Ưu tiên đảm bảo cân đối cung - cầu, ổn định thị trường vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Theo thông tin từ Sở Công thương Bình Thuận, công tác dự trữ các mặt hàng thiết yếu và phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa luôn được quan tâm triển khai nhằm đảm bảo cung ứng, phục vụ kịp thời nhu cầu đi lại cho người dân huyện đảo Phú Quý khi có thời tiết xấu xảy ra.

Theo đó, kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sẽ được các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường có phương án tổ chức kinh doanh, gắn kết đầu tư, sản xuất, phân phối, tiêu thụ, bảo đảm nguồn cung hàng hóa với giá cả ổn định, vừa tạo nguồn hàng, vừa phát triển mạng lưới bán lẻ đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ bình ổn thị trường với tổng mức hàng hóa dự trữ trị giá khoảng 391,2 tỷ đồng (tăng khoảng 34 tỷ đồng so với dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023), gồm nhiều mặt hàng thiết yếu bình ổn tại các đơn vị.

Để tạo điều kiện về nguồn vốn cho các đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận và các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cân đối nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn với mức lãi suất cho vay ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay kinh doanh cùng thời điểm; có hạn mức tín dụng, mức lãi suất cho vay phù hợp dành cho các doanh nghiệp tham gia kế hoạch này; tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh chóng thủ tục vay vốn và đảm bảo giải ngân kịp thời cho doanh nghiệp tham gia chương trình.

Ngoài ra, để tổ chức thực hiện tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, Sở Công Thương thường xuyên đôn đốc việc thực hiện của doanh nghiệp để bảo đảm đủ hàng hóa, chất lượng, an toàn thực phẩm, trong đó chú ý đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm để phục vụ nhân dân với giá hợp lý, ổn định. Phối hợp các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định về giá bán các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá để đảm bảo quyền lợi mua sắm của người dân; đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa bảo đảm đủ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trước, trong và sau tết Nguyên đán, qua đó góp phần trong việc ổn định thị trường, giá cả hàng hóa.

Đối với việc bảo đảm dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu, phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa phục vụ nhân dân huyện Phú Quý dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn và trong mùa thời tiết xấu năm 2024: Trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng của người dân, thực tế quy mô của các cửa hàng, đại lý kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn huyện, số lượng hàng hóa tham gia phương án dự trữ chiếm khoảng 60% - 70% so với nhu cầu thị trường. Ngoài mức dự trữ trên, UBND huyện Phú Quý chủ động khuyến khích, vận động dự trữ trong dân sao cho đảm bảo chiếm 30 - 40% lượng hàng hóa thiết yếu theo nhu cầu tại địa phương.

Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, thực hiện tốt công tác tổ chức thị trường, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt từ đất liền ra Phú Quý. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong đất liền mở rộng mạng lưới, kênh phân phối nhằm chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ huyện Phú Quý bảo đảm giá cả hợp lý, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Thuận chỉ đạo các Ngân hàng thương mại cân đối nguồn tín dụng, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa thiết yếu tiếp cận vốn vay theo gói hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhanh chóng, thuận lợi để cung ứng hàng hóa cho thị trường huyện Phú Quý.

Đối với mặt hàng thịt heo: Sở Công Thương sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương căn cứ lượng heo dự kiến xuất chuồng theo kế hoạch của các đơn vị chân nuôi để cân đối số lượng, ưu tiên xuất bán cho các đơn vị thu mua heo thịt của các hộ chăn nuôi tham gia bình ổn thị trường đảm bảo đầy đủ, kịp thời dịp cuối năm 2023 và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Mặt hàng xăng dầu: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28 tháng 8 năm 2023 của Bộ Công Thương về việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của bảo đảm không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường của tỉnh trong mọi tình huống, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân; kịp thời báo cáo Ủy ban nhân tỉnh, Bộ Công Thương những vướng mắc phát sinh.

Ngoài ra, để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường cuối năm 2023 vào dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương đã triển khai đến các doanh nghiệp, cơ sở sản sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, doanh nghiệp phân phối của tỉnh tham gia chuỗi hoạt động các sự kiện tại Hội nghị nghị kết nối cung cầu giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2023, đây là hoạt động thường niên; với quy mô 500 gian hàng trực tiếp với sự tham gia của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Tại chuỗi sự kiện Hội nghị kết nối cung cầu năm nay, nội dung quan trọng nhất là không gian kết nối B2B, trao đổi trực tiếp giữa 12 hệ thống phân phối, 5 sàn Thương mại Điện tử và hơn 1.000 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành. Hội chợ tập trung nhóm ngành hàng giới thiệu như: sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm chủ lực, sản phẩm dịch vụ, văn hóa đặc sắc của địa phương. Tham gia chuỗi sự kiện, ngoài 12 đoanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trao đổi trực tiếp với hệ thống phân phối của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành để cung ứng hàng hóa; còn có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tùng Loan (đơn vị tham gia Kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) làm việc trực tiếp với các đơn vị cung ứng hàng hóa của các tỉnh thành để thu mua hàng hóa chất lượng cao, giá cả hợp lý trên phạm vi cả nước để bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường, phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Sàn thương mại điện tử 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng sau khi nâng cấp xong (thời gian hoàn thành việc nâng cấp: 31/12/2023, hiện nay đã có 56 cơ sở với hơn 181 sản phẩm các loại, sau khi nâng cấp xong, số đơn vị và sản phẩm tham gia trên sàn sẽ phong phú hơn) đây là kênh mua sắm trực tuyến các sản phẩm OCOP, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biển, sản phẩm đặc trưng của tỉnh góp phần cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, đáp ứng nhu cầu sản xuất tiêu dùng của nhân dân trong những tháng trước, trong và sau tết Nguyên đán năm 2024./.


Các tin khác