CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ GÓP PHẦN TÍCH CỰC TRONG VIỆC CHỐNG SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC HIỆN NAY

       Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp đó, tháng 10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. 

Đảng ta đã chỉ ra việc chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác học tập lý luận cũng như việc lười học tập lý luận chính trị chính là một trong các biểu hiện về suy thoái tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên. Trước tình hình đó, việc nâng cao chất lượng dạy và học chính trị, đưa công tác giáo dục lý luận chính trị đi vào thực chất chính là một trong những thành tố quan trọng góp phần chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, công chức hiện nay.

Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, trong những năm qua, các cấp ủy trong tỉnh đã tích cực triển khai làm tốt các nội dung học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận… của Trung ương và địa phương. Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh ta đã có những bước đổi mới quan trọng; trong đó, điển hình là việc đẩy mạnh ứng dụng hình thức hội nghị trực tuyến và phương pháp quán triệt đi sâu vào phần liên hệ thực tế. Nhìn chung, các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh và Trung ương, các nghị quyết, chương trình hành động… của địa phương đã được phổ biến, quán triệt, tuyên tuyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên thông qua nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị để tự tu dưỡng, rèn luyện, soi rọi và đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Sau khi có Nghị quyết số 37- NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng đến năm 2030; Kết luận số 94-KL/TW, ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Ban Tuyên giáo các cấp trong tỉnh đã tham mưu các cấp ủy triển khai công tác giáo dục lý luận chính trị theo hướng đi sâu vào liên hệ thực tế; cập nhật liên tục các nội dung, tình hình mới sát với thực tiễn để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, chất lượng các nội dung, chương trình đào tạo; tích cực lồng ghép các nội dung quan điểm, chủ trương mới vào nội dung bài giảng; qua đó, góp phần tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng tới cán bộ, đảng viên, từng bước đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Từ đầu năm đến nay, Trường Chính trị tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã tổ chức được hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở. Qua mỗi lớp đào tạo, bồi dưỡng, công tác kiểm tra, đánh giá được thực hiện nghiêm túc. Kết quả đánh giá cho thấy, phần lớn cán bộ, đảng viên đã hoàn thành tốt nội dung chương trình và có ý thức cao trong học tập.

Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh ta vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, một số mặt chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Một số học viên tham gia học tập lý luận chính trị vẫn còn có tư tưởng đối phó, thiếu tự giác học tập; phương pháp giảng dạy của một số giảng viên, báo cáo viên còn chậm được đổi mới… Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó, chủ yếu xuất phát từ việc một số cán bộ, công chức chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, một số đồng chí giảng viên, báo cáo viên chưa đầu tư tâm huyết, thời gian để nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy; cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy có nơi còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy và học tập.

Để công tác giáo dục lý luận chính trị đi vào thực chất, phát huy vai trò tích cực trong quá trình chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, công chức hiện nay, đòi hỏi trước hết cấp ủy các cấp cần phải thường xuyên quan tâm chỉ đạo để cán bộ, đảng viên nhận thức rõ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác học tập lý luận chính trị. Đưa việc học tập, nghiên cứu lý luận chính trị trở thành hành động tự giác, thường xuyên, liên tục của mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của người đứng đầu đơn vị trước cấp dưới; của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là có cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá công khai, nghiêm túc, phê bình kịp thời cán bộ, công chức thiếu nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu. Bên cạnh cơ chế giám sát, cấp ủy và người đứng đầu các đơn vị cần có sự khuyến khích, động viên bằng các hình thức phù hợp để biến việc học tập thành nhu cầu tự thân, thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức cũng cần tự ý thức được việc học tập lý luận chính trị, trước hết là để nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, làm giàu vốn kiến thức cho chính bản thân.

Song song với đó, phương pháp giảng dạy cũng cần được đổi mới. Từng cấp ủy cần quan tâm đến việc lựa chọn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên đạt chất lượng. Có một thực tế đặt ra đối với tỉnh ta hiện nay là lực lượng giảng viên chuyên trách của mỗi trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện chỉ có từ 1 đến 3 giảng viên. Công tác giảng dạy lý luận chính trị tại cơ sở chủ yếu dựa vào đội ngũ giảng viên kiêm chức. Kiện toàn và nâng cao chất lượng cho đội ngũ giảng viên kiêm chức chính là góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 91 đồng chí giảng viên kiêm chức cấp huyện, trình độ lý luận chủ yếu là cao cấp, trình độ chuyên môn là đại học và trên đại học. Tuy nhiên, do bận công việc chuyên môn, ít đầu tư nghiên cứu về phương pháp giảng dạy nên nhiều đồng chí còn hạn chế về khả năng sư phạm, phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Để khắc phục điều này, cấp ủy sau khi có Quyết định thành lập đội ngũ giảng viên kiêm chức thì cũng cần quan tâm tạo điều kiện cử đi tập huấn, bồi dưỡng phương pháp sư phạm cho đội ngũ này; đồng thời có cơ chế đánh giá đối với các giảng viên kiêm chức, biểu dương kịp thời, phê bình thẳng thắn, coi việc thực hiện tốt công tác giảng dạy cũng là một trong những nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hàng năm.

Với những kết quả đã đạt được cùng với sự chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy các cấp trong tỉnh, tin rằng công tác giáo dục lý luận chính trị của tỉnh ta trong thời gian tới sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy vai trò tích cực của mình trong việc chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, công chức hiện nay./.


Các tin khác

TIN NỔI BẬT