Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Sáng 1/12 vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế. 

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận; Hội trường A – Trung tâm Hội nghị tỉnh

Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Tô Lâm; các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú. Cùng dự còn có các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 14.535 điểm cầu cấp huyện, cơ sở, các cơ quan, đơn vị, quân khu, quân chủng, quân đoàn trên toàn quốc, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương với hơn 1,3 triệu đại biểu tham dự.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bình thuận Đặng Hồng Sỹ; Phó Bí thư Tỉnh ủy,  Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng; các Phó Chủ tịch HĐND-UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các cán bộ chủ chốt của tỉnh. Tại Bình Thuận tổ chức 01 điểm cầu cấp tỉnh và 18 điểm cầu cấp huyện và 149 điểm cầu cấp xã, phường, thị trấn. Với 2.551 đại biểu tham dự.

Hội nghị đã được nghe Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày các nội dung chính về triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Nội dung Nghị quyết số 18-NQ/TW đề cập đến phương án sáp nhập, sắp xếp tổ chức bộ máy đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng; đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; đối với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ.

Qua 7 năm thực hiện, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

Trình bày chuyên đề “Giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm,  Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp cũng được đổi mới sâu sắc theo hướng các luật ngắn gọn, rõ ràng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”… Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 18 Luật, xem xét, thông qua 21 Nghị quyết. Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án Luật khác. Kỳ họp đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới...

Tiếp đó, hội nghị đã nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề “Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội năm 2025”. Theo đó, trong năm 2024, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng. Dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch: Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7%; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới...

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, vượt chướng ngại vật để về đích; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Để đạt mục tiêu đề ra, Báo cáo nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong năm 2025 như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8%. Huy động tối đa các nguồn lực xã hội. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án lớn, quan trọng, trọng điểm quốc gia…

Phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ quan điểm, hơn lúc nào hết và không thể chậm trễ hơn thời điểm này, Đất nước đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc; đây cũng là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới, cần tiếp tục tạo đột phá hơn nữa về thể chế, tháo gỡ hết các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Cần nhận thức rõ, đổi mới thể chế không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan xây dựng pháp luật, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và của từng cán bộ, đảng viên tham gia xây dựng, thực thi pháp luật. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước.

Về công tác chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư cho biết, các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng đã được Trung ương xây dựng tương đối công phu, kỹ càng, khoa học; do đó nhiệm vụ của cấp ủy các cấp là cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng các nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển mới. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước./.


Các tin khác