VAI TRÒ CỦA “TƯ LIỆU VẬT THỰC” TRONG NGHIÊN CỨU, BIÊN SOẠN LỊCH SỬ

       Tư liệu giữ một vị trí rất quan trọng trong nghiên cứu lịch sử nói chung và Lịch sử Đảng nói riêng. Tư liệu càng đầy đủ, chính xác, phong phú bao nhiêu thì giá trị của công trình càng lớn bấy nhiêu. Không đủ tư liệu hoặc tư liệu không chính xác, không thể có công trình nghiên cứu có giá trị khoa học. Trong nhiều nguồn tư liệu, nguồn tư liệu vật thực có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt giúp người nghiên cứu nhận thức các nguồn tư liệu (hay sử liệu), hiểu tư liệu, xác định địa điểm và thời gian tạo thành tư liệu (hay sự kiện) cũng như phê phán và đánh giá chúng. 

Nồi nhôm (tư liệu vật thực) tìm thấy ở Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bình Thuận trong kháng chiến chống Mỹ tại Sa-Lôn, Đông Giang, Hàm Thuận Bắc

 Vậy tư liệu vật thực là gì?

Tư liệu vật thực là mọi dấu vết vật chất liên quan trực tiếp với sự kiện, hiện tượng nào đó. Ví dụ: Đồ đồng nền văn hóa Đông Sơn cho đến các hiện vật ở bảo tàng quân đội, bảo tàng cách mạng đều được xếp vào loại tư liệu vật thực. Có thể khẳng định rằng: sở dĩ chúng ta có thể hình dung được trên những nét chính tình hình kinh tế xã hội, cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước thời Hùng Vương…, Đinh, Lê, Lý Trần, Nguyễn đến khi Đảng ta ra đời, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… thì điều đó, chủ yếu là do kết quả của những cuộc sưu tầm, khai quật đưa lại. Các công trình nghiên cứu từ cổ đại đến hiện đại cũng sử dụng rộng rãi nguồn tư liệu vật thực: Ví dụ: những đồ bộ đàn đá, đồ gốm, tượng… hiện đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, xác máy bay B52 ở Hà Nội… là tư liệu vật thực…

Tư liệu vật thực được khai thác và sử dụng trong tất cả các chuyên ngành của sử học, khi sử dụng tư liệu vật thực, người ta phải xác định tính xác thực của nó. Về nguyên tắc, tư liệu không xác định được niên đại và địa điểm tạo thành thì không thể sử dụng cho nghiên cứu sử học. Nghiên cứu tính xác thực tức là trả lời câu hỏi: tư liệu đã xuất hiện bao giờ và ở đâu?

1. Xác định niên đại của tư liệu

Tài liệu, tư liệu không xác định được niên đại thì không thể sử dụng trong nghiên cứu. Trong nghiên cứu, có những tư liệu được ghi hoặc không ghi niên đại. Dù trong trường hợp nào, nhiệm vụ là phải xác định niên đại thực của tư liệu.

- Trường hợp tư liệu có niên đại: về nguyên tắc người nghiên cứu vẫn phải kiểm tra và chứng minh tính xác thực của niên đại đó.

- Trường hợp tư liệu không ghi niên đại: tất nhiên phải xác định niên đại tư liệu, có hai khả năng sảy ra:

+ Xác định được niên đại tuyệt đối;

+ Xác định niên đại tương đối.

Niên đại tương đối kéo dài quá thì không có giá trị trong nghiên cứu lịch sử; tuyệt đối và tương đối có thể chuyển hóa cho nhau và được hiểu như thế nào là tùy thuộc vào đề tài.

Ví dụ: Nghiên cứu sự hình thành các hình thái kinh tế-xã hội thì khoảng thời gian một năm hoặc vài năm là niên đại tuyệt đối; nhưng nghiên cứu ngày sinh của một nhân vật nổi tiếng thì khoảng thời gian đó được xem là tương đối.

Nguyên tắc xác định niên đại tư liệu:  

a) Tìm niên đại bằng cách dựa vào các địa điểm hình thức và ngôn ngữ của tư liệu

Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử đều tạo ra những nhóm sử liệu riêng, phản ánh trình độ phát triển của thời đại đó, giai đoạn đó. Vì thế ta có thể dựa vào đặc tính phản ánh của tư liệu để xác định niên đại tạo thành của nó.

Thứ nhất: Dựa vào các đặc điểm hình thức như là giấy mực, hình trang trí, kiểu chữ, con dấu, bút lông hay bút kim loại…

Thứ hai: Dựa vào các đặc điểm ngôn ngữ chữ viết (từ vựng, ngữ pháp, ẩn ngữ, thể loại văn phong, tên đất, tên chức vụ, tên đơn vị hành chính, tên đơn vị đo lường…).

Ví dụ: Khi nghiên cứu các văn bản hán nôm, các nhà sử học đều dựa vào kiểu chữ và tục kỵ húy để xác định không chỉ niên đại mà cả địa danh tạo ra văn bản. Từ Lý-Trần đến Nguyễn…, trong hầu hết các văn bản, người ta không dùng hoặc không nói những từ trùng với tên tục của các hoàng đế và các người thân của ông ta. Luật lệ nghiêm trị những trường hợp phạm húy (trọng húy hoặc khinh húy). Vì thế ở mỗi một giai đoạn, địa danh và nhân danh phải đổi, (văn viết theo một quy định nào đó) nếu có trùng với tên tục của vua chúa. Ví dụ: Vua Lê Trang Tông (1533-1547) vì tên tục là Ninh nên những tên huyện sau này phải đổi như: Phù Ninh (Sơn Tây) thành Phù Khang (đến năm 1820 lại trở thành tên cũ Phù Ninh); Tĩnh Ninh (Thanh Hóa) thành Tĩnh Gia. Vua Nguyễn Cảnh Tông (1885-1888) có tên thật là Ưng Đường, vì thế các đại danh sau đây phải đổi tên: Đường An (Hải Dương) thành Năng An; Nam Đường thành Nam Đàn…

Về tục kỵ húy nhân danh cũng vậy, người đương thời phải đọc chệch và viết theo quy định của nhà nước phong kiến. ví dụ: Ngô Thì Nhậm thành Ngô Thời Nhậm…

Dấu hiệu kỵ húy là một đặc điểm trong các văn bản hán nôm thuộc thời đại phong kiến Việt Nam, nắm được đặc điểm này tức là nắm được những khóa mã giúp chúng ta xác định niên đại tư liệu.

Sự khác nhau về tên, chức vụ, tên đơn vị hành chính cũng giúp chúng ta xác định niên đại của sử liệu.

Ví dụ:  1902-1906: Tỉnh Cầu Đơ (tỉnh Hà Đông); Tả bội xạ, hữu bội xạ chỉ có thời Trần; Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch hội đồng bộ trưởng;  Trưởng ty và Giám đốc sở…

b) Tìm niên đại bằng cách dựa vào nội dung tư liệu

Nội dung tư liệu có những thông tin nào liên quan tới các sự kiện (chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học…) các tư tưởng, luận điểm, học thuyết và các loại tài liệu có niên đại xác định.

Ví dụ: Để xác định niên đại Hịch tướng sĩ (Dụ chư tì tướng hịch). Hiện tại không còn bản gốc, bản thảo cổ nhất là trong “Đại việt sử ký toàn thư” in năm 1697. Vấn đề Hịch tướng sĩ đã được Trần Quốc Tuấn (1232-1300) viết ra vào thời gian nào trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên (lần 1:1258, lần 2: 1/1285, lần 3: 12/1287-4/1288).

Nếu không tìm ra mối liên hệ nào giữa nội dung bài Hịch với các sự kiện đương thời, người ta có thể định niên đại tương đối cho bài Hịch dừa vào năm sinh, năm mất của tác giả…

c) Tìm niên đại tư liệu trong các tài liệu có liên quan

Đây là cách nghiên cứu gián tiếp, chúng ta có thể dựa vào các bài bình luận, sách, bảng quảng cáo, thư tín… để xác định niên đại tư liệu.

Ví dụ: Dựa vào bản báo cáo của mật thám Pháp gửi Bộ thuộc địa, người ta biết rằng khoảng từ tháng 1 đến tháng 3/1923, đồng chí Nguyễn Ái Quốc viết tập sách “Những người bị áp bức”, tập sách này theo ý kiến của một số người nghiên cứu, có mối quan hệ với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”.

2. Xác định địa điểm (địa danh) tạo ra tư liệu

+ Dựa vào nội dung:

- Tác giả tư liệu có thể ghi rõ địa điểm: Ví dụ: Hà Nội 1975, thành phố Hồ Chí Minh 1980. Tác giả không ghi rõ địa điểm: Ví dụ: Nhật ký, thư riêng… người nghiên cứu có thể dựa vào nội dung mà xác định địa điểm. Đọc Nhật ký của Hồ Chủ tịch, Pháp tháng 6/7/1946, ta có thể biết những trang viết được tạo ra ở đâu.

+ Dựa vào đặc điểm hình thức: Tư liệu có đặc điểm địa phương nào? Ta có thể biết tư liệu này đươc tạo ra ở vùng này hoặc vùng khác nhờ ngôn ngữ, từ vựng, lỗi chính tả (cần tính đến sự thiên di của tư liệu và của cả tác giả).

+ Dựa vào trí liệu khác (giới thiệu sách thư tín cá nhân…).

Lưu ý: xác định địa điểm tạo ra tư liệu đòi hỏi chúng ta có một vốn tri thức ngoài tư liệu phong phú.

Sự hiểu biết về đặc điểm tư liệu cũng cho phép khẳng định tư liệu đã xuất hiện ở đâu. Chẳng hạn người nghiên cứu có thể khẳng định ngay những đồ dùng sinh hoạt và chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng ở thời kỳ chống Mỹ hay trước những năm 1930… Đồng thời, phải biết chú ý tới các yếu tố địa lý, địa phương, đã phản ánh trong tư liệu.

Tài liệu tham khảo:

1. Đường Vinh Sường, Về phương pháp nghiên cứu, biên soạn và giảng dạy Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008.

2. Phạm Xuân Mỹ “Về tư liệu, sự kiện, nhân vật trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử”, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hà Nội.


Các tin khác