TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH VỀ PHÒNG CHỐNG SUY THOÁI TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG, “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA” TRONG NỘI BỘ THEO NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XII)

       Sự suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức thực sự là vấn đề bức xúc đối với xã hội; ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất của Đảng, làm giảm lòng tin của nhân dân, tổn thương đến mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, hạ thấp sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng. Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó Đảng ta chỉ ra 3 nguyên nhân chủ yếu là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thiếu tiên phong, gương mẫu; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm, cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện và còn nhiều sơ hở; công tác cán bộ và quản lý cán bộ còn nhiều yếu kém, bất cập. 

       Mặt khác, do tác động mặt trái cơ chế thị trường; cơ chế chính sách chưa hoàn chỉnh, còn nhiều sơ hở, có cả nguyên nhân rất quan trọng là sự nhận thức lệch lạc trong tiếp thu giá trị đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và việc quan tâm bồi dưỡng đạo đức, lối sống trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên ở chi bộ. Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra 27 biểu hiện, để từng cán bộ, đảng viên liên hệ, tự soi mình, làm căn cứ để xử lý đối với những tập thể, cá nhân vi phạm.

       Để khắc phục tình trạng trên, phải thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Xây dựng Đảng về đạo đức gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30-3-2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống, nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Do đó, công tác giáo dục nâng cao đạo đức cách mạng và lối sống trong sạch cho cán bộ, đảng viên phải được các cấp uỷ Đảng quan tâm đúng mức, trở thành nhiệm vụ thường xuyên; phải gắn với nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và những yêu cầu, tiêu chuẩn của cán bộ mà Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước đã đề cập; gắn và đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục và xây dựng đạo đức lối sống lành mạnh với đấu tranh khắc phục các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; gắn kết với thực hiện Chuyên đề năm 2017; xử lý nghiêm minh và yêu cầu cán bộ, đảng viên phấn đấu sửa chữa khuyết điểm, sai lầm là một biện pháp tích cực giúp họ rèn luyện đạo đức, lối sống cách mạng; quan tâm giải quyết thoả đáng lợi ích vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên là một trong những điều không thể thiếu để giáo dục gìn giữ đạo đức cách mạng và lối sống trong sáng, lành mạnh cho cán bộ, đảng viên.

       Đạo đức và lối sống là nền tảng, là văn minh tinh thần, nguồn giá trị truyền thống quý báu nhất của một dân tộc; song nó lại gắn liền với nhân cách của từng con người cụ thể trước hết là cán bộ, đảng viên. Người ví việc che giấu khuyết điểm giống như "giấu giếm tật bệnh trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy cơ đến tính mạng", bởi vậy "thang thuốc hay nhất là tự phê bình và phê bình", trong đó phải phê bình mình trước rồi phê bình người sau, như người xưa dạy: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

       Người chỉ rõ phê bình là nhằm tăng cường sức mạnh đoàn kết của Đảng: "Muốn đoàn kết chặt chẽ phải thật thà tự phê bình, thành khẩn phê bình đồng chí và những người xung quanh, phê bình, tự phê bình để cùng nhau tiến bộ, để đi đến càng đoàn kết". Phê bình và tự phê bình phải được thực hiện một cách có văn hoá, thành khẩn, trung thực và xây dựng, là việc làm khó khăn, đau đớn nhưng phải làm. Khi được người khác phê bình phải tiếp thu với thái độ thực sự cầu thị, không tiếp nhận qua loa hoặc bao biện cho khuyết điểm của mình để rồi "chứng nào tật nấy”. Phê bình người khác phải thành khẩn, đúng mực, không "ít xuýt ra nhiều”có sao nói vậy. Phê bình có tính xây dựng, không lợi dụng phê bình để bới móc, nói xấu lẫn nhau, phê bình hồ đồ, vô trách nhiệm: "Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt". Phê bình không chỉ vạch ra khuyết điểm mà phải đưa ra biện pháp sửa chữa. Tuyệt đối tránh nghi kỵ, định kiến, cố chấp. Tự phê bình phải xuất phát từ tình đồng chí yêu thương lẫn nhau. Phê bình "là công việc chứ không phải là người", loại trừ thái độ thù hận, trả đũa hay mặc cảm, đố kỵ. Những thái độ "trông trước ngó sau" xem người khác nói gì rồi hùa theo, đón ý cấp trên để phê bình cho "trúng”... vẫn thường thấy ở các buổi sinh hoạt;  người vì sợ ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức, đến quyền lợi kinh tế; người thì sợ phê bình người khác, họ lại sẽ phanh phui những khuyết điểm của mình; một số "dĩ hoà vi quý"; người thì sợ trù dập nên nhẫn nhục, chịu đựng, an phận, thủ tiêu đấu tranh…Một số phần tử cơ hội khác lợi dụng phê bình để công kích những người mình không ưa, kéo bè, kéo cánh để "hạ bệ" nhau gây mất đoàn kết nội bộ. Tình trạng nể nang, né tránh, không dám nói thẳng, nói thật đang là căn bệnh của một số tổ chức Đảng, một số cấp uỷ và cán bộ chủ chốt chưa thực sự gương mẫu trong công tác và sinh hoạt. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức đảng, chi bộ, các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa được coi trọng. Cần nâng cao tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, phát huy dân chủ kiên quyết xử lý nghiêm những khuyết điểm, sai lầm của một số cán bộ, đảng viên; những biểu hiện thành kiến, trù dập người dám phê bình. Kỷ luật thích đáng đối với những người lợi dụng phê bình để đạt mục đích tư lợi, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để gây chia rẽ mất đoàn kết nội bộ, để phá hoại Đảng. Phê bình theo lối "vuốt ve", xu nịnh đối với cán bộ lãnh đạo... là biểu hiện sự thiếu văn hoá trong tự phê bình và phê bình.

       Vì vậy, quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình cần coi trọng công tác giáo dục nâng cao đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; cấp uỷ, chi bộ và đảng bộ cần phát huy sức mạnh tổng hợp góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý đảng viên, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là nội dung thiết thực thực hiện Chuyên đề năm 2017 “ "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh" .


Các tin khác