Khởi nghĩa Nam Kỳ - biểu tượng của ý chí quật cường dân tộc

       Lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam có rất nhiều sự kiện không chỉ đánh dấu mốc mà còn chứa đựng những bài học kinh nghiệm quý báu. Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra từ ngày 23/11/1940 đến ngày 31/12/1940 cách đây 77 năm là một trong những mốc son chói lọi ấy.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Ðông Dương thực dân Pháp phát-xít hóa bộ máy thống trị, thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chĩa mũi nhọn vào Ðảng Cộng sản.  Sự áp bức thống trị của thực dân Pháp đối với nhân dân ta lên đến cực điểm cùng âm mưu đầu hàng thỏa hiệp với phát-xít Nhật đã đặt ra trước mắt vấn đề sống còn của các dân tộc Ðông Dương. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng từ ngày 6/11 đến 8/11/1939, tại Bà Ðiểm (Hóc Môn) đã xác định: Trong hoàn cảnh mới, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Ðông Dương. “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Ðông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập”. Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng họp tại làng Tân Hương (Mỹ Tho) chủ trương khởi nghĩa, thành lập Ban quân sự các cấp, bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy (thay đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt); đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc xin chỉ thị của Trung ương về chủ trương khởi nghĩa.

Ðến giữa tháng 11/1940, trước tình hình phong trào cách mạng sôi sục, tinh thần phản chiến trong binh lính người Việt lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940.  

Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng từ ngày 6/11 đến 9/11/1940 đã quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa vì điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Ðồng chí Phan Ðăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ nhưng khi về tới Sài Gòn thì bị địch bắt; lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy Nam Kỳ đã bị địch bắt song cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch. Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Nam kỳ, cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ đồng loạt tại nhiều địa phương với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ ở khắp các tỉnh thành: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Bến Tre, Sa Đéc, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa, Vũng Tàu, tất cả 20 tỉnh và thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đều có kế hoạch khởi nghĩa, trong đó có 56/75 quận, 50% số làng.  Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Quần chúng các làng nổi trống mõ; trong đó có tiếng mõ Nam Lân (Bà Điểm) nổi lên khắp nơi, nhiều người với khí thế sôi sục kéo đến, lính giữ đồn một số nơi run sợ phải rút chạy.

Đêm 22/11/1940 rạng sáng ngày 23/11/1940, cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng.

Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao trong các cuộc khởi nghĩa. Lần đầu tiên trong lịch sử, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, đã trở thành biểu tượng niềm tin tất thắng và tinh thần tự tôn dân tộc. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại... ở Vĩnh Long, chính quyền cách mạng cấp quận đã được thành lập tại Vũng Liêm; ở Mỹ Tho, chính quyền cách mạng tồn tại trong 40 ngày; một số nơi, nhân dân lập tòa án cách mạng xét xử bọn phản động, xóa bỏ các thứ thuế, xóa các khoản nợ, tịch thu thóc gạo của địa chủ chia cho dân nghèo. Chính quyền Pháp ở nhiều nơi hoang mang, tan rã. Đội viên các đội tự vệ và du kích trong cuộc khởi nghĩa hầu hết là trẻ tuổi, chiến đấu bằng vũ khí thô sơ. Trận phục kích quân tiếp viện của Pháp từ Tây Ninh đến cứu Hóc Môn bị quân khởi nghĩa vây hãm, du kích đã bắn chết tướng Pháp và nhiều lính ở Cầu Bông. Tại Mỹ Tho, các đội tự vệ phá tan bộ máy chính quyền của Pháp ở 54/57 xã thuộc 02 huyện Châu Thành và Cai Lậy. Tại Hóc Môn (Gia Định), du kích vây đồn, chặn đánh quân Pháp tiếp viện ở Cầu Bông. Tại Cần GiuộcBến Lức, đội du kích của nữ tướng Nguyễn Thị Bảy đã làm cho người Pháp sợ và gọi bà là “Bà Chúa Đỏ”. Tại Vũng Liêm (Vĩnh Long), đội du kích đã chiếm đồn Pháp trong 3 ngày, hàng ngàn du kích do bí thư tỉnh ủy chỉ huy phá hủy 2 đồn, phá hủy gần 10 km đường bộ, 14 cầu. Ngày 14/12/1940, thực dân Pháp phải dùng thủy, lục, không quân 3 mũi tiến công vào Mỹ Tho nhưng mãi đến 14/01/1941 mới chiếm lại được và đẩy lui quân du kích vào Đồng Tháp Mười.

Khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đã đàn áp, khủng bố dã man, khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng nghìn đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Chúng đã dùng máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm và khủng bố dã man với thủ đoạn “cướp sạch, đốt sạch, giết sạch”, xóm làng tang thương, lòng căm thù giặc ngút trời trong lòng người dân. Chỉ trong 40 ngày, riêng bốn tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Long Xuyên và Cần Thơ có tới 5.640 người bị giặc lấy dây thép xâu tay rồi phơi nắng cho đến chết khô, hoặc chất lên sà lan đưa ra biển nhận chìm...Tại các trường bắn do Pháp lập ra, nhiều đồng chí, đồng bào, chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đã có một cuộc tàn sát quy mô lớn: các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của dân tộc, của Đảng như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập; đồng chí Phan Đăng Lưu, Ủy viên Thường vụ Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến; đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Xứ ủy viên kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định đã bị địch xử bắn. Tấm gương hy sinh dũng cảm của các đồng chí mãi mãi sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông Dương”. Nó đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập. Ngày 14/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 163- SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Ðội quân khởi nghĩa Nam Bộ. Sắc lệnh ghi: “Đội quân khởi nghĩa Nam bộ năm 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương được ý chí quật cường của dân tộc”. Ðó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ. Từ trong tiến trình chuẩn bị và diễn ra khởi nghĩa, lần đầu thiết chế “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và tiêu ngữ “'Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng-rôn treo trước trụ sở các Ủy ban cách mạng ở Long Hưng, ở Vĩnh Kim (Mỹ Tho).

Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam Kỳ. Ngọn cờ đỏ sao vàng sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và đến ngày 9/11/1946, chính thức là “cờ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được ghi trong Hiến pháp thông qua tại kỳ họp Quốc hội thứ hai (khóa I).

Tháng 12/1940, Đảng bộ Nam Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui để tránh tổn thất, đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.

Ngay từ khi được tin Nam Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương hỗ trợ Nam Kỳ từ việc xuống đường biểu tình, rải truyền đơn, bãi khóa, đình công, bãi thị đến việc phát động chiến tranh du kích, phá đường, cầu cống để ngăn quân Pháp đàn áp.

Trước cuộc khởi nghĩa 1940, hầu hết những người dân bình thường ở Nam Bộ cũng như cả nước ít hiểu về cộng sản, về Đảng Cộng sản; nhiều người còn mơ hồ bởi những luận điệu xuyên tạc của bọn thực dân, phong kiến về những người cộng sản. Qua cuộc khởi nghĩa, trước những hy sinh dũng cảm bất khuất của hàng ngàn người cộng sản, quần chúng nhân dân càng nhận rõ: Cộng sản là những người thật sự yêu nước, những người xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khởi nghĩa Nam Kỳ đã có tiếng vang lớn, không những trong nước mà còn làm nức lòng cả những chiến sĩ cách mạng ở Pháp. Đảng Cộng sản Pháp đã gửi đến Đảng Cộng sản Đông Dương một bức thư, trong đó có đoạn: “Chúng tôi cúi đầu trước vong linh những người chiến sĩ đấu tranh cho tự do đã hy sinh hồi tháng 11 dưới súng liên thanh của Decoux, Beaudouin, Pétain… Chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước những người anh hùng đó, đặc biệt, chúng tôi nghiêng mình trước những anh chị em ruột thịt anh hùng là đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương”. 

Kỷ niệm 77 năm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ là dịp để chúng ta ôn lại khí thế hào hùng, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của đồng bào và chiến sỹ trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Tinh thần và khí thế bất diệt của đồng bào và chiến sỹ trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ luôn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta./.    


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ