Kỷ niệm 54 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2021): Quan hệ Việt Nam - Campuchia - nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước

Việt Nam - Campuchia là hai quốc gia láng giềng trên bán đảo Đông Dương và có những nét tương đồng, gắn bó về điều kiện địa lý, tự nhiên, văn hóa, lịch sử, xã hội,… Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của Campuchia, vai trò và sự giúp đỡ của Việt Nam là không thể phủ nhận. 

Xuất phát từ tinh thần đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù chung trên bán đảo Đông Dương là thực dân Pháp và sau này là đế quốc Mỹ các cuộc chiến tranh biên giới; Việt Nam, Campuchia và Lào đã cùng sát cánh bên nhau vượt qua rất nhiều gian khổ, hy sinh để đi đến thắng lợi cuối cùng là giành được độc lập, tự do cho mỗi nước.

1. Ý nghĩa và giá trị của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia

Từ nền tảng ban đầu do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk xây dựng, mối quan hệ Việt Nam - Campuchia đã được các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp và phát triển, coi đây là mối quan hệ chiến lược, lâu dài, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; nhân dân hai nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức,… nhưng với mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mối quan hệ “Láng giềng tốt đep, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia” nhất định tiếp tục được giữ gìn, phát triển và nâng lên một tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược ba nước Đông Dương giữa thế kỷ XIX (1858-1860), nhân dân ở ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đã ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, tạo bước chuyển biến về chất của quan hệ Việt Nam - Campuchia và cũng là sự kiện đánh dấu sự ra đời của quy luật giành thắng lợi: ba nước Đông Dương phải đoàn kết thành một khối thống nhất trong công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập và xây dựng đất nước mình.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Khmer), nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia đã giúp đỡ lẫn nhau xây dựng lực lượng cách mạng, liên minh chiến đấu, từng bước giành thắng lợi cho cả hai dân tộc. Sức mạnh đoàn kết Việt Nam - Campuchia - Lào đã góp phần quan trọng buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/7/1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Campuchia và Lào.

Đánh giá sự kiện này, đồng chí Lê Duẫn viết: “Trải qua 9 năm kháng chiến gian khổ, với sự giúp đỡ tận tình của Đảng và nhân dân Việt Nam, nhân dân Khmer hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc: quốc gia Campuchia được độc lập và thống nhất, lãnh thổ được toàn vẹn, tổng tuyển cử tự do. Đó là thắng lợi của nhân dân Khmer đã chịu đựng gian khổ và trường kỳ võ trang chiến đấu trong hàng ngũ của Mặt trận Ítxarắc. Đó là thắng lợi của cán bộ và chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sang hoạt động ở Campuchia, với tinh thần quốc tế cao cả đã chiến đấu, hy sinh vì nền độc lập của Campuchia. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ đối với cách mạng giải phóng dân tộc Khmer và đồng thời làm tròn nhiệm vụ với cách mạng Việt Nam. Đó là thắng lợi của khối liên minh nhân dân Việt Nam - Campuchia - Lào và cùng là của Đảng Cộng sản Đông Dương đã lãnh đạo cách mạng toàn Đông Dương và chủ trương thành lập khối ấy; của Đảng Lao động Việt Nam đã tận tình giúp đỡ cách mạng Khmer. Không có phong trào Ítxarắc, quan hệ khăng khít với cách mạng Việt Nam và phong trào hòa bình, dân chủ thế giới, dân tộc Khmer không thu được thắng lợi lớn lao như vậy”[[1]].

Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ đã sử dụng nhiều thủ đoạn xâm lược với mức độ khác nhau đối với từng nước Việt Nam, Campuchia, Lào và trở thành kẻ thù chung của nhân dân Đông Dương. Trước bối cảnh đó, Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chủ trương thắt chặt quan hệ với Chỉnh phủ Vương quốc Campuchia và luôn coi trọng phát triển khối đoàn kết chặt chẽ giữa nhân dân hai nước vì mục tiêu chống đế quốc Mỹ xâm lược, vì độc lập, hòa bình và phồn vinh của hai dân tộc.

Ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đặt nền móng cho mối quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa hai nước. Nhờ có mối quan hệ tốt đẹp đó, Việt Nam đã có điều kiện chuyên chở hàng hóa, vũ khí qua cảng Sihanouk Ville và đường mòn Hồ Chí Minh qua lãnh thổ Campuchia để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Sau khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia (năm 1970), quan hệ Việt Nam - Campuchia đã thực sự trở thành liên minh chiến đấu chóng kẻ thù chung. Khối liên minh đoàn kết Việt nam - Campuchia - Lào đã tạo điều kiện để cách mạng Campuchia xây dựng được lực lượng vũ trang mạnh, phối hợp được với quân tình nguyện Việt Nam đánh bại các cuộc tiến công của Mỹ - ngụy và quân Lon Nol trên chiến trường Campuchia, làm thất bại chiến lược “Khmer hóa chiến tranh”, “Đông Dương hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Liên minh chiến đấu Việt nam - Campuchia - Lào đã tạo điều kiện để Việt Nam củng cố và mở rộng được hệ thống hành lang chiến lược; xây dựng và phát huy được tác dụng to lớn của căn cứ địa cách mạng, hậu phương chiến lược, hậu cần tại chỗ trên chiến trường Campuchia bảo đảm cung ứng cho chiến trường miền Nam Việt Nam,… Tình đoàn kết, liên minh chiến đấu Việt Nam - Campuchia - Lào thực sự là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại đế quốc Mỹ, giải phóng ba nước ngay trong năm 1975.

Đúng như Hoàng thân Norodom Sihanouk khẳng định: “Việc giải phóng Phnom Penh và Sài Gòn… chứng tỏ sự thống nhất và đoàn kết được xây dựng trên cơ sở vững chắc của Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương lịch sử và hữu ích biết bao… Thắng lợi của Việt Nam cũng là thắng lợi của tất cả các dân tộc ở Đông Dương chúng ta và của toàn thể các dân tộc trong thế giới thứ ba. Loài người nói chung và nước Campuchia nói riêng sẽ không bao giờ quên sự đóng góp vô giá và không gì so sánh nỗi của các bạn vào thắng lợi đó”[[2]].

Khẳng định ý nghĩa và giá trị của tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia và rộng hơn là khối đoàn kết Việt Nam - Campuchia - Lào đối với sự nghiệp chống đế quốc xâm lược của ba dân tộc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu nêu rõ: “Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam - Lào - Campuchia đối với chủ nghĩa thực dân, ba nước đã có sự gắn bó, phối hợp để chống kẻ thù chung, cho nên Việt Nam giúp Lào, Campuchia và ngược lại Lào, Campuchia cũng giúp Việt Nam. Ba dân tộc đều có sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau. Riêng về Việt Nam, chúng tôi luôn biết ơn Nhà nước và nhân dân hai nước Campuchia và Lào”[[3]].

Sau khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược thắng lợi (4/1975), nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia hơn lúc nào hết chỉ mong muốn được sống trong hòa bình, tiếp tục quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng nhau xây dựng, bảo vệ nền độc lập và phát triển đất nước. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh hai nước Việt Nam - Campuchia tiếp tục bước vào mặt trận đoàn kết mới đó là: đoàn kết chống chế độ diệt chủng, hồi sinh dân tộc và tìm giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia từ năm 1975 đến 1993. Trong đó, Việt Nam giúp đỡ Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, khôi phục quan hệ giữa hai nước (từ tháng 6 năm 1978 đến tháng 1 năm 1979); ký Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác; giúp Campuchia khắc phục hậu quả của chế độ diệt chủng, bước đầu ổn định đời sống nhân dân (1979-1982); hợp tác thực hiện ba mục tiêu chiến lược của cách mạng Campuchia (1983-1985); đổi mới quan hệ giữa hai Đảng, đẩy nhanh tiến trình rút chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam về nước, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tìm giải pháp chính trị ở Campuchia (1986-1989); hợp tác tìm giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Campuchia (1989-1991); hợp tác trong việc thực hiện Hiệp định quốc tế Paris về Campuchia (1991-1993). Từ năm 1993, Việt Nam - Campuchia tiến tới hợp tác toàn diện giai đoạn (1993-2010); củng cố, tăng cường, định hướng nội dung quan hệ hợp tác toàn diện, chủ yếu giai đoạn (2011-2020).

2. Phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia

Trong những năm tới, mặc dù có nhiều thuận lợi, song quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia đang và sẽ gặp những khó khăn, thách thức trước sự tác động, can dự của các nước lớn và sự chống phá quyết liệt của các lực lượng đối lập, thù địch.

Trước tình hình mới, lãnh đạo Việt Nam, Campuchia tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ truyền thống và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, coi đây là mối quan hệ chiến lược lâu dài, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước, cần phải được giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau. Hai nước đều mong muốn tiếp tục được củng cố, phát triển mối quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, từ ngày 20 đến 22/7/2017, Thủ tướng Hun Sen nhất trí hoàn toàn với đề nghị 5 điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về hướng tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước trong thời gian tới là: Tăng cường, duy trì thường xuyên, hiệu quả các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cáp cao hai Đảng, hai nước; đồng thời mở rộng hợp tác rộng rãi giữa các bộ, ngành, các tổ chức nhân dân, các địa phương, nhất là các địa phương có chung biên giới nhằm giúp đỡ nhau một cách thiết thực, có hiệu quả; không ngừng đẩy mạnh công tác giáo dục cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Cũng trong chuyến thăm này, lãnh đạo cấp cao hai nước đều khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước về mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, Campuchia - Việt Nam. Phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc rằng Campuchia và Việt Nam có quan hệ đoàn kết, hữu nghị lâu đời, nhân dân hai nước là những người láng giềng tốt đã từng đồng cam cộng khổ trong sự nghiệp đấu tranh xâu dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như Thủ tướng Hun Sen đã khẳng định “Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này, có đất nước nào đã giúp nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn sự quay lại của chúng? Câu trả lời là nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Campuchia có niềm tin, chỉ có tiên, có Phật mới cứu được những phận người khi gặp khó khăn, khốn cùng. Đúng vào lúc người dân Campuchia sắp chết, chỉ còn biết chắp tay cầu tiên, Phật tới cứu thì bộ đội Việt Nam xuất hiện. Bộ đội Việt Nam chính là đội quân nhà Phật”.

Mặc dù các thế lực thù địch luôn tìm cách chia rẽ, song tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác giữa hai Đảng, nhân dân hai nước vẫn được giữ gìn, vun đắp và ngày càng phát triển qua các giai đoạn của lịch sử, phù hợp với nguyên tắc mà lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đã thống nhất. Đó là “Quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp đó là tài sản quý báu của hai Đảng, nhân dân hai nước và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự ghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước. Việc tuyên truyền giáo dục phải được tiến hành thường xuyên với những hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả. Chú trọng tuyên truyền, giáo dục về mối quan hệ giữa hai nước thông qua hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thông tin, phát thanh, truyền hình…; các cuộc gặp gỡ, giao lưu giữa các địa phương, ban, ngành, đơn vị,… đặc biệt là thế hệ trẻ của hai nước. Hai bên cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch cơ hội nhằm xuyên tạc, phá hoại tình đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Những năm tới, với thể chế chính trị đa đảng, tình hình chính trị ở Campuchia có thể còn điễn biến phức tạp; Việt nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề Biển Đông; quan hệ Việt Nam - Campuchia tiếp tục phải đối mặt với sự chống đối, phá hoại của các thế lực bên trong và bên ngoài,… nhưng với mong muốn và quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống Việt Nam - Campuchia được tạo dựng bằng tình cảm chân thành và xương máu của hai dân tộc nhất định tiếp tục được củng cố, phát triển và nâng lên tầm cao mới vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (2015), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia (1930-2017), Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

3. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1920-1954 (1984), Tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

 


[[1]] Xem Lê Duẫn: “Chỉ thị gửi Ban cán sự Miền về vấn đề lãnh đạo tư tưởng cán bộ trước tình hình mới”, ngày 11/8/1954, lưu trữ tại Viện Lịch sử Đảng.

[[2]] Điện mừng ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng của Quốc trưởng Chính phủ Vương quốc đoàn kết Campuchia. Xem Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, tr.259.

[[3]] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam 1920-1954 (1984), Tập 1, Nxb Sự Thật, Hà Nội, tr.740.


Các tin khác