Kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam trở thành thành viên Liên Hiệp Quốc (20/9/1977-20/9/2017): CHẶNG ĐƯỜNG 40 NĂM RA BIỂN LỚN

Ngày 24/10/1945, đại diện của 50 quốc gia trên thế giới họp tại San Francisco, California (Mỹ) để thông qua hiến chương thành lập một tổ chức quốc tế quy tụ nhiều thành viên nhất tính cho đến thời điểm hiện nay và tương lai. Đó là tổ chức Liên Hiệp Quốc (LHQ). 

Tiền thân của LHQ là Hội Quốc liên do Woodrow – tổng thống Mỹ sáng lập sau chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy vậy, tổ chức này chưa hoạt động quy củ, nhiều nước tham gia vốn chỉ để tranh giành quyền lợi cho mình, ít vì hoạt động chung, cho nên khi chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra thì Hội Quốc liên giải thể. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tại hội nghị Yalta (tháng 2/1945), những người đứng đầu Liên Xô, Mỹ, Anh đã thống nhất thành lập lại tổ chức quốc tế để gìn giữ hoàn bình và an ninh thế giới thông qua những biện pháp tập thể hữu hiệu, ngăn ngừa và loại bỏ những mối đe doạ tới hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế. LHQ có các cơ quan như: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Ban thư ký đứng đầu là Tổng thư ký. Đại hội đồng LHQ lúc mới thành lập có 51 quốc gia tổ chức họp lần đầu tiên vào tháng 1/1946. Tổng thư ký LHQ là người đứng đầu Ban thư ký của LHQ, đồng thời cũng là người phát ngôn của tổ chức này. Năm 2017, ông António Guterres (quốc tịch Bồ Đào Nha) là Tổng Thư ký đương nhiệm LHQ. Ngoài ra, còn có một số tổ chức trực thuộc LHQ như: Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Sở hữu Trí tệ Thế giới (WIPO), Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc (DPKO) Tổ chức Văn hoá khoa học và giáo dục LHQ (UNESCO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Tại khoản 4, chương II của Hiến chương LHQ có nói về tiêu chí kết nạp thành viên mới:

Một là, Tư cách thành viên LHQ rộng mở cho các quốc gia yêu chuộng hòa bình đồng ý các nghĩa vụ được nêu trong Hiến chương và, với sự đánh giá của LHQ, có thể và sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm này.

Hai là, để có hiệu lực, việc kết nạp bất cứ quốc gia nào thỏa mãn các tiêu chí này trở thành thành viên LHQ phải được Đại hội đồng thông qua dựa theo đề nghị của Hội đồng Bảo an”.

Một quốc gia muốn là thành viên LHQ cần ít nhất 9/15 phiếu thuận từ Hội đồng Bảo an, mà không vấp phải bất cứ phủ quyết nào từ 05 nước thường trực. Sau đó, Đại hội đồng thông qua với ít nhất hai phần ba quốc gia bỏ phiếu thuận. Tiêu chí đầu tiên là quốc gia có chủ quyền mới có thể trở thành thành viên LHQ và cho đến hiện nay đều như vậy. Cho đến năm 2017, tổng cộng 193 quốc gia chủ quyền là thành viên LHQ, có quyền đại diện bình đẳng ở Đại hội đồng LHQ.

Ngày 14/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân danh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đơn xin gia nhập LHQ; song lúc đó, Việt Nam chưa được quốc gia nào trên thế giới công nhận độc lập nên việc gia nhập LHQ chưa thể thực hiện được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều thư, điện cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ, một số nước trên thế giới yêu cầu công nhận nền độc lập của Việt Nam để có thể sớm gia nhập LHQ. Sau khi thống nhất đất nước, tháng 7/1975, hai đoàn miền Bắc và miền Nam Việt Nam sang New York để vận động tham gia LHQ. Ngày 20/9/1977, tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng LHQ, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức này. Kể từ đó, quan hệ giữa Việt Nam và LHQ ngày càng phát triển.

Sau khi gia nhập LHQ, Việt Nam đã tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ từ các nước thành viên để Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết kêu gọi các quốc gia, tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp với các nước không liên kết, các nước đang phát triển để đấu tranh, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ như: bảo vệ lợi ích các nước đang phát triển, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp công việc nội bộ các nước…

Sự kiện đánh dấu vị thế của Việt Nam tại LHQ là được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (năm 1997). Tiếp đó, Việt Nam được bầu vào các Hội đồng, Tổ chức, Ủy ban như: Hội đồng kinh tế - xã hội LHQ (ECOSOC); Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 1997-1999; Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền LHQ (tháng 5/2000); Ban chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO); Hội đồng Điều hành của chương trình phát triển và Quỹ dân số của Liên Hợp quốc (UND/UNFPA). Đặc biệt, ngày 16/10/2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng LHQ đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Sự kiện này đánh dấu một mốc hết sức quan trọng, có ý nghĩa trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Từ ngày 01/01/2014, Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền (nhiệm kỳ 2014-2016); tiếp đó, tháng 6/2014, lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ và hiện nay đang đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Kinh tế và xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018; đồng thời đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.

Sau 40 năm gia nhập LHQ, đã mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương Việt Nam với những đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Là thành viên của LHQ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ và thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển đất nước, hội nhập với thế giới./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ