Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ cụ thể:
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII (tháng 10/1986), xác định mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa, xã hội trong 5 năm tới (1986 - 1990) là: “…ổn định và cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân; từng bước xây dựng xã hội mới, con người mới xã hội chủ nghĩa”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII (tháng 12/1992) đề ra nhiệm vụ: “…Phát triển sự nghiệp văn hóa theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tính thẩm mỹ và giáo dục, chuyển mạnh hoạt động về cơ sở, coi trọng phục vụ miền núi và hải đảo, vùng căn cứ cách mạng, đáp ứng nhu cầu văn hóa của cán bộ và nhân dân. Xây dựng thị hiếu hưởng thụ văn hóa lành mạnh. Đấu tranh ngăn chặn các loại văn hóa phản động đồi trụy, bài trừ mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội. Khắc phục khuynh hướng thương mại trong hoạt động văn hóa văn nghệ..”
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX (tháng 4/1996) nêu rõ: “…Bài trừ các tệ nạn xã hội, đẩy lùi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng; ngăn chặn tình trạng giảm sút về đạo đức xã hội; giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa nghệ thuật hướng vào xây dựng, bồi dưỡng lòng tự hào và tinh thần dân tộc; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và truyền thống cách mạng, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thời đại”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X (tháng 02/2001) nêu lên nhiệm vụ: “..Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Mọi hoạt động văn hoá phải nhằm vào việc xây dựng con người mới, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xă hội, có ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm cao trong lao động, có lương tâm nghề nghiệp và tác phong công nghiệp, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ…”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XI (tháng 12/2005) xác định: “…Phát triển văn hoá gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân; giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc. Hoạt động văn hoá phải nhằm xây dựng môi trường xã hội văn minh, lối sống lành mạnh, hướng mọi người tới chân, thiện, mỹ. Đẩy mạnh xã hội hoá và chuyển mạnh các hoạt động văn hoá về cơ sở, chú ý đúng mức vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng thanh thiếu nhi”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (tháng 9/2010) xác định nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa là: “…Đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển mạnh các hoạt động văn hóa. Phát triển mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước với huy động sức dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá. Đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu. Đặt biệt, coi trọng việc xây dựng “Gia đình văn hóa”, “khu phố, thôn văn hoá” một cách thực chất”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (tháng 10/2015) xác định: “…Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh xã hội hóa và chuyển mạnh các hoạt động văn hóa về cơ sở; phát triển mạnh phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng. Kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước với huy động sức dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá...”.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XIV (tháng 10/2020) đề ra nhiệm vụ “…Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phát triển con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Ngoài ra, giữa các kỳ đại hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam như Tỉnh ủy (khóa XII) đã ban hành Chương trình hành động số 29-NQ/TU, ngày 11/7/2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và con người Bình Thuận nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Việc xây dựng phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận qua gần 40 năm đổi mới
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 29.228 hiện vật gốc, 29.251 hiện vật tham khảo. Năm 2010, xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình. Năm 2015, Bảo tàng tỉnh đã xây dựng Nhà trưng bày 7 chuyên đề. Trước dịch Covid-19 bùng phát năm 2019, hàng năm tại hai địa điểm này đón trên 15.000 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Về bảo tồn văn hóa vật thể: có 28 di tích quốc gia và 42 di tích cấp tỉnh, đã được đầu tư tôn tạo bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa. Từ năm 1986 đến nay, đã triển khai 13 đề tài/dự án nghiên cứu về văn hóa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 06 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận. Tổ chức phục dựng, nâng tầm và đưa vào thực hiện các lễ hội truyền thống tiêu biểu của các cộng đồng dân tộc trong tỉnh như: Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa tại Quan Đế miếu, phường Đức Nghĩa (1998); Lễ hội Katê của người Chăm ở di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết (2005); Lễ hội Giỗ Tổ các Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong (2017). Đến năm 2023, tỉnh Bình Thuận có 04 loại hình di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: “Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận” (2012); “Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, phường Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận” (2019), lễ hội Katê của người Chăm Bàlamôn tỉnh Bình Thuận (2022), Lễ hội dinh Thầy Thím (2022). Xây dựng và triển khai Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình”; Đề án “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Cầu ngư ở vạn Thủy Tú phục vụ phát triển du lịch” trình Ủy ban nhân tỉnh phê duyệt và ban hành thực hiện năm 2021. Tỉnh đang phối hợp với tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ khoa học “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” trình Unesco đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp trong thời gian đến.
Văn hóa, văn nghệ quần chúng và biểu diễn chuyên nghiệp, nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng phục vụ Nhân dân như: Liên hoan “Tình khúc Bolero” tỉnh Bình Thuận; chương trình “Chào Xuân mới”, “Đón Xuân”,“Cung đàn mùa Xuân”, “Xuân và tuổi trẻ”; Hội thi Chào mào đấu hót vui Xuân; “Đêm nhạc gây quỹ vì miền Trung thân yêu”; chương trình Liên hoan Hiphop “Nhịp điệu trẻ”; chương trình nghệ thuật “Bình Thuận - Điểm hẹn xanh”… Tổ chức triển lãm ảnh kỷ niệm ngày thành lập Đảng, gắn với mừng tết Nguyên đán của dân tộc; Chương trình nghệ thuật “Chào năm mới” (countdown)... Đội tuyên truyền và chiếu phim lưu động hoàn thành chỉ tiêu giao các năm 1000 xuất chiếu/năm. Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn nghệ thuật phục vụ chính trị luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao; xây dựng và nhiều chương trình phục vụ Nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh; tham gia đầy đủ các Liên hoan, hội thi và các sự kiện lớn của quốc gia cũng như tỉnh nhà.
Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, giao lưu văn hóa hướng mạnh về cơ sở như: chiếu phim, biểu diễn văn nghệ của Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị của Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh, luân chuyển sách của Thư viện tỉnh; trong đó, Thư viện tỉnh tiếp nhận xe thư viện lưu động đa phương tiện, đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân, trong đó có chú trọng phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo của tỉnh. Các hoạt động văn hóa tiêu biểu như: Ngày hội đưa văn hóa về cơ sở, Liên hoan Tiếng hát về nguồn, Ngày hội Văn hóa - Thể thao 04 xã miền núi của huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Tổ chức Liên hoan Văn nghệ quần chúng các xã nông thôn mới tỉnh Bình Thuận tuyên truyền về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Xây dựng nông thôn mới”…
Việc triển khai quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp Nhân dân và được đồng tình rất cao, như xây dựng Nhà hát và Triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh, Thư viện tỉnh, xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho các xã, nhất là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Hầu hết các thiết chế Nhà Văn hóa xã và thôn, bản sau khi xây dựng và đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tương đối tốt trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đều khắp các xã và thôn, bản, thu hút khá đông đồng bào đến giao lưu, học hỏi, sáng tạo, cùng tham gia biểu diễn tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh gắn với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, học tập, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thực hiện Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, hệ thống thiết chế văn hóa toàn tỉnh Bình Thuận có 01 Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, 09/10 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp huyện (huyện Hàm Tân đang tạm sử dụng các thiết chế khác tại địa bàn); 106/124 Trung tâm Văn hóa và Thể thao cấp xã, phường; 671/691 Nhà Văn hóa thôn, khu phố đã được trang bị cơ bản hệ thống âm thanh; số còn lại tạm thời sử dụng các Trung tâm Học tập cộng đồng, trường học và các nhà dân tại địa bàn có điều kiện phù hợp để hoạt động tạm thời. Đã hình thành một số địa điểm văn hóa phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân và du khách do doanh nghiệp tư nhân đầu tư như: Bảo tàng nước mắm, Bảo tàng Rượu vang, Sân khấu Làng chài ở Khu văn hóa Bản sắc Phan Thiết của Công ty TNHH Seagull; Công viên tượng cát Forgotten Land tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết... Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp ủy, các ngành thường xuyên chỉ đạo thực hiện, xem đây là “hạt nhân” của việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 29-NQ/TU. Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh đã rà soát, điều chỉnh các tiêu chí thi đua gắn với việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trong đó, đã chú trọng xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, khu phố văn hóa”; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích và chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo chiều sâu.
Về xây dựng con người Bình Thuận phát triển toàn diện, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng quy tắc ứng xử, quy định về chuẩn mực văn hóa trong từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, ý thức tuân thủ pháp luật; tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của công dân. Việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện được chú trọng, việc giảng dạy và học tập đạo đức, giáo dục công dân trong trường học được thực hiện đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặt khác, đã chỉ đạo các cấp ủy quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng có liên quan đến công tác văn hóa. Những kết quả trong xây dựng và phát triển văn hoá đã góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện con người con người Bình Thuận.
Qua gần 40 năm triển khai công tác xây dựng phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã đạt được nhiều kết quả. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của Trung ương, của Tỉnh ủy nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên lĩnh vực văn hóa, xã hội; nhất là từ năm 2007 gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Những giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh tiếp tục được bảo tồn và phát huy; từng bước xóa bỏ những hủ tục, tập quán lạc hậu; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh được quan tâm. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật được tăng cường. Công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được quan tâm hơn; một số di tích lịch sử - văn hóa được trùng tu, đáp ứng nhu cầu phục vụ cộng đồng.
Qua gần 40 năm triển khai công tác xây dựng phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động đã từng bước nắm vững về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa, xã hội và xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quan tâm tích cực, thường xuyên triển khai sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tạo hiệu quả xã hội rõ nét, tác động tích cực đến nhận thức và hành động của nhân dân./.