Theo đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về lâm nghiệp có chuyển biến tích cực; kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành và thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng tốt hơn trước. Đã hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020; tổ chức cắm mốc, phân rõ ranh giới lâm phận trên bản đồ và thực địa cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn. Công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, nhờ đó công tác quản lý bảo vệ rừng và chống lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép được tăng cường; huy động các nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có hiệu quả hơn; diện tích rừng và độ che phủ rừng tăng (tính cả cây công nghiệp và cây lâu năm hiện đạt trên 53%). Công tác khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng được duy trì, một bộ phận nhân dân có việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn một số hạn chế. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, nhất là rừng tự nhiên ở các khu vực giáp ranh giữa tỉnh ta với các tỉnh bạn vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; công tác phát triển rừng, trồng rừng thay thế và thực hiện xã hội hoá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều khó khăn, bấp cập.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa coi trọng sự phát triển bền vững; còn thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm. Tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách còn hạn chế; tình trạng buông lỏng quản lý, tiếp tay cho đối tượng vi phạm còn xảy ra. Đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, chưa thật sự khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân tham gia; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng còn chưa nghiêm, thiếu sức răn đe.
Từ thực tế đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 29/5/2017 thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ tỉnh tới cơ sở về lâm nghiệp; xây dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đạo đức nghề nghiệp đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng; đảm bảo phối hợp với Kiểm lâm địa bàn và chính quyền cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Thực hiện tốt Quy định về phân cấp, phân công trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Kịp thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Bảo vệ, phát triển rừng phải gắn mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, đồng bào dân tộc miền núi. Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.