Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Bệnh “A dua” cần được loại bỏ

“A dua” được hiểu là hùa (làm) theo, bắt chước, đồng nghĩa với a tòng, vào hùa với người khác để lấy lòng, (thường thì “hùa theo” cái xấu, cái tiêu cực, sai trái thì mới được gọi là a dua). Chúng ta cần phân định rõ việc ủng hộ, giúp đỡ cái mới, cái tốt, cái tích cực với a dua, hùa theo những cái xấu, cái tiêu cực, việc làm sai trái của người khác, theo người xấu làm bậy. 

Từ chổ “a dua” nên thường phát ngôn thiếu cân nhắc, không đúng sự thật, mang tính tiêu cực, kiểu “nói cho sướng miệng”, có lúc trở thành vu khống, đặt điều với ý đồ xấu để phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc một nhóm nào đó với động cơ không trong sáng, hoặc nhằm hãm hại một người hoặc một nhóm người hay tổ chức, một thể chế nào đó.

Người mắc bệnh “a dua” là những người không nói ra, không viết ra từ nhận thức, quan điểm, chính kiến của chính mình mà theo đuôi, phụ họa theo cách nhìn nhận, quan điểm của người khác. “A dua” đã có từ lâu và ngày càng phát triển dưới nhiều góc độ khác nhau và mức độ ngày càng nguy hiểm hơn như “tát nước theo mưa”, “tung tin thất thiệt”, “bóp méo, xuyên tạc sự thật”, lôi kéo, kích động, thậm chí mua chuộc xuất phát từ lợi ích cá nhân, ích kỷ trong lối sống để bôi nhọ, chống phá có chủ đích, ... do đó chúng ta phải phân biệt đúng, sai, tích cực, tiêu cực để có thái độ tích cực, suy xét thấu đáo trong việc ủng hộ cái mới, cái tích cực và đấu tranh với những kẻ mắc bệnh “a dua” với cái xấu, cái tiêu cực, sai trái, không chính kiến, thiếu nhân cách, đánh mất lòng tự trọng hoặc bị người khác thao túng.

Bệnh “a dua”xuất hiện mọi nơi, mọi lúc, ở đây muốn nêu chứng “a dua” xuất hiện không chỉ trong xã hội mà còn có cả trong cán bộ, đảng viên, trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, gây tác hại cho tổ chức, cho cán bộ, đảng viên, cần được xem xét, đánh giá đúng mức, có thái độ đúng đắn và xử lý nghiêm minh với những cán bộ, đảng viên có hội chứng “a dua” để làm lành mạnh hóa tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, nhằm xây dựng tinh thần đoàn kết, tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp và văn hóa công sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có quan điểm rõ ràng, có động cơ trong sáng, bản lĩnh chính trị, phấn đấu vươn lên và dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, dám đương đầu với thói hư tật xấu, đấu tranh, chống lại bệnh “a dua” để làm cho tổ chức đảng, cơ quan nhà nước ngày càng vững mạnh

Trong những năm vừa qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và một số quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, nhiều cán bộ, đảng viên đã mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực về phẩm chất đạo đức, lối sống; tự diễn biến, tự chuyển hóa, tham nhũng, tiêu cực, hạn chế được nhiều biểu hiện tiêu cực trong Đảng, trong cán bộ, công chức như “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, góp phần từng bước xây dựng chi bộ, tổ chức đảng ngày càng trong sạch vững mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ, niềm tin đối với Đảng, Nhà nước ngày càng nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhân tố tích cực, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, thiếu chính kiến, dĩ hòa vi quý, hoặc “mắc bệnh a dua” đánh giá về cán bộ và sự việc bị méo mó, niềm tin bị ảnh hưởng, nếu không được ngăn chặn sẽ tiếp tục làm nảy sinh nhiều vấn đề khác như: Có việc đã rõ, nhưng kết quả không được như mong muốn; những sai trái, tiêu cực được một bộ phận “a dua” làm ngơ và có ý bao biện cho cái sai tồn tại. Thực chất “a dua” xét cho cùng là bệnh của kẻ yếu hèn, của kẻ xu nịnh "gió chiều nào che chiều ấy". Những đóng góp chân thành, phê bình được cho là bới lông tìm vết, mất đoàn kết nội bộ, không có tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp “đánh bùn sang ao”. Vì vậy bệnh “a dua” cần phải được quan tâm giải quyết, đấu tranh quyết liệt, góp phần quan trọng trên bước đường đi tới, loại bỏ, làm lành mạnh hóa trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và xây dựng tinh thần đồng chí, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng văn hóa trong Đảng.

Anh T. dưới đây có thể là một việc điển hình. Anh T. là một cán bộ cần mẫn, ham học hỏi, làm việc có tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong công tác có nhiều nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; luôn giúp đỡ mọi người. Anh T. sống chân thành, giản dị, nghĩa tình với đồng chí, đồng nghiệp. Khi đánh giá về mình, anh T cũng rất nghiêm khắc và luôn tự nhận khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót ... Nhưng anh T là người thẳng thắn, trực tính, một số người được anh góp ý phê bình không những không thấy được khuyết điểm của mình mà còn tỏ thái độ không đúng mực, “a dua” với những người có việc làm sai trái đạng đươc tổ chức kiểm điểm, phê bình để cô lập anh T, cho rằng Anh “chủ nghĩa cá nhân”, “tự cao, tự đại”, ... .“A dua”, là biểu hiện của suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được ngăn chặn. Mỗi người có một số cá tính, tính cách riêng, miễn sao cá tính ấy phù hợp với chuẩn mực đạo đức cách mạng, phù hợp với quy chế, quy định của tổ chức, không ảnh hưởng đến uy tín danh dự của người khác, của tổ chức thì người đó tốt, không vi phạm. Anh T là nạn nhân của bệnh “a dua”.

Do đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là tự kiểm tra, giám sát để sớm làm rõ nguyên nhân, có giải pháp khắc phục kịp thời chứng bệnh “a dua”. Đi cùng với đó, mỗi chúng ta phải tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phân biệt được đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai, đâu là thông tin không có cơ sở; đâu là thông tin hữu ích, thông tin xấu độc ... Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị trong cơ quan, đơn vị để kịp thời làm rõ nguyên nhân, kỷ luật nghiêm minh, tìm ra giải pháp và chú trọng nhất là giải pháp về tư tưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy rằng “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng; phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác. Vì tư tưởng thông suốt thì làm việc gì cũng tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc”. Vì vậy các cấp ủy đảng, cơ quan quan tâm sâu sát, chỉ đạo, sớm khắc phục căn bệnh này nếu nó xuất hiện ở cơ quan, đơn vị mình, để làm cho tổ chức đảng, cơ quan trong sạch vững mạnh góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thắng lợi, là một trong những việc làm thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh../.

                                                                                                           

 

 


Các tin khác