VAI TRÒ VÀ MỤC ĐÍCH CỦA GIÁO DỤC THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

       Chủ tịch Hồ Chi Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một hệ thống những tư tưởng, quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam: trong đó, tư tưởng về giáo dục luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam. 

       Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem phát triển giáo dục, nâng cao dân trí xã hội là một triết lý, một tư tưởng, một ước vọng. Người nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

       Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng như quan niệm của Người về vai trò của giáo dục không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức sức khoẻ, thẩm mỹ...  khi nhìn nhận vai trò của giáo dục đối với sự hình thành nhân cách của con người. Hồ Chí Minh luôn coi giáo dục có vai trò quan trọng không chỉ đối với việc giáo dục tri thức, học vấn mà còn góp phần hình thành nên nhân cách, phẩm chất đạo đức của mỗi con người. Người nói: Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi.

       Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vừa là thành qủa của một quá trình tiếp thu, chắt lọc và phát triển tinh hoa văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại. Do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục luôn có sự thống nhất hữu cơ giũa lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện tại, vừa chứa đựng khát vọng về một tương lai. Mục đích cao cả của Hồ Chí Minh - mục đích mà Người nguyện suốt đời phấn đấu - là mong cho dân tộc, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Bởi, đối với Người: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Suốt đời, Bác Hồ luôn mong muốn xây dựng một xã hội mới về chất, cao hơn hẳn xã hội cũ, đó là - xã hội Xã hội chủ nghĩa và Cộng sản chủ nghĩa. Và để xây dụng chủ nghĩa xã hội, theo Người, “trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Tuy nhiên, con người xã hội chủ nghĩa theo Người, cần phải: “... có học thức. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày, học phải đi đôi với hành).

       Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa “hồngvừa “chuyên” trong thời đại mới. Và như vậy, “con người xã hội chủ nghĩa”, con người toàn diện, “nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”. Chủ tich Hồ Chí Minh đã viết: “Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và của Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”.

       Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc luyện “tài”, rèn “đức” cho tất cả đối tượng. Đối với trẻ em Bác căn dặn các giáo viên phải: giáo dục cho các cháu biết thế nào là đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất của trẻ con. Phải làm sao cho trẻ em có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải là khúm núm, đặt đâu ngồi đấy. Bác để lại thông điệp cho thế hệ trẻ một trong trách lớn nhưng cũng vinh dự, vẻ vang là: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

        Hồ Chí Minh xem học tập chính là để làm người tốt, việc tốt có ích cho nhân dân và dân tộc, vì vậy, “Nhiệm vụ của các cháu là thi đua học tốt để sau này góp phần vào việc mở mang quê hương của mình và việc xây dựng nước Việt Nam yêu quý của chúng ta”.

        Để tào tạo một con người có ích cho xã hội, theo Hồ Chí Minh cần phải giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục về tài và đức. Bởi, theo Người, có tài mà không có đức, ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người. Để giáo dục tốt cả đức lẫn tài Bác nhắc nhở giáo viên: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hoá, chuyên môn; đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… cho nên thầy giáo cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

       Đối với cán bộ, Hồ Chí Minh xem việc học tập là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”. Mục đích trọng tâm và xuyên suốt trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, là xây dựng con người mới. Nhưng do yêu cầu của mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giáo dục khác nhau cho phù hợp.

       Về phương pháp giáo dục. Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta một tác phẩm chuyên khảo, một hệ thống lý luận hoàn chỉnh nào về phương pháp giáo dục, nhưng qua những việc làm thiết thực như: những bài viết ngắn gọn, súc tích, những lời nói, quan điểm giáo dục của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực. Trong quá trình lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam nói chung cũng như các vấn đề liên quan đến giáo dục nói riêng, Người luôn xác định nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người sử dụng xuyên suốt trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên... trong suốt tiến trình của cuộc cách mạng.    

       Từ nhận thức sâu sắc về vai trò và mục đích của giáo dục, Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời mình để việc chăm lo, mở mang, xây dựng và phát triển một nền giáo dục mới, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa - một nền giáo dục mà mọi người đều được học, được tham gia, phát huy hết khả năng của mình, không phân biệt nam nữ, tuổi tác, giai cấp, dân tộc...

       Tiếp tục kế thừa và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp to lớn và cao cả đó của Người, trong những năm qua Đảng ta luôn quan tâm và chăm lo đến sự nghiệp giáo dục. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, khẳng đinh: “Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”; và đến Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương (khoá XI) đã xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành một xã hội học tập”, thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”.


Các tin khác