Tập trung xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Bình Thuận góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Văn hóa là “tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của con người đã diễn ra trong quá khứ cũng như đang diễn ra trong hiện tại. Qua bao thế kỷ, các hoạt động sáng tạo ấy đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thị hiếu thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc khẳng định bản sắc riêng của mình”.

Đó chính là một hệ thống hữu cơ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo, tích lũy thông qua hoạt động thực tiễn. Mỗi quốc gia, dân tộc, muốn phát triển bền vững và ổn định phải xây dựng văn hoá, phát triển văn hóa và con người, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, ổn định chính trị xã hội trên tinh thần “tiếp thêm sức mạnh của nền văn hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội”. Nhận thức sâu sắc về vai trò,ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong 05 năm qua, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Bình Thuận góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Xây dựng con người Bình Thuận phát triển toàn diện

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Thuận góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.do vậy, các cấp ủy đảng luôn quan tâm xây dựng những quy tắc ứng xử và phổ biến trong cộng đồng, xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống của con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Môi trường văn hóa là nội dung chủ yếu trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Theo đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xác định là “hạt nhân” của Phong trào nên đã quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện: Khu dân cư giữ gìn vệ sinh môi trường, khu dân cư 4 không 4 giảm (ma túy, mại dâm, tội phạm, tai nạn giao thông), tuyến phố văn minh đô thị; cảnh quan xanh-sạch-đẹp, trồng cây xanh, làm hàng rào-cột cờ trước nhà, xử lý nước, rác thải đúng quy định; giáo dục con em trong gia đình không tham gia vào tệ nạn ma túy, mại dâm và kiên quyết đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại địa bàn dân cư; phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; người dân tham gia giám sát các công trình do nhân dân đóng góp theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, điện, đường, trường, trạm, xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo...; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và nơi công cộng, xây dựng Quy ước thôn, khu phố văn hóa, ứng xử lịch sự trong giao tiếp, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; chấp hành kỷ cương xã hội, mọi người sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, đấu tranh, bài trừ tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, bạo lực gia đình; tuyên truyền và phát huy Pháp lệnh dân chủ cơ sở; phát huy truyền thống gia đình, dòng họ trong việc giáo dục đạo đức, lối sống trong xây dựng môi trường văn hóa. Coi trọng việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho thế hệ trẻ, tổ chức nhiều lớp năng khiếu, hội thi dành cho các em thiếu nhi vào các dịp hè hàng năm, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh trong tỉnh, góp phần phát huy khả năng sáng tạo trong hội họa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghệ thuật ca múa của các em. Các hoạt động cũng đã góp phần giáo dục các em tình yêu thương gia đình, yêu quê hương, đất nước. Xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến như phát động phong trào toàn dân treo ảnh Bác Hồ, hội thi kể chuyện và tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; xây nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho hộ nghèo; gắn đèn chiếu sáng trong thôn, xóm, đường giao thông nông thôn; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, học sinh nghèo hiếu học; vượt khó vươn lên làm giàu, nuôi con thành đạt; làm hàng rào, cột cờ, trồng hoa các tuyến đường…

Hiệu quả hoạt động văn hóa ngày một nâng cao

Hoạt động văn hóa, nghệ thuật đã có bước phát triển tiến bộ. Phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng khắp, đa dạng, phong phú cả về nội dung và hình thức, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Việc thực hiện “đưa văn hóa về cơ sở” phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng xa, miền núi, hải đảo đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo. Nhất là việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa các dân tộc thiểu số; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; Công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả, như: . tổ chức đánh giá chất lượng 05 lễ hội tiêu biểu phát triển du lịch của tỉnh. Hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng Quy chế, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.... trong các hoạt động lễ hội tại di tích tháp Pô Sah Inư; lễ hội Trung thu; lễ Tảo mộ Ramưwan của người Chăm (Bàni); lễ hội Dinh Thầy Thím tại La Gi; lễ hội Giỗ Tổ các Vua Hùng tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong.

Ngoài ra, Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm sưu tầm, trao đổi và vận động nhân dân hiến tặng là 417 hiện vật, nâng tổng số hiện vật gốc lên 1.370 hiện vật, cổ vật. Đã hoàn chỉnh việc khảo sát và báo cáo chuyên đề “Bước đầu nghiên cứu và bảo tồn dòng thơ Ariya của người Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Hoàn chỉnh 104 bộ hồ sơ lý lịch hiện vật từ năm 2010 đến nay. Hội đồng giám định hiện vật, cổ vật của ngành đã tiến hành giám định 970 hiện vật, cổ vật có giá trị. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu lễ hội văn hóa dân gian của người Chăm trong tỉnh, gồm: Lễ hội văn hóa dân gian tại đền tháp Bà Châu Rế xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc), lễ hội văn hóa dân gian tại đền thờ Pô Klong Sách (Po Klong Ka Sait) xã Phan Hòa (Bắc Bình), hệ thống lễ nghi/lễ hội của người Chăm tại nhóm đề tháp Po Dam xã Phú Lạc (Tuy Phong); điều tra, nghiên cứu thu thập tư liệu hệ thống nghi lễ trong lễ hội Tết ăn đầu lúa của người Cờ Ho xã Phan Tiến (Bắc Bình); kiểm kê văn hóa phi vật thể của người Raglai xã Đức Thuận (Tánh Linh).

Tuy nhiên, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 33 vẫn còn tồn tại, hạn chế, khuyết điểm đó là:

- Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm đúng mức công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; việc thực hiện quy trình bình xét, công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, khu phố văn hóa ở một vài địa phương chưa tốt, còn nặng tính chủ quan ở các tổ tự quản, chưa thật sự dân chủ, đúng thực chất.

- Tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhiều, chất lượng chưa cao. Mức độ hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế. Hủ tục ma chay, cưới xin ở một số nơi chậm được khắc phục.

- Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khoảng cách mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu những giải pháp khả thi trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Hoạt động văn hóa nghệ thuật thời gian qua tại địa phương phát triển chưa tương xứng, còn thiếu vắng những tác phẩm có giá trị mang tính nghệ thuật cao; còn hạn chế trong việc phân tích, thực tiễn văn hóa nghệ thuật nói chung và của từng lĩnh vực nghệ thuật nói riêng.

Do vậy, trong thời gian tới, để khắc phục khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy những kết quả đã đạt được, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đã được nêu trong Chương trình hành động số 29-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”

Tập trung xây dựng hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa con người Bình Thuận để phát triển bền vững về nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm với xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, với tính cách, phong tục, tập quán truyền thống của cộng đồng dân cư trong tỉnh, trong hệ thống chính trị các cấp, trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; trong từng thôn, khu phố và mỗi gia đình trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường và chú trọng công tác văn hóa vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nơi mà trình độ dân trí còn thấp, không có đủ điều kiện nâng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao bổ ích, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về hưởng thụ văn hóa, hòa nhập với cộng đồng và bảo vệ bản sắc văn hóa vốn có của địa phương.

Tiếp tục có chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật phù hợp với điều kiện tình hình của tỉnh, đặc biệt là lực lượng trẻ, có tính kế thừa. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lực lượng nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ./.


Các tin khác

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN

TƯ LIỆU LỊCH SỬ

THÔNG TIN CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO

Bộ câu hỏi trắc nghiệm

SINH HOẠT CHI BỘ