Tham dự Hội thảo có ông Phan Tấn Khế-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; PGS. TS Lê Văn Bé (trường Đại học Cần Thơ) - chủ đề tài nghiên cứu về ảnh hưởng của loại bóng compact ánh sáng đỏ cùng đại diện một số sở, ngành và hội viên, nông dân trồng thanh long ở các huyện trong tỉnh.
Tại Hội thảo, PGS. TS Lê Văn Bé cho biết, loại bóng vàng mà nông dân Bình Thuận vẫn dùng phổ biến để chiếu sáng cho cây trong mùa nghịch có ưu điểm là dễ dàng mua trên thị trường và lắp đặt thuận lợi, tuy nhiên nó cũng có những nhược điểm là cường độ ánh sáng không cao, tốn kém điện năng khiến người trồng phải trả rất nhiều chi phí đầu vào. Vì vậy, đề tài mà ông phối hợp với Trung tâm R&D của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thực hiện nghiên cứu để tìm ra loại đèn mới tiết kiệm điện, có cường độ ánh sáng tốt, phổ ánh sáng phù hợp với tính chất sinh học của cây thanh long, qua đó tăng cường khả năng đậu quả cho cây trái vụ.
Có mặt tại Hội thảo, các chủ hộ trồng thanh long cho biết, qua hai năm sử dụng, hiệu quả của đèn compact ánh sáng đỏ thể hiện ở thời gian chiếu sáng cho cây thanh long đã rút ngắn xuống còn từ 8 đến 9 giờ/đêm thay vì 11 giờ như ánh đèn vàng, chu kỳ chiếu sáng cũng rút ngắn từ 15 đêm xuống 12 đêm, góp phần giảm tới 50% mức tiêu thụ điện. Một ưu điểm lớn khác là đèn compact ánh sáng đỏ có tuổi thọ cao hơn bóng ánh sáng vàng, do đó chi phí đầu tư cũng giảm đi đáng kể.
Không chỉ hiệu quả ở mặt tiết kiệm điện năng, loại đèn mới còn thể hiện sự vượt trội so với các loại bóng cũ là số hoa nở đã tăng hơn 80%, qua đó tăng khả năng thụ phấn tới 60%, do đó cũng tăng khả năng đậu quả cho cây thanh long.
Với những kết quả bước đầu này, các nhà nghiên cứu hy vọng, loại đèn compact ánh sáng đỏ sẽ được các hộ nông dân trồng thanh long áp dụng đại trà trong thời gian tới.