5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

  • /
  • 31.8.2012 - 16:4

Chuẩn mực đạo đức là một nội dung có ý nghĩa rất quan trọng, chủ yếu trong mọi hoạt động của xã hội nói chung và các lĩnh vực ngành, nghề liên quan đến công việc nói riêng.

                Không có đạo đức nghề nghiệp thì chất lượng sản phẩm cung cấp cho xã hội sẽ không đảm bảo được giá trị sử dụng của nó. Một trong những nhiệm vụ quan trọng khi thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị cùng tập thể cán bộ, đảng viên và nhân dân là chủ thể xây dựng các chuẩn mực đạo đức cụ thể của từng ngành. Chuẩn mực ấy phải phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện đặc thù của từng nơi theo ngành nghề, vị trí công tác, lứa tuổi, giới tính, đặc điểm xã hội. Đồng thời, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp phải xây dựng thành các khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.

 Quán triệt đúng tinh thần chỉ đạo trên và căn cứ vào thực tiễn công tác, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận đã chủ động xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với năm tiêu chí sau:

1. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống;

2. Nói, viết và làm đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan và địa phương nơi cư trú;

3. Kỷ luật nghiêm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc tốt; đoàn kết, xây dựng tập thể vững mạnh, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, không tranh công đổ lỗi, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, phô trương hình thức;

4. Trung thực, trong sáng, giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm, thực hiện nếp sống văn hóa nơi làm việc, nơi cư trú;

5. Tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết, nói hay, viết tốt.

Nội hàm của năm tiêu chí trên là: Thứ nhất, Để đáp ứng yêu cầu của công việc, yêu cầu đầu tiên là người cán bộ tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đi đầu trong đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đây là chuẩn mực mang tính nguyên tắc xuyên suốt.

Thứ hai, cán bộ ngành tuyên giáo khi nói, viết và làm phải đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan và địa phương nơi cư trú. Nói và viết là hai kỹ năng đặc thù của cán bộ làm công tác tuyên giáo, là thước đo chất lượng chuyên môn tốt hay kém, là tiêu chí đánh giá mức độ tinh thông nghề nghiệp. Trong mọi thời điểm, nói trước hết phải đúng: đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đúng với thực tiễn, có chất lượng, sâu sắc, có tính chiến đấu và hiệu quả cao. Nói phải hay: dễ nghe, lưu loát, truyền cảm và phải thuyết phục “nói là phải làm”. Nói đi đôi với làm là một nguyên tắc thực hành đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt lưu ý rằng: đối với nhân dân không thể chỉ nói lý luận suông, chính trị suông; nhân dân luôn đòi hỏi và rất cần nhìn thấy lợi ích thiết thực từ những tấm gương sáng, những việc làm mẫu mực của cán bộ, đảng viên, để hướng đến tin tưởng và làm theo.

Thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải giữ kỷ luật nghiêm, trách nhiệm cao, hiệu quả công việc tốt. Kỷ luật phải gắn với việc duy trì và quản lý chặt chẽ mọi chế độ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, khi cần thiết thì phải thi hành kỷ luật nghiêm minh, đúng mức. Vì vậy, cần phải hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên, sâu sát của cán bộ các cấp, làm cho việc chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật trở thành thói quen. Chi bộ cần giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên thấm nhuần lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: tình thương yêu đồng chí là cơ sở của sự đoàn kết, đồng thời là một chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng. Người từng nói “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu Chủ nghĩa Mác - Lênin được”. Vì vậy, chi bộ phải thường xuyên chăm lo bồi dưỡng, xây dựng tình cảm gắn bó giữa những cán bộ, đảng viên với nhau, cán bộ, đảng viên với quần chúng; mặt khác mỗi cán bộ, đảng viên cần phấn đấu, rèn luyện trau dồi tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, xem đó vừa là một chuẩn mực đạo đức cách mạng, vừa là một nhân tố cơ bản để xây dựng và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan đơn vị, trong Đảng. Có ý thức trách nhiệm cao trong công việc, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; Tích cực tham gia công tác phòng chống tham nhũng, mạnh dạn đấu tranh phê phán các biểu hiện tiêu cực trong cơ quan, đơn vị; công khai, minh bạch tình hình tài chính, tài sản của cơ quan, đơn vị; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tích cực tham gia xây dựng các quy định, định mức về chi tiêu nội bộ của cơ quan; Việc sửa chữa, mua sắm tài sản phải thiết thực, hiệu quả, bảo quản và sử dụng tốt tài sản công.

Thứ tư, cần xây dựng lối sống trung thực, không giả dối, dám nghĩ, dám làm, nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không giấu khuyết điểm; có lối sống lành mạnh, giản dị, có trách nhiệm với gia đình và xã hội, đồng thời quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp và những người xung quanh; khiêm tốn học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp, của nhân dân; sẵn sàng lắng nghe đồng nghiệp, quần chúng phê bình, góp ý và thường xuyên phê và  tự  phê.

Thứ năm, phải luôn ra sức học tập nâng cao trình độ, vì đó là yêu cầu tất yếu của nền kinh tế tri thức. Nhưng làm thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất? Học tập của cán bộ, đảng viên phải xuất phát từ yêu cầu thực tế thiết thực, không phô trương, hình thức. Phải học cặn kẽ, thấu đáo, cụ thể và sâu sắc đến tận bản chất vấn đề. Nếu là cán bộ lãnh đạo, thì lãnh đạo ngành nào phải biết chuyên môn về ngành ấy. Mọi cán bộ, đảng viên đều phải nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, chính sách của Đảng, chuyên môn, nghiệp vụ. Trong đó, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin nhằm trang bị cho mỗi người thế giới quan, phương pháp luận cách mạng và khoa học để nhận thức và hành động đúng đắn, kiên quyết, sáng tạo và hiệu quả.

Năm tiêu chí đều quan trọng, là mục tiêu phấn đấu rèn luyện của cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Theo đó, từng cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo tỉnh tự xây dựng kế hoạch cá nhân để rèn luyện; cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên giáo tự giác, gương mẫu đi đầu trong thực hiện những chuẩn mực đạo đức. Kết quả thực hiện các chuẩn mực đạo đức, được thể hiện trong các công việc cụ thể hàng ngày, thường xuyên, liên tục và sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đảng viên, trong mỗi dịp sơ kết, tổng kết. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để theo dõi, giám sát các cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trong thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của mình.

                                                                                 Thái Sơn


  • |
  • 6300
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ