, thành phố và 127/127 xã, phường, thị trấn đều có cán bộ chuyên trách và cộng tác viên. Số cán bộ phòng, chống HIV/AIDS hiện có ở các tuyến là 170 cán bộ chuyên trách, 260 cộng tác viên,  81 tuyên truyền viên đồng đẳng.

       Năm 2016, tổng số lượt bệnh nhân khám và điều trị tại trung tâm: 4.680 (nam: 3.482, nữ: 1.198); tích lũy bệnh nhân được điều trị bằng ARV: 629. Tất cả bệnh nhân HIV/AIDS đều được tiếp cận điều trị sớm, khám định kỳ, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội, dự phòng lao.

       Để công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đạt kết quả tốt hơn nữa, thời gian đến, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần phải được lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và lâu dài cùng với lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội; nhất thiết phải tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao nhận thức trong cán bộ Đảng viên và nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Xác định đây là đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm hoạ đối với sức khoẻ, tính mạng con người, tương lai nòi giống của gia đình, dân tộc, tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế của gia đình, địa phương.

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT