Thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bình Thuận

Cách mạng Tháng Tám tại Bình Thuận thành công là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của quân dân Bình Thuận nói riêng, Việt Nam nói chung. Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Từ lòng yêu nước mãnh liệt của nhân dân đến sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Việt Minh lâm thời tỉnh. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận đã dự đoán được tình hình cách mạng, bắt kịp với sự chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, của cả nước. Thực hiện tốt quá trình chuẩn bị thời cơ, quyết định chớp lấy thời cơ, thực hiện hành động kiên quyết đúng lúc. Điều đó đã làm nên thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bình Thuận vào ngày 24/8/1945.

 

 

 

Tháng 8 năm 1945, tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Đông Dương đã đến tột độ. Phe phát xít thua trận, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Đồng thời, ta đã xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu. Nhân dân ta không thể chịu đựng bị áp bức được nữa. Quyết tâm chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc, không khí cách mạng sôi sục. Bên cạnh đó, cách mạng phải chạy đua gấp rút với quân Anh, Mỹ trước khi chúng vào Đông Dương giải giáp quân phát xít, mượn danh nghĩa pháp lý để chiếm nước ta. Trong tình hình đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi. Hội nghị quyết định: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phátxít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hồ Chí Minh đã kiên quyết khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập”.

   Hưởng ứng sự lời kêu gọi của Đảng, nhân dân cả nước đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính quyền tay sai. Ở Bình Thuận, dưới sự chỉ đạo của Việt Minh lâm thời tỉnh, chỉ trong vòng 02 ngày, từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 8 năm 1945, nhân dân tỉnh Bình Thuận đã giành được chính quyền trong toàn tỉnh. Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ.

Những ngày trọng đại đó đã được lịch sử tỉnh nhà ghi lại:

“… tối 23/8/1945, tại trụ sở bí mật ở Lò Bún (phường Đức Nghĩa), Ban Việt Minh tỉnh họp (có Việt Minh thị xã Phan Thiết) tham gia đã đánh giá tình hình, bàn việc giành chính quyền trong ngày hôm sau (tức ngày 24/8/1945) và phân công người đi tiếp quản các công sở… Sáng ngày 24/8/1945, đại diện của Việt Minh là đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương gặp Huỳnh Dư tiến hành nhận bàn giao và tiếp quản các công sở… Sau đó tiếp nhận kho bạc, bưu điện, nhà máy đèn… và giải quyết nhà lao. Cùng ngày với Phan Thiết (24/8/1945), huyện Hàm Thuận cũng giành được chính quyền. Như vậy, đến ngày 24/8/1945, chính quyền tỉnh Bình Thuận và huyện Hàm Thuận đã về tay nhân dân… Cùng với việc giành chính quyền cấp tỉnh, ngày 24/8/1945, Ủy ban Việt Minh cũng đã tổ chức giành chính quyền ở các huyện phía Bắc tỉnh… Khi biết được được tin chính quyền ở thị xã Phan Thiết và huyện Hàm Thuận đã thuộc về tay nhân dân, những tên cầm đầu chính quyền bù nhìn ở các huyện Hòa Đa, Tuy Phong, Phan Lý cũng nhanh chóng đầu hàng, chính quyền nhân dân được lần lượt thành lập…”. Sau ngày khởi nghĩa, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Bình Thuận được thành lập do đồng chí Nguyễn Nhơn làm Chủ tịch, Nguyễn Tương làm Phó Chủ tịch…”[1]

     “… tin các tỉnh đã khởi nghĩa giành được chính quyền về tay nhân dân dồn dập báo về. Dù chưa được tổ chức cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng, song nhận thấy thời cơ giành chính quyền ở cấp tỉnh (Phan Thiết) và Hàm Thuận đã đến, nên sáng ngày 23/8/1945 Ban Việt Minh lâm thời tỉnh cử đồng chí Nguyễn Nhơn cùng một số anh em tự vệ đến gặp tỉnh trưởng Huỳnh Dư. Đồng chí Nguyễn Nhơn giải thích cho ông Huỳnh Dư về chủ trương của Việt Minh và phân tích lợi hại giữa hai con đường tán thành cách mạng hoặc chống lại cách mạng. Tình thế đã buộc Huỳnh Dư phải nhận: giao chính quyền cho Việt Minh. Ngay tối hôm đó, Ban Việt Minh lâm thời tỉnh họp mở rộng, có cả Việt Minh thị xã Phan Thiết tham dự, tại trụ sở bí mật ở lò Bún sau cửa hiệu Xê-na-ry (thuộc phường Đức Nghĩa). Sau khi đánh giá tính chất các sự kiện vừa xảy ra, Hội nghị bàn tổ chức lực lượng mít tinh và tiếp quản các công sở của địch bàn giao vào ngày mai (24/8/1945) và phân công tác đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương, đại diện Việt Minh tỉnh gặp ông Huỳnh Dư để tiếp quản chính quyền…

Sáng 24/8/1945, các đồng chí Nguyễn Nhơn, Nguyễn Tương - hai đại biểu Việt Minh tỉnh gặp tỉnh trưởng Huỳnh Dư tại nhà số 8, đại lộ Sài Gòn tiến hành bàn giao và tiếp quản các công sở… tất cả mọi thứ thuế bất công do chế độ thực dân đặt ra được tuyên bố xóa bỏ… Ngày 24/8/1945, chính quyền cấp tỉnh đã hoàn toàn về tay nhân dân…”[2].

Như vậy, ta thấy rằng Việt Minh lâm thời tỉnh Bình Thuận đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ “Nghìn năm có một” để thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng ở tỉnh nhà, khi nhân dân không thể sống trong cảnh bị áp bức, bóc lột như thế được nữa. Ta xây dựng được một lực lượng cách mạng hùng hậu, với ý chí quyết tâm cao độ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Phát xít Nhật đầu hàng quân đồng minh. Chính phủ tay sai hoang mang cực độ, mất hết ý chí chiến đấu. Khi quân Đồng minh chưa kịp nhảy vào Đông Dương giải giáp quân phát xít.

Những yếu tố trên kết hợp tạo thành điều kiện thuận lợi khiến cho thời cơ để nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Tám đã chín muồi. Đây là thời cơ “nghìn năm có một”, chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử. Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Bình Thuận là minh chứng hùng hồn cho nghệ thuật tạo thời cơ, chớp lấy thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân của Việt Minh tỉnh. Ngày nay, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đảng bộ Bình Thuận cũng cần phải sáng suốt lãnh đạo nhân dân ta nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tạo thời cơ cho chính mình. Bằng việc đi tắt đón đầu, nhạy bén tiếp thu các thành tựu khoa học kỹ thuật,…để tạo điều kiện phát triển toàn diện đất nước. Xây dựng một tỉnh Bình Thuận giàu mạnh để xứng đáng với sự nghiệp mà cha ông ta đã dày công xây dựng./.

 


[1] Bình Thuận 30 năm kháng chiến (1945-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 29-30-31:

[2] Lịch sử công tác Tổ chức xây dựng Đảng tỉnh Bình Thuận (1930-1945), 2016, tr. 33-34:

 


Các tin khác

TIN NỔI BẬT