Thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa

        Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhằm hình thành ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức được thực hiện thông qua các phương pháp đặc thù và bằng nhiều hình thức khác nhau, hướng tới cung cấp cho cán bộ, công chức những tri thức, hiểu biết về pháp luật; đồng thời, trang bị cho họ các kỹ năng xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật, nhằm hình thành ở họ tri thức, tình cảm và hành vi phù hợp với yêu cầu của pháp luật hiện hành. Giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

        Giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức có vị trí, vai trò hết sức quan trọng thể hiện ở các điểm sau:

       Một là, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội của cán bộ, công chức. Giáo dục pháp luật góp phần đem lại cho cán bộ, công chức có tri thức pháp luật, xây dựng tình cảm pháp luật đúng đắn và có hành vi hợp pháp, biết sử dụng pháp luật làm phương tiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quản lý nhà nước, quản lý xã hội của cán bộ, công chức.

        Hai là, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao ý thức pháp luật, văn hoá pháp lý của mọi thành viên trong xã hội, trong đó cán bộ, công chức. Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề củng cố, tăng cường pháp chế xã hội chủ nhĩa ở nước ta đang là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có việc nâng cao trình độ văn hoá pháp lý, xây dựng ý thức pháp luật ở mỗi người cán bộ, công chức từ đó tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.

        Ba là, giáo dục pháp luật góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách, rèn luyện hành vi ứng xử cho cán bộ, công chức, tạo thói quen “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Giáo dục pháp luật góp phần củng cố những tri thức được học trong chương trình, bồi dưỡng tình cảm, niềm tin pháp luật, đồng thời rèn luyện, hình thành hành vi ứng xử của cán bộ, công chức theo chuẩn mực pháp luật. Giáo dục pháp luật giúp cho cán bộ, công chức tiếp cận một cách toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn với các văn bản pháp luật.

        Cán bộ, công chức là lực lượng chủ yếu có nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật, đảm bảo việc đưa pháp luật vào cuộc sống. Nếu cán bộ, công chức hiểu biết pháp luật tốt, có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật thì hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức ý thức pháp luật kém, có hành vi vi phạm pháp luật sẽ có tác động xấu đến xã hội, nên việc gương mẫu chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu.

         Để đạt mục tiêu của giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức là từng bước mở rộng hệ thống tri thức pháp luật; hình thành tình cảm, lòng tin đối với pháp luật; hành vi và thói quen xử sự theo pháp luật của cán bộ, công chức cần đổi mới, đa dạng hóa nội dung giáo dục pháp luật, bao gồm: các thông tin về pháp luật, thực hiện pháp luật, về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm, về việc điều tra xử lý các vi phạm pháp luật; các thông tin về kết quả nghiên cứu, điều tra xã hội học về thực hiện áp dụng pháp luật đối với đời sống kinh tế xã hội, đối với từng đối tượng, các tầng lớp dân cư. Đồng thời, để khắc phục tình trạng thông tin một chiều, cần phản ánh những nhu cầu, nguyện vọng, ý kiến, đề xuất của nhân dân, của các chuyên gia pháp luật trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; các thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể của công dân, như: các quyền, nghĩa vụ pháp luật, các quy trình thủ tục để bảo vệ các quyền hợp pháp của công dân...

        Để nâng cao hiệu quả, cần đa dạng hóa các hình thức giáo dục pháp luật: Tuyên truyền, phổ biến, nói chuyện pháp luật tại các cơ quan, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức các hội nghị, hội thảo về pháp luật; tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trong cán bộ, công chức; tuyên truyền pháp luật qua báo, tạp chí chuyên ngành; thông qua các chuyên mục tìm hiểu pháp luật, giới thiệu văn bản pháp luật mới của các báo, tạp chí khác; giáo dục pháp luật thông qua các hình thức văn hóa - nghệ thuật, như: phim, ảnh, sân khấu...

        Hình thức giáo dục pháp luật chuyên biệt đối với các hoạt động chuyên ngành pháp luậtĐó là định hướng giáo dục pháp luật cho các hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực ban hành và thực thi pháp luật. Việc tổ chức thực hiện các định hướng đó nhằm hạn chế các tác động tiêu cực và tăng cường các tác động tích cực của thực tiễn pháp luật đối với quá trình hình thành ý thức pháp luật của cán bộ, công chức hoạt động trên lĩnh vực này.

        Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật để cung cấp cho hệ thống chính trị một đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ pháp luật vững vàng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý xã hội theo pháp luật.

        Do đối tượng có những đặc thù, công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức phải xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung ngay trong khi xây dựng các chương trình công tác, nghiệp vụ chuyên môn trong từng thời kỳ hoặc trong từng vụ việc. Trên cơ sở đó, chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hình thức giáo dục pháp luật phù hợp. Bên cạnh đó trong công tác giáo dục pháp luật nói chung, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức nói riêng, cần phải kết hợp các hình thức giáo dục khác nhau nhằm phát huy tối đa mặt tích cực và bù đắp những hạn chế của từng loại hình để đạt được kết quả tối ưu.

        Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, ngày 20/6/2012 đã thông qua luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định: trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải "tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân thuộc phạm vi quản lý, chú trọng thực hiện thông qua phổ biến pháp luật trực tiếp, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, trang thông tin điện tử của cơ quan, các khóa học, lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn”.

         Để tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, có những biện pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng cán bộ, công chức, ở từng vùng, từng địa bàn đặc thù; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức; nâng cao kiến thức năng lực quản lý điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên làm công tác giáo dục pháp luật; đổi mới đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức theo hướng không chỉ đáp ứng nhu cầu kiến thức cơ bản về pháp luật, mà còn phải thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng góp phần không nhỏ vào công tác giáo dục pháp luật.

          Bên cạnh đó, việc mở rộng các hình thức giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, đa dạng hoá các loại hình tủ sách pháp luật, tiến tới kết hợp mô hình tủ sách pháp luật truyền thống với tủ sách pháp luật điện tử, luân chuyển sách pháp luật giữa tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn và các nhà văn hoá khu phố, thôn, xóm, tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức của cơ quan, đơn vị; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức; quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức và nhân dân.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ