Phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

      Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 19 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư, đề nghị lắp đặt 1.142,5MW (công suất theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh là 655MW). Trong đó có 06 dự án đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất 236 MW; 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất 757 MW; 03 dự án đang khảo sát, nghiên cứu để lập Dự án đầu tư để trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất dự kiến 100MW.

       Thời gian qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên các dự án đều triển khai chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra. Các dự án triển khai chậm nguyên nhân còn do năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế, ngoài ra việc giải quyết các thủ tục đối với các dự án nằm trong vùng quy hoạch titan, quy hoạch dự trữ khoáng sản titan cũng ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án. Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư gặp phải một số khó khăn, thách thức như:

       Về thông tin: Thiếu những nguồn thông tin tin cậy về tiềm năng gió, các nhà đầu tư thường phải lắp đặt các cột đo gió riêng tại từng dự án; thiếu số liệu vận hành thực tế mang tính ổn định của các dự án đã hoàn thành.

       Về kinh tế và tài chính: Chi phí sản xuất, chi phí đầu tư cao do hầu hết các trang thiết bị điện gió đều phải nhập khẩu; chi phí vận hành bảo dưỡng cao do thị trường hậu mãi cho điện gió chưa phát triển; lãi suất cho vay trong nước quá cao, các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; Mặt khác, thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm, lành nghề trong lĩnh vực điện gió; thiếu những tiêu chuẩn, qui chuẩn kỹ thuật liên quan đến điện gió.

       Cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu cho vận chuyển và lắp đặt các thiết bị siêu trường, siêu trọng của dự án điện gió, đường giao thông, cảng biển, thiết bị nâng chuyển chuyên dùng ... Việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn do các hộ dân không đồng tình việc nhà đầu tư chỉ đền bù, giải tỏa, thu hồi đất ở khu vực diện tích sử dụng đất có thời hạn và yêu cầu đền bù toàn bộ khu đất.

       Trở ngại lớn nhất là giá mua điện gió hiện nay, giá bán điện gió theo quy định tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; trong đó giá mua điện gió là 7,8 US cent/kWh (được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD). Giá mua điện gió theo qui định hiện nay, dù đã được Chính phủ ưu tiên trợ giá nhưng vẫn còn thấp so với giá thành đầu tư, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các tổ chức tài chính tín dụng tham gia cho vay vốn để triển khai thực hiện dự án. Điều này, dẫn đến các nhà đầu tư điện gió thực hiện dự án cầm chừng, kéo dài tiến độ dự án để khi tiếp cận được nguồn vốn vay nhà đầu tư mới bắt đầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

       Đối với Bình Thuận, mặc dù đã tổ chức triển khai một số dự án và có sản lượng điện gió hòa lưới điện quốc gia, song đối với cả nước đây là lĩnh vực mới, là địa phương đi trước nên Bình Thuận còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại như: chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển điện gió chưa đủ mạnh, trong đó quan trọng nhất là giá bán điện cho ngành điện còn thấp. Do đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng giá bán điện gió còn thấp, do vậy các nhà đầu tư khó vay vốn các ngân hàng trong nước, lãi suất vay ngân hàng còn cao, các nhà đầu tư khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi cũng như chưa đủ sức thu hút các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước nên việc đàm phán, thu xếp nguồn vốn để thực hiện dự án gặp khó khăn, kéo dài.

       Nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư các dự án điện gió, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương xem xét, giải quyết về việc điều chỉnh tăng mức giá mua điện các dự án điện gió cho phù hợp để thúc đẩy đầu tư cũng như có những chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng bên ngoài, lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Hiện nay Bộ Công Thương đang phối hợp Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan xem xét điều chỉnh tăng giá mua điện gió, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết khó khăn nêu trên, đẩy mạnh việc đầu tư các dự án điện gió.

      Ngoài ra, việc chồng lấn giữa các khu vực Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh với vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan cũng ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện của các dự án điện gió. Cho đến nay, chỉ có dự án điện gió HD (xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết), điện gió Thiện Nghiệp (xã Thiện Nghiệp và phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết) được Tổng cục Địa chất Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản chấp thuận triển khai đầu tư trong vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan.

      Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án điện gió, thời gian tới tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan khác để điều chỉnh tăng mức giá mua điện các dự án điện gió cho phù hợp để thúc đẩy đầu tư cũng như có những chính sách định hướng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng bên ngoài, lãi suất thấp để đầu tư vào các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh.

      Đối với các dự án điện gió có nhu cầu sử dụng đất không đáng kể so với khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép các dự án được triển khai đầu tư trong khu vực dự trữ khoáng sản titan quốc gia và yêu cầu chủ dự án bảo vệ tài nguyên khoáng sản titan, không khai thác titan.

      Việc phát triển các dự án điện gió hiện nay tuy đang gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ là lựa chọn tất yếu trong thời gian tới. Với sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương, hu vọng các khó khăn, vướng mắc sẽ sớm được giải quyết, các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh sẽ được đẩy mạnh đầu tư phát triển đúng với tiềm năng và quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần cung ứng nguồn năng lượng sạch cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương và giảm thiểu ô nhiểm môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.


Các tin khác