Bình Thuận với công tác quản lý nhà nước về hoạt động in, xuất bản và phát hành

      Trong năm 2016, Bình Thuận có 4 cơ sở in có chức năng in xuất bản phẩm, cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu về in ấn của các tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu in hóa đơn cung ứng dịch vụ hàng hóa của các tổ chức cá nhân trong tỉnh. 

       Tất cả các cơ sở in hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích và chức năng được cấp phép, phối hợp tốt với cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên việc hiện đại hoá công nghệ in, đào tạo tay nghề cho công nhân nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, giá thành thấp để phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương còn gặp nhiều khó khăn; các cơ sở in không phải xuất bản phẩm và cơ sở photocopy thực hiện đăng ký hoạt động chưa đầy đủ do thiếu người. Trong năm 2016, ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3910/KH-UBND ngày 21/10/2016 của UBND tỉnh Kế hoạch phát triển Xuất bản, In và Phát hành xuất bản phẩm tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

       Tổ chức triển lãm sách hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề “Sách - Nguồn tri thức nhân loại” tại Thư viện tỉnh được khai mạc từ ngày 21/4 đến hết ngày 23/4/2016 thành công tốt đẹp. Có khoảng 300 đại biểu và độc giả tham gia lễ khai mạc. Hơn 4.000 bản sách, báo, tài liệu của Sở Thông tin và Truỵên thông, Hội Văn học Nghệ thuật, Thư viện tỉnh và Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Bình Thuận được trưng bày phục vụ độc giả. Bao gồm nhiều thể loại khác nhau như: Sách cổ, sách Hán Nôm, địa chí, sách xuất bản qua các thời kỳ trước và sau năm 1975, sách tuyên truyền chủ quyền biển - đảo, Bác Hồ với Quốc hội, tài liệu tuyên tuyên nhiệm vụ chính trị của địa phương, sách lịch sử địa phương, các tác phẩm của văn nghệ sĩ địa phương đã được xuất bản, sách mới, sách ngoại văn, sách thiếu nhi... Trong thời gian diễn ra Ngày hội đọc Sách có nhiều hoạt động diễn ra như: Đố vui có thưởng, thi trắc nghiệm trên máy tính, cấp thẻ thư viện miễn phí, tặng 100 bản sách, tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi và bán sách giảm giá... thu hút hơn 2.000 lượt độc giả đến tham quan.

       Việc xuất bản các ấn phẩm không được xây dựng thành kế hoạch xuất bản hàng năm theo định kỳ mà chủ yếu là gắn với nhu cầu phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ, kỷ niệm của địa phương và cả nước, tài liệu lịch sử đảng bộ các địa phương, tài liệu tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất chăn nuôi... Năm 2016, tài liệu được cấp phép giảm 24 giấy phép so với năm 2015, phần lớn là tài liệu lưu hành nội bộ số lượng bản in không nhiều; một số ít có trao đổi, giao lưu với các tỉnh bạn trong khu vực và cả nước. Kinh phí hoạt động xuất bản ít và thiếu ổn định, chất lượng nội dung các xuất bản phẩm chưa cao, số lượng in ít và phạm vi phát hành chưa sâu rộng.

       Hiện nay, Bình Thuận có 6 nhà sách: Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Bình Thuận có 02 nhà sách Hưng Đạo và Nguyễn Du; Công ty cổ phần phát hành sách thành phố Hồ Chí Minh - FAHASA có 03 nhà sách Fahasa Phan Thiết tại siêu thị Co.op Mart, Fahasa Bình Thuận tại siêu thị Lotte Mart và Fahasa Lagi tại siêu thị Co.op Mart Lagi hoạt động kinh doanh hiệu quả. Riêng nhà sách Phương Nam hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra có khoảng 100 cơ sở kinh doanh sách giáo khoa, văn phòng phẩm. Nhìn chung, nguồn cung xuất bản phẩm và sách giáo khoa cho học sinh trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu.

       Nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân không cao. Việc tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miên núi, việc phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số... còn hạn chế.

       Nguồn kinh phí hoạt động xuất bản bị cắt giảm, số lượng in ít và phạm vi phát hành chưa sâu rộng. Chế độ chi trả nhuận bút thấp không thúc đẩy lĩnh vực xuất bản ở địa phương phát triển. Trong thời gian đến, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét, chỉnh sửa và ban hành quyết định mới cho phù hợp với hoạt động Xuất bản hiện nay.

       Thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về hoạt động in, xuất bản và phát hành ở Bình Thuận cần bám sát hơn nữa Luật Xuất bản, Nghị định 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản, Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ Quy định về hoạt động in, Chỉ thị sổ 42-CT/TỈV về “nâng cao chất ỉượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và các văn bản chỉ đạo điều hành của Tỉnh để thực hiện tốt chức năng tham mưu quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Động viên, khuyến khích các cơ quan liên quan hoạt động xuất bản phẩm quan tâm ưu tiên cho việc xuất bản, phát hành, vận chuyển xuất bản phẩm lên miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số và hoạt động thông tin đối ngoại và có chính sách giảm giá sách đối với một số đối tượng chính sách xã hội./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT