Những điều cần biết về Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc: Lãnh đạo mới được bầu như thế nào và nội dung chính là gì?

Ngày 16/10, hơn 2.296 đại biểu, đại diện cho hơn 96 triệu đảng viên và hơn 4,9 triệu tổ chức đảng cấp cơ sở trong cả nước trên khắp cả nước đã tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh để tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX. 

Chủ đề Đại hội là “Giương cao ngọn cờ vĩ đại chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, quán triệt sâu sắc tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới, nêu cao tinh thần thành lập Đảng vĩ đại, tự tin, tự cường, kiên trì đường lối căn bản và đổi mới sáng tạo, phấn đấu vươn lên, dũng cảm tiến bước, đoàn kết phấn đấu để xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thúc đẩy sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa”.

Tại Đại hội lần thứ XX, các đại biểu sẽ bầu ra những nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), sửa đổi điều lệ đảng và thông qua định hướng chính sách của đất nước trong 5 năm tới. Đại hội năm nay có ý nghĩa đặc biệt khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ nắm giữ vị trí Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba.

Tại sao đại hội lần thứ 20 lại quan trọng?

Thông thường, Tổng Bí thư của ĐCSTQ sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho một người mới sau khi trải qua hai nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà lãnh đạo tối cao của đất nước là ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ chức vụ hiện nay thêm một nhiệm kỳ nữa. Điều này sẽ phá vỡ quy tắc do hai người tiền nhiệm đặt ra. Trước đó, ông Hồ Cẩm Đào và ông Giang Trạch Dân đều rời vị trí Tổng Bí thư sau hai nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, ông Tập Cận Bình còn giữ hai chức vụ quan trọng khác là Chủ tịch Quân ủy Trung ương và là Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Dự kiến, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục giữ vị trí nhà lãnh đạo cao nhất tại Đại hội Đảng và kéo dài chức Chủ tịch nhà nước tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3/2023. Trước đó, hiến pháp Trung Quốc đã được quốc hội sửa đổi vào năm 2018, theo đó đã xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước. Nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập khẳng định sự kiểm soát vững chắc của ông đối với đảng và nhà nước, và ông sẽ tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng sau Đại hội 20, trong đó có Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia vào ngày 15-16/11 và Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Thái Lan sau đó 1 ngày.

 

Công tác bầu cử

2.296 đại biểu đại diện cho đảng bộ các cấp tại 34 tỉnh, thành, khu vực sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoảng 400 thành viên), Bộ Chính trị (25 thành viên) và Ban Thường vụ Bộ Chính trị (7 người).

Cơ quan quyền lực nhất hiện nay ở Trung Quốc là Thường vụ Bộ Chính trị. Hiện không có văn bản nào quy định số lượng thành viên. Kể từ năm 1927, khi cơ quan này lần đầu tiên được thành lập, con số này dao động trong khoảng từ 3-11 người. Khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012 với sứ mệnh chấn hưng đảng, ông đã giảm quy mô Thường vụ xuống còn 7 người.

Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc hiện tại bao gồm ông Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, các ông Lật Chiến Thư, Uông Dương, Vương Hộ Ninh, Triệu Lạc Tế và Hàn Chính. Bảy thành viên này nắm giữ quyền lực cao nhất ở quốc gia đông dân nhất thế giới, mỗi người có một phiếu bầu về các quyết định chính sách quan trọng. Ông Tập Cận Bình có vị trí tối cao, là người vạch ra chương trình nghị sự cho các cuộc họp quan trọng của họ.

Ngoại trừ ông Tập sẽ tiếp tục tại vị, các thành viên khác trong Thường vụ Bộ Chính trị sẽ có một số thay đổi. Các nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc cho biết, quốc gia này có quy tắc “bất thành văn” là “7 lên, 8 xuống”, có nghĩa là các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị từ 68 tuổi trở lên sẽ về hưu, còn các uỷ viên từ 67 tuổi trở xuống sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí. Nếu quy tắc này được áp dụng trong kỳ Đại hội 20, Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư (71 tuổi) và Phó Thủ tướng Hàn Chính (68 tuổi) sẽ rời khỏi Thường vụ Bộ Chính trị. Hai ông Uông Dương và Vương Hộ Ninh đều 67 tuổi.

Ai sẽ thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường?

Theo quy định, Thủ tướng chỉ được giữ chức hai nhiệm kỳ, do đó, ông Lý Khắc Cường sẽ thôi chức. Chính vì vậy, ông Lý Khắc Cường, người có vai trò giám sát chính đối với nền kinh tế đại lục, sẽ không còn là Thủ tướng kể từ tháng 3/2023, sau 10 năm nắm quyền. Vào tháng 3 năm nay, ông đã thông báo sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông có thể sẽ chưa hoàn toàn rút khỏi chính trường. Ở tuổi 67, ông Lý chưa đến mốc về hưu “không chính thức" dành cho quan chức cấp cao Trung Quốc.

Một số nhà phân tích đã chỉ ra rằng, sự hiện diện ngày càng nhiều của ông trước công chúng trong năm nay là dấu hiệu cho thấy ông có thể sẽ tiếp tục có mặt trong Thường vụ Bộ Chính trị, và nhiều khả năng sẽ giữ cương vị Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Nhân đại - Chủ tịch Quốc hội), được coi là nhân vật số 3 trong đội ngũ lãnh đạo Trung Quốc. Tiền lệ này đã từng xảy ra vào năm 1998 với trường hợp của ông Lý Bằng. Thủ tướng Trung Quốc là vị trí quan trọng thứ 2 trong hệ thống chính trị Trung Quốc. Vì vậy, ứng viên nào sẽ kế nhiệm ông Lý Khắc Cường luôn là mối quan tâm của hầu hết giới nghiên cứu Trung Quốc trên thế giới. Hiện có một số ứng cử viên sáng giá:

Ông Uông Dương, 67 tuổi, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân (Chính hiệp), cơ quan tham vấn chính trị quyền lực thứ 4 của Trung Quốc. Trước đó, ông từng giữ cương vị Phó thủ tướng và là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông - địa phương có nền kinh tế mạnh.

Ông Hồ Xuân Hoa, 59 tuổi, hiện là 1 trong 4 Phó thủ tướng và là cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Ông Trần Mẫn Nhĩ, 61 tuổi, hiện là Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Ngoài ra còn có ông Lý Cường, hiện là Bí thư thành phố Thượng Hải.

Theo thông lệ từ thời cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, Thủ tướng trước khi nhậm chức đều từng là Phó thủ tướng. Các Phó thủ tướng hiện tại gồm 4 người là Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc. Từng có quan điểm cho rằng có thể ông Hàn Chính được giữ lại để kế nhiệm chức Thủ tướng. Ông Hàn Chính năm nay 68 tuổi.

Nếu duy trì truyền thống tất cả Thủ tướng đều phải kinh qua vị trí Phó thủ tướng thì các ông Hồ Xuân Hoa và Uông Dương - hiện là ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, có khả năng trở thành Thủ tướng tiếp theo.

Phụ nữ có được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị?

Chưa có phụ nữ nào từng được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Người phụ nữ duy nhất trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên hiện nay là bà Tôn Xuân Lan, người dự kiến sẽ nghỉ hưu ở tuổi 72.

Đại hội Đảng đóng vai trò như thế nào đối với chương trình nghị sự chính sách của Trung Quốc?

Với việc ông Tập Cận Bình dự kiến tiếp tục giữ vị trí Tổng Bí thư ĐCSTQ, các nhà phân tích cho rằng sẽ không có sự thay đổi về chính sách đối nội, đối ngoại của Trung Quốc.

Về phương diện quốc tế, các nhà phân tích dự đoán ông Tập Cận Bình sẽ ngày càng mạnh bạo hơn khi quan hệ Mỹ-Trung đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ do mối lo ngại của Washington về sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.

Sau giai đoạn bùng nổ, nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn suy giảm do Covid-19, tình hình thị trường bất động sản khó khăn và sự đứt gãy chuỗi cung ứng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Cách tiếp cận Zero Covid của Trung Quốc đối với đại dịch là một trong những chính sách mang tính bước ngoặt của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. Trong giai đoạn đầu đại dịch chưa có vaccine, Zero Covid thể hiện rõ ưu thế so với những chính sách của các quốc gia phương Tây.

Tuy nhiên, khi phần lớn thế giới đã trở lại bình thường, Trung Quốc vẫn tăng cường những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh với những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. Các báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay nằm ở mức 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với dự báo ban đầu là 5%.

Trung Quốc hiện cũng phải đối mặt với thách thức về dân số, đang bước nhanh vào quá trình già hóa do chính sách một con của quá khứ.

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) tiếp tục được coi là chiến lược chính trong việc xây dựng thương hiệu của Trung Quốc khi thu hút sự hưởng ứng của 147 quốc gia tính đến tháng 3. Dù vậy, trong năm qua, Vành đai, Con đường đã dần không còn trong những tuyên bố chính thức của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Thay vào đó, Trung Quốc đang chuyển sang một phương hướng mới: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI). Sáng kiến này mới được đưa ra vào tháng 9/2021 và hiện còn nhiều chi tiết chưa rõ.

Bên cạnh GDI, Trung Quốc còn đưa ra Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), thể hiện tầm nhìn và cam kết của Trung Quốc đối với vấn đề an ninh quốc tế. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một sáng kiến mang tính toàn cầu về an ninh.

Tháng 5/2022, ông Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, đã đề cập phát triển và an ninh là “hai ưu tiên hàng đầu” trong chính sách đối ngoại Trung Quốc. Trong bài viết, ông chỉ nhắc đến GDI và GSI, không hề nhắc đến Vành đai, Con đường.

Việc Vành đai, Con đường không còn là ưu tiên trong chính sách sẽ khiến các nhà lãnh đạo trong Đại hội XX phải đưa ra quyết định liệu sáng kiến nào sẽ được ưu tiên trong chính sách đối ngoại Trung Quốc.


Các tin khác