Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chống âm mưu, “diễn biến hòa bình” và phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền định hướng dư luận, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được các cấp ủy đẩy mạnh.
Chất lượng giáo dục lý luận chính trị, tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong cán bộ, đảng viên, học viên và quần chúng ngày càng được quan tâm; từng bước đổi mới phương thức và nội dung học tập. Công tác lý luận chính trị và việc giáo dục lý luận chính trị, phố biến, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng tập trung vào sự cần thiết, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lý luận; việc ban hành chỉ thị, nghị quyết, những nội dung cơ bản mới, vấn đề cốt lõi, gắn với thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, liên hệ thực tiễn; chất lượng phổ biến, quán triệt nghị quyết của các cấp đến với cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong nhân dân kịp thời.
Cùng với việc coi trọng công tác lý luận, việc giáo dục lý luận chính trị được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; triển khai Chuyên đề năm 2017: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cho cán bộ, đảng viên… đưa nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” vào trong các trường học, cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Việc triển khai học tập, sinh hoạt tập sách “Những điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng bộ tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định và triển khai Chuyên đề năm 2018 về “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh ngoài việc cử cán bộ, đảng viên, công chức tham gia học tập lý luận chính trị ở các trường học, còn tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuyên đề về thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Nội dung tuyên truyền về chỉ thị, nghị quyết, giáo dục về chính sách, pháp luật được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức lao động tham gia.
Các cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, cấp kinh phí mở lớp chính trị hằng năm theo kế hoạch đề ra; tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ, đảng viên tham gia các lớp học chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, các lớp tập huấn nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn. Công tác đào tạo cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận, giảng viên kiêm chức và báo cáo viên của các Trung tâm BDCT được Ban Thường vụ các cấp ủy quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ, năng lực. Tổ chức các hội thảo về “Tình hình, nhiệm vụ của tỉnh Bình Thuận”, về “ Cách mạng Tháng Tám - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại”, “ Cách mạng tháng Mười Nga và ý nghĩa đối với thời đại” về “Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII)…Công tác nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chất lượng quản lý cán bộ. Hằng năm Trường Chính trị tỉnh tổ chức thao giảng, dự giờ, khảo sát đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên; Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tham mưu cho cấp ủy rà soát, kiện toàn đội ngũ giảng viên kiêm chức, nâng dần chất lượng giảng dạy và học tập. Công tác cung cấp thông tin, định hướng thông tin, tình hình thời sự quốc tế, trong nước và của địa phương cho báo cáo viên, đội ngũ giảng viên được thực hiện kịp thời và có hiệu quả. Công tác giảng dạy lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được chú ý quan tâm thực hiện; phương pháp giảng dạy và truyền đạt phù hợp với từng loại hình lớp học, từng đối tượng cụ thể; chú ý những nội dung mới, quan điểm, phương pháp, giải pháp thực hiện; viết bài thu hoạch; bố trí, phân công giảng viên phụ trách bài giảng phù hợp trình độ, năng lực, sở trường giảng viên. Việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết được các cấp ủy triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành.
Hai năm qua, toàn tỉnh đã mở được 1.920 lớp các loại với 279.447 lượt người tham gia học tập, gồm: lớp sơ cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới; bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đối tượng kết nạp Đảng; bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và đoàn thể; về xây dựng nông thôn mới; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cơ sở; bồi dưỡng các chuyên đề về dân tộc, tôn giáo, hội nhập, về giáo dục lý luận chính trị, về tư tưởng Hồ Chí Minh... phối hợp Trường Chính trị tỉnh mở 19 lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính (hệ vừa học vừa làm) cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn các huyện, thị, thành phố và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh…
Công tác tuyên truyền bám sát theo đúng chủ trương, định hướng của Đảng, chuyển tải nhiều thông tin quan trọng về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức và người lao động. Công tác nắm bắt dư luận xã hội được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo đã góp phần vào việc giải quyết khá kịp thời đối với các việc bức xúc trong xã hội.
Qua học tập, nhận thức của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lý luận trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế đã có những chuyển biến tích cực; góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng ở địa phương trong tình hình mới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện công tác lý luận trong thời gian qua còn nhiều hạn chế đó là: một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác lý luận trong tình hình mới. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ làm công tác lý luận chưa thật sự chú ý. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và quản lý về lĩnh vực hoạt động tư tưởng, văn hóa còn nhiều bất cập; một số cấp ủy chưa coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Việc học tập, phổ biến, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), Kế hoạch số 152-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nơi còn hình thức.
Công tác lý luận và tổng kết thực tiễn ở các đảng bộ địa phương, Trường Chính trị tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện còn hạn chế; chất lượng nghiên cứu lý luận có mặt chưa cao; các đề tài nghiên cứu khoa học chưa nhiều. Công tác tuyên truyền chưa được duy trì thường xuyên. Kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chuyển biến chậm; phương pháp tiếp cận tài liệu, thông tin tuyên truyền; kỹ năng giảng dạy lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới còn hạn chế và thiếu chiều sâu; còn nặng về lý thuyết.
Để triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 152-KH/TU về “công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện cần chủ động nghiên cứu và phát huy vai trò tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế nêu trên./.