79 năm công tác tuyên giáo của Đảng CSVN (1.8.1930 - 1.8.2009)

  • /
  • 22.7.2009 - 0:0

(ĐCSVN) – Suốt 79 năm qua, công tác tư tưởng luôn luôn là bộ phận quan trọng cấu thành sự lãnh đạo của Đảng và đã có nhiều thành tựu lớn đóng góp vào sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Có được những thành tựu là do biết vận dụng nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có kinh nghiệm vận dụng bốn động lực và ba mối quan hệ trong công tác tư tưởng.

Bốn động lực

Những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà Nước phù hợp với xu thế phát triển, hợp lòng dân là động lực số một của công tác tư tưởng. Từ các thế hệ tiền bối làm công tác tư tưởng cho tới đội ngũ những người làm công tác tư tưởng hôm nay, việc nắm vững các quan điểm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà Nước bao giờ cũng được đặt len hàng đầu, coi đó là một động lực rất quan trọng để thúc đẩy công tác tư tưởng bằng nhiều hình thức để đưa các quan điểm đường lối chính sách vào đời sống xã hội. Từ quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng đến các định hướng lớn về công tác tư tưởng là một sự thống nhất về tư duy lý luận và thực tiễn của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng, được thể hiện qua các Nghị quyết của ban chấp hành TƯ, Nghị quyết của Ban Bí thư và Bộ chính trị. Trong suốt 79 năm qua, Đảng ta có rất nhiều Nghị quyết về công tác tư tưởng chỉ đạo định hướng trong từng thời kỳ, từng sự kiện, từng lĩnh vực của công tác tư tưởng. Nghị quyết số 09 năm 1995 của Bộ Chính trị ( khoá VII) đã nêu ra sáu định hướng lớn về công tác tư tưởng trong sự nghiệp đổi mới; Nghị quyết lần thứ năm Ban Chấp hành TƯ (khoá VIII) về " Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc" đã chỉ đạo định hướng xây dựng nền văn hoá Việt Nam XHCN và xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; Nghị quyết hội nghị lần thứ năm BCHTƯ (khoá IX) về nhiệm vụ chủ yếu về công tác tư tưởng lý luận trong thời kỳ hiện nay đã nêu rõ sáu nhiệm vụ của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình hiện nay; Nghị quyết lần thứ năm BCHTƯ (khoá X) về công tác tư tưởng, lý luận trước những yêu cầu mới... Những chỉ đaọ, định hướng của Đảng về công tác tư tưởng đều nhằm đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân. Nắm vững và kiên định các quan điểm, đường lối của Đảng không chỉ là động lực mà là nguyên tắc bất di bất dịch của công tác tư tưởng.

Gần 8 thập niên qua công tác tư tưởng luôn sôi động, luôn phải xử lý những vấn đề mới mẻ từ thực tiễn, tác động đến tư tưởng tâm trạng xã hội và đã thu được nhiều thành tựu đáng kể, chính là do các định hướng lớn về công tác tư tưởng và sự năng động của những người làm công tác tư tưởng đã triển khai có hiệu quả các định hướng một cách rộng khắp trong toàn Đảng và xã hội. Từ thực tiễn hoạt động cho thấy, khi đã nắm chắc các Nghị quyết và các định hướng lớn thì người làm công tác tư tưởng mới có thể chủ động tiến công, giữ vững trận địa tư tưởng.

Những thành tựu của sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Nhân dân là động lực quan trọng thứ hai của công tác tư tưởng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã chiến đấu anh dũng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, thử thách, thu được nhiều thành tựu lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH, đặc biệt là thành tựu của hơn 20 năm đổi mới. Những thành tựu đó tác động rất tích cực đến đời sống chính trị tư tưởng của nhân dân, tạo nguồn hưng phấn, lòng tin, niềm tự hào dân tộc trong mỗi con người Việt Nam. Đó là động lực và thuận lợi lớn của công tác tư tưởng. Nhưng công tác tư tưởng không chỉ phải ngồi chờ có những thành tựu để tuyên truyền mà quan trọng hơn là chủ động tích cực góp phần tạo ra động lực đó. Thực tiễn qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ trên các lĩnh vực của công tác tư tưởng đã tuyên truyền, cổ động khơi dậy tinh thần yêu nước, yêu CNXH của nhân dân ta, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, tạo ra thế và lực mới của đất nước trong thời kỳ CNH - HĐH vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh". Thật vậy khi nói thành tựu của sự nghiệp cách mạnh là động lực của công tác tư tưởng, cũng chính là nói đến vai trò của công tác tư tưởng đã góp phần thúc đẩy toàn bộ xã hội tạo ra những thàng tựu đó.

Phong trào cách mạng của quần chúng được coi là động lực lớn thứ ba của công tác tư tưởng. Không có phong trào cách mạng của quần chúng thì sự nghiệp của cách mạng khó có thể thành công. Cách mạng lúc đầu chỉ ở diện hẹp dần đã lan toả, trở thành phong trào rộng lớn, một phần là do công tác tư tưởng đã kịp thời nắm bắt, tuyên truyền, cổ động trong xã hội vừa nhân rộn, vừa tổng kết rút kinh nghiệm. Trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ cứu nước công tác tư tưởng đã tuyên truyền sâu rộng các phong trào lớn như : Dũng sỹ diệt Mỹ, thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang, sóng Duyên Hải, gió Đại Phong, cờ Ba Nhất, mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt...

Trong thời kỳ đổi mới, vấn đề quan trọng đối với những người làm công tác tư tưởng là cần đi sát thực tiễn, gần dân, lắng nghe tiếng nói của Nhân dân phát hiện những nhân tố tích cực trong đời sống xã hội, trong lao động sáng tạo và những phong trào cách mạng của quần chúng. Nhiều phong trào trong thời kỳ đổi mới như : Thi đua lao động sáng tạo làm giàu cho đất nước và làm giàu cho bản thân, phong trào hoạt động từ thiện, xoá đói giảm nghèo, phong trào thanh niên tình nguyện, và gần đây cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" lan toả rất nhanh trong xã hội, trở thành phong trào cách mạng của nhân dân học tập và làm theo đạo đức của Bác... Đó là động lực của những người làm công tác tư tưởng, chủ động tuyên truyền cổ động những nhân tố tích cực càng nhiều càng góp phần làm giảm đi những tiêu cực trong xã hội, cũng là biện pháp đấu tranh với cái xấu, cái ác, cai tiêu cực trong xã hội.

Sự phát triển nội tại của công tác tư tưởng là động lực quan trọng thứ tư. Trong sự phát triển của công tác tư tưởng, công tác cán bộ tư tưởng đóng vai trò rất quan trọng. Bất kỳ lĩnh vực công tác nào của Đảng, Chính quyền và đoàn thể, người cán bộ, công chức đều có đức tính trung thực, trung thành, cần sắc định những vấn đề có tính nguyên tắc, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, chuyên sâu vào chuyên môn, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc. Nhưng với những người làm công tác tư tưởng, thì yêu cần càng phải cao hơn, đó là bản lĩnh chính trị trước thử thách và bước ngoặt của cách mạng; nhậy cảm, nắm bắt nhanh và xử lý nhanh, đúng đắn những thông tin mới tác động đến tư tưởng, tình cảm cộng đồng; Nói và viết đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn mấy chục năm qua, Đảng ta luôn coi trọng việc bồi dưỡng tập hợp lực lượng cán bộ đã được lựa chọn từ cơ sở, từ các phong trào cách mạnh của quần chúng để làm công tác tư tưởng. Đội ngũ làm công tác tư tưởng có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc, gắn bó với cơ sở, chia sẻ khó khăn với nhân dân, với đồng nghiệp. Đó chính là động lực để công tác tư tưởng hoàn thành sứ mệng của mình góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Bốn động lực của công tác tư tưởng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công tác tư tưởng trong suốt chặng đường dài 79 năm của Đảng ta. Thực tiễn đã chứng minh điều đó và xã hội đã ghi nhận điều đó.

Ba mối quan hệ

Tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc tháng 2 năm 2009, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng CSVN, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Tô Huy Rứa đã nêu và phân tích về ba mối quan hệ của công tác tư tưởng. Ba mối quan hệ này gắn bó hữu cơ với nhau và là kinh nghiệm của công tác tư tưởng không chỉ cho năm 2008 mà nhìn lại mấy chục năm qua, cho tới những năm tiếp theo, đều đúng.

Quan hệ giữa nghiên cứu tham mưa và chỉ đạo tác chiến hàng ngày là mối quan hệ đầu tiên qui định chức năng và nhiệm vụ của các Ban Tuyên giáo từ TƯ đến cơ sở, đòi hỏi những người làm công tác tư tưởng cần có năng lực tư duy năm được thực tiễn, nghiên cứu lý luận, soạn thảo các đề án có tính chiến lược, đồng thời có khă năng tác chiến cụ thể, xử lý những vấn đề nổi cộm mới phát sinh diễn ra hàng ngày để giải quyết tôt những vấn đề về tư tưởng góp phần ổn định xẫ hội. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo TƯ thì năm 2008 toàn ngành Tuyên giáo đã tiến hành tổ chức lực lượng để vừa làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ vừa chỉ đạo tác chiến hàng ngày.

Quan hệ giữa bao quát nhiều lĩnh vực, đa dạng và phong phú với việc tập trung xử lý nhanh dứt điểm những vấn đề chính yếu, trọng điểm nổi lên trong một thời gian ngắn. Đảng đòi hỏi những người làm công tác tư tưởng cần phải có năng lực nắm bắt nhanh và sâu nhiều mặt thực tiễn của đời sống xã hội và những diễn biến của tình hình tư tưởng, thì mới có khả năng đề xuất với cấp uỷ; nhưng đồng thời trong cùng thời gian phải biết tập trung vào vấn đề trọng điểm cần giải quyết nhanh. Đảng đã yêu cầu cần tránh tình trạng cán bộ tư tưởng cái gì cũng biết, nhưng biết chung chung, không sâu, nên khó có khả năng đề xuất với cấp uỷ những vấn đề mới cần xử lý.

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo TƯ, ngành Tuyên giáo năm 2008, đã tập trung "vào hai trọng điểm, một là kịp thời định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề, sự kiện, biến cố nổi cộm và hai là, hướng mạnh, gắn chặt hơn hoạt động tuyên truyên với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hôi ...".

Quan hệ giữa TƯ và cơ sở ; tăng cường thông tin hai chiều, kết hợp thông tin định hướng, chỉ đạo với tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến của cán bộ và nhân dân để nắm được tình hình tư tưởng, phát hiện những sáng kiến, những vấn đề mà Nhân dân cơ sở đặt ra. Tăng cường mối quan hệ giữa TƯ và cơ sở trước hết là đổi mới và nâng cao chất lượng thông tin hai chiều giữa Ban Tuyên giáo TƯ với các cấp uỷ và Ban Tuyên giáo địa phương; giữa Ban Tuyên giáo TƯ với Đảng uỷ các cơ quan TƯ. Theo Ban Tuyên giáo TƯ thì " Thực hiện phương châm đối thoại, trao đổi, tranh luận, cởi mở với cán bộ, đảng viên và Nhân dân là một giả pháp có tính đột phá nâng cao hiệu quả công tác Tuyên giáo".

Bốn động lực và ba mối quan hệ thực sự là những kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn của công tác tư tưởng góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân nỗ lực phấn đấu thu được những thành tựu lớn của đất nước, đồng thời giải quyết kịp thời, đúng đắn những vấn đề bức xúc mới nảy sinh hàng ngày trong xã hội, giữ vững ổn định chính trị, làm tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, củng cố lòng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng CSVN, sự điều hành của Nhà nước.

                      (Theo Trúc Thanh - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)


  • |
  • 729
  • |

Các tin khác