Nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 6 (Khoá XI): Vấn đề sở hữu toàn dân về đất đai

  • /
  • 25.2.2013 - 16:20

Sở hữu đất đai luôn là một vấn đề hệ trọng, không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị - xã hội, liên quan đến sự ổn định xã hội và phát triển bền vững của đất nước.

               Trong thực tiễn thế giới đã và đang tồn tại hai chế độ sở hữu về đất đai đối lập nhau. Các nước thị trường tự do thực hiện chế độ sở hữu tư nhân, còn các nước đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thực hiện chế độ công hữu về đất đai, trong đó sở hữu toàn dân chiếm tỷ trọng tuyệt đối. Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, nên đã xác lập chế độ công hữu đối với đất đai. Hiến pháp năm 1980 quy định toàn bộ đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Các luật về đất đai qua các thời kỳ sau đó, như Luật Đất đai năm 1987, 1993 và Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2003 đều có những quy định để thực hiện quyền sở hữu toàn dân về đất đai.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI vừa qua đã khẳng định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt, nhưng không phải là quyền sở hữu, được xác định cụ thể phù hợp với từng loại đất, từng đối tượng và từng hình thức giao đất, cho thuê đất.”

Tuy có những bước tiến trong chính sách nhưng thực tế vẫn nảy sinh không ít khó khăn, phức tạp trong quá trình vận hành, triển khai. Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và giao cho các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện quyền sở hữu, nhưng không phải là chủ sở hữu đích thực, nên khó có thể quan tâm thực hiện vai trò của mình. Tài sản quý giá thuộc sở hữu toàn dân sẽ khó được sử dụng có hiệu quả vì mục đích chung, ngược lại có thể trở thành phương tiện làm giàu cho một bộ phận xã hội. Khác với các loại tài sản khác, đất đai thuộc chủ sở hữu là Nhà nước, nhưng Nhà nước không thể là người sử dụng mà phải giao quyền sử dụng cho các chủ thể khác. Quan hệ này nếu không được xác định rõ ràng, cụ thể với cơ chế giám sát chặt chẽ sẽ dễ làm phát sinh những mâu thuẫn phức tạp trong quá trình triển khai. Trong những năm qua, với sự phân cấp khá mạnh cho các chính quyền địa phương, trong khi thiếu các thiết chế ràng buộc trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đại diện sở hữu nhà nước, cơ chế giám sát chưa đầy đủ, địa vị pháp lý của người sử dụng chưa được tôn trọng, một số tổ chức, cá nhân đã có sự “lạm dụng” để thực hiện quyền năng đầy đủ của chủ sở hữu, không ít trường hợp quyền tài sản do một nhóm nhỏ chi phối, phương hại đến lợi ích quốc gia và người sử dụng, tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm phát sinh một số xung đột xã hội, nguồn lực lớn nhất từ đất đai bị lãng phí, thất thoát lớn.

Tuy vậy, trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, không thực hiện sở hữu tư nhân về đất đai, theo chúng tôi vì một số lý do sau đây:

Một là, sở hữu đất đai là vấn đề lớn, phức tạp. Tính phức tạp xuất phát từ những đặc điểm khác biệt của đất đai so với các tài sản khác, vì đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất đối với con người trên bình diện quốc gia cũng như đối với từng cộng đồng dân cư, gia đình, cá thể; vừa là điều kiện, môi trường sống, vừa là một loại đối tượng và tư liệu sản xuất đặc biệt. Đó là một loại tài sản mà quyền sở hữu không giống với quyền sở hữu của các tài sản khác, là thành quả của nhiều thế hệ và là nguồn vốn lớn nhất của đất nước. Đất đai có hạn nhưng nhu cầu sử dụng nó lại vô hạn, điều này làm cho việc phân bổ, sử dụng đất đai luôn là vấn đề nóng bỏng, tác động đến lợi ích, động lực phát triển, nhưng đồng thời dễ làm phát sinh các vấn đề phức tạp, là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột xã hội,...

Hai là, ở nước ta, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nước ta còn khoảng 70% cư dân sống ở nông thôn, đất đai vẫn là nguồn lực và nguồn sinh kế chính của đại bộ phận dân cư, yếu tố nền tảng để ổn định xã hội.

Ba là, trong lịch sử có nhiều yếu tố gây nên sự xáo trộn trong quan hệ đất đai. Nếu thừa nhận sở hữu tư nhân, sẽ xảy ra tình trạng tranh chấp rất phức tạp giữa các chủ thể, nếu không giải quyết ổn thoả các tranh chấp ấy, nguy cơ dẫn đến những bất ổn về chính trị - xã hội.

Bốn là, từ nay đến năm 2020, nước ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dựa vào nội lực là chính, trong điều kiện của một nước mới thoát khỏi tình trạng kém phát triển, là giai đoạn tích luỹ ban đầu, cần nguồn vốn khổng lồ để phát triển, trong đó nguồn vốn từ đất đai là lớn nhất, quan trọng và hiện thực nhất, nếu biết khai thác, sử dụng hiệu quả.

Do vậy, để phù hợp với thể chế chính trị, đặc điểm lịch sử và thực tiễn của đất nước, Đảng ta chủ trương đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là sự cân nhắc thận trọng và phù hợp với điều kiện hiện nay. Theo đó, Nhà nước đã quy định cụ thể hơn về quyền đại diện chủ sở hữu trong việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất, quyết định giá đất, quyết định chính sách điều tiết phần giá trị gia tăng từ đất không do người sử dụng đất tạo ra, trao quyền sử dụng ổn định và lâu dài hoặc có thời hạn cho người sử dụng, thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phục vụ lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của pháp luật.

Việc xác định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.  Qua các đợt lấy ý kiến rộng rãi vừa qua, phần lớn các ý kiến tham gia thảo luận, góp ý đều ủng hộ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, đặc biệt là ý kiến của 63 tỉnh, thành phố và 30 bộ, ngành trong cả nước đều đề nghị giữ nguyên chế định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Hiến pháp.

                                                Dương Tự


  • |
  • 965
  • |

Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ