Chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11: Phát huy tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và vinh dự của Thầy, Cô giáo đang giảng dạy tại các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Trong thực tiễn cuộc sống của con người ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào đã chứng minh rằng: Không một ai khôn lớn, thành đạt mà không có sự chỉ bảo của thầy giáo, cô giáo. Thầy giáo, cô giáo không chỉ truyền thụ cho học trò kiến thức của nhân loại mà còn rèn luyện, bồi đắp cho học trò nhân cách và đạo lý để làm người.

Ở Việt Nam ta, từ xưa đến nay, nghề dạy học gắn với thầy, cô luôn luôn được nhân dân ta đề cao, kính trọng, yêu mến. Khi nói tới “Tôn sư trọng đạo” là mỗi chúng ta đã thể hiện sự thành kính, quý trọng đối với thầy giáo, cô giáo. Đạo lý đó đã trở thành một truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Từ khi nước nhà được độc lập, biết bao thế hệ nhà giáo đã đóng góp sức mình cho sự nghiệp giáo dục cách mạng, đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước, góp phần tạo ra nguồn nhân lực trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Công lao và công trạng của nhà giáo trong suốt nhiều thập kỷ qua là vô cùng to lớn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Người thầy giáo tốt dù tên tuổi không ghi bảng vàng, nhưng họ là những anh hùng vô danh.

Là một trong những đơn vị sự nghiệp đặc thù, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và nghiệp vụ, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước..., cho đối tượng cán bộ, đảng viên, hội viên, quần chúng ở cơ sở.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó, nhiều năm qua với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, đội ngũ cán bộ, giảng viên các trung tâm bồi dưỡng chính trị trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều cố gắng, vượt qua khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, 10 trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thị xã, thành phố đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; nhiều trung tâm bồi dưỡng chính trị bộ mặt đã khang trang, có đủ phòng học, phòng làm việc, trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng (tài liệu, sách báo, máy vi tính, bộ đèn chiếu,…). Hầu hết cán bộ lãnh đạo, giảng viên chuyên trách ở các Trung tâm bồi dưỡng chính trị có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học 39 đồng chí; trình độ lý luận chính trị cao cấp 28 đồng chí, trung cấp 11 đồng chí. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của các trung tâm bồi dưỡng chính trị được tăng cường, bổ sung hàng năm. Đội ngũ giảng viên kiêm chức của 10 trung tâm bồi dưỡng chính trị hiện nay có 89 đồng chí; là những cán bộ giữ cương vị chủ chốt của các cơ quan Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội của cấp huyện, có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân và trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Được phân công, bố trí bài giảng hợp lý, có kiểm tra bài giảng nên chất lượng giảng dạy đáp ứng được yêu cầu; thường xuyên được củng cố, kiện toàn, cập nhật những kiến thức mới, quan điểm mới vào bài giảng đảm bảo tính thông tin, định hướng kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, từng bước chuyên môn hóa nội dung bài giảng gắn với sử dụng công nghệ thông tin và công tác chuyên môn của từng người.

Trong việc tham gia giảng dạy tại các trung tâm những năm qua, nhiều đồng chí lãnh đạo, giảng viên chuyên trách, giảng viên kiêm chức đã nêu cao ý thức trong việc chuẩn bị bài giảng, nhiệt tình say mê trong giảng dạy, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng bài giảng, được đồng nghiệp, học viên đánh giá cao.

Kết quả qua 10 năm (từ năm 2008 đến năm 2018), các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã chủ động tổ chức nhiều loại hình lớp học, bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Đã mở 6.222 lớp các loại với 646.489 lượt người tham gia, gồm các lớp: Sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đối tượng kết nạp Đảng, bồi dưỡng công tác Đảng cho bí thư chi bộ và cấp ủy viên cơ sở, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, giúp cơ sở mở lớp về xây dựng nông thôn mới; công tác tuyên giáo ở cơ sở; triển khai học tập, quán triệt nghị quyết; chương trình bồi dưỡng các chuyên đề; bồi dưỡng nghiệp vụ tuyên giáo lĩnh vực lý luận, lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức..., các lớp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao hàng năm từ 3- 13%.

Ngoài ra nhiều đồng chí lãnh đạo, giảng viên còn tham gia tích cực hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng tại các hội nghị báo cáo viên do cấp ủy các đơn vị, địa phương tổ chức.

Mặc dù hiện nay ở một số trung tâm bồi dưỡng chính trị, đội ngũ giảng viên vẫn còn có những khó khăn, hạn chế, song có thể khẳng định rằng kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ trong nhiều năm qua có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Sự đóng góp đó đã góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Những năm tới, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên đang đứng trước những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức, nhất là sự tác động sâu sắc mặt trái của cơ chế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa. Điều đó đã và đang đặt ra yêu cầu công tác giáo dục lý luận chính trị của chúng ta phải đổi mới từ phương thức tổ chức quản lý đến đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ. Từ thực tiễn và yêu cầu đổi mới của đất nước, của tỉnh, của cơ sở đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên của các trung tâm bồi dưỡng, chúng ta không bằng lòng với kết quả đã đạt được, với kiến thức hiện có, mà phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Một bài giảng ngày hôm qua, hôm nay của người thầy có sức thuyết phục, có sức lôi cuốn lớn được học viên ca ngợi, không nhất định ngày mai, ngày kia vẫn có sức lôi cuốn và hấp dẫn - nếu bài giảng đó không được người thầy bổ sung kiến thức, nếu bài giảng đó không mang hơi thở của cuộc sống, của thực tiễn. Điều đó đặt ra mỗi thầy giáo, cô giáo trên mặt trận lý luận chính trị chẳng những đòi hỏi phải nhiệt tình, trách nhiệm, mà cao hơn phải thật sự tâm huyết, say mê tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo với mỗi bài giảng, mỗi chuyên đề; đó là điều không dễ, song mỗi chúng ta không thể không làm được!

Trên con đường thực hiện nhiệm vụ của người giảng viên, khó khăn chắc chắn còn không ít, đòi hỏi mỗi cán bộ, giảng viên đang công tác tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị chúng ta phải phấn đấu vượt qua. Điều quan trọng nhất là mỗi giảng viên chúng ta có thể và cần phải tự giác, nêu cao trách nhiệm, thật sự nhiệt huyết với nghề cao quý của mình.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - Ngày hội của các nhà giáo, ngày mà xã hội và mỗi người chúng ta tôn vinh và biết ơn các thế hệ thầy cô giáo, đó cũng là ngày mà mỗi thầy giáo, cô giáo cảm thấy tự hào, vinh dự đồng thời thấy rõ hơn trách nhiệm lớn lao của mình.

Ngày 20 tháng 11 đã đến gần, người viết bài này xin được gửi tới toàn thể đội ngũ nhà giáo nói chung, đội ngũ thầy giáo, cô giáo đang giảng dạy tại các trung tâm bồi dưỡng chính trị tỉnh nhà lời chúc mừng tốt đẹp nhất - Chúc các đồng chí giảng viên, giảng viên kiên chức vững tin hơn nữa, say mê hơn nữa với nghề cao quý của mình để ngày mai, ngày kia có những bài giảng thật sự chất lượng, góp phần nâng cao vị thế của công tác giáo dục lý luận chính trị, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của cán bộ, đảng viên và nhân dân./.


Các tin khác